Theo báo giá của một số đầu mối đổi tiền mới tại khu vực TP.HCM và Hà Nội, phí đổi tiền lẻ trước thời điểm Tết Nguyên đán khá "mềm". Cụ thể, khách hàng đổi tiền có mệnh giá từ 1.000 đồng tới 20.000 đồng với số lượng 1-5 triệu đồng phải trả phí 8-11%.
Tiền có mệnh giá lớn hơn 50.000 đồng, phí sẽ dao động từ 6 đến 7%. Đắt nhất là tiền 500 đồng, khi khách phải trả chi phí 70-100% trên số tiền nhận về, tức là nếu đổi 500.000 đồng, số tiền phải chi lên tới 850.000 đồng đến 1 triệu đồng.
Tuy vậy, một số đầu mối cho biết, thời gian khách có thể nhận được tiền cũng rải rác từ nay cho đến ngày 15/1/2016, tùy vào mệnh giá và độ hiếm. Trong đó, tiền 10.000 đồng và 50.000 đồng sẽ có muộn nhất. Riêng tiền 500 đồng sẽ rất hiếm và khó có thể đổi được số lượng lớn, nhất là tại TP.HCM.
Giá đổi tiền mới đắt nhất ở mệnh giá 500 đồng, với phí lên tới 70-100%. Ảnh: Hoàng Hà. |
"Năm nay chắc chắn không phát hành thêm tiền 500 đồng mới, nên khách nào đặt trước sẽ được nhận tiền còn dư của năm ngoái. Số lượng này không nhiều, đổi trước có thể được giá 70%, chứ đến sát Tết thì chắc chắn sẽ tăng rất mạnh bởi nhiều người có thể đổi lại với mức 150-200%", anh Văn Đức, ở phường 3, quận Gò Vấp cho hay.
Theo anh này, vì người ở TP.HCM không có thói quen dùng tiền lẻ đi chùa như miền Bắc, nên khách mua buôn chuyển về Hà Nội có thể được chiết khấu chi phí xuống còn 7% cho mọi mệnh giá từ 1.000 đồng tới 5.000 đồng. Đầu mối này cũng khẳng định, toàn bộ tiền đổi sẽ mới nguyên seri, nhưng với mỗi loại, khách hàng sẽ phải đổi ít nhất 1 triệu đồng.
Một vài đầu mối khác nhận đổi với phí 6% nếu khách đặt số lượng từ 30 triệu đồng trở lên. Mức này, theo đầu mối chia sẻ, đã đắt hơn so với năm ngoái khoảng 1%. Tuy nhiên, thời điểm này giá còn khá thấp, nếu đến trước giao thừa khoảng 10 ngày thì chi phí cho mối mua buôn sẽ không dưới 10% cho tiền mệnh giá trên 1.000 đồng, còn tiền 500 đồng sẽ lên tới 100%.
Làm dịch vụ đổi tiền mới đã 6 năm, nhưng năm nay, chị Hà Thanh không tiếp tục cung ứng hàng vì khan hiếm nguồn cung. Đầu mối này chia sẻ, mức giá thời điểm này vào năm ngoái (do Tết đến muộn hơn) cho tiền 500 đồng chỉ là 40%.
Trong khi đó, tiền mới hiếm nhất năm 2015 là đồng 20.000 có phí đổi chỉ 12%. Tuy nhiên, nguồn cung ứng từ phía ngân hàng hoặc các mối buôn ngày càng ít, nên chi phí đến tay khách hàng cũng cao hơn và mức lãi của nghề này cũng không còn hấp dẫn đầu mối đổi tiền nhỏ lẻ.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Xuân Hải, Cục phó chi cục phát hành và kho quỹ Ngân hàng Nhà nước cho biết, năm nay, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì dự trữ một lượng tiền mệnh giá nhỏ đã qua sử dụng, đủ tiêu chuẩn lưu thông để đảm bảo cung ứng đủ nhu cầu thanh toán của người dân trong dịp Tết Nguyên đán và các năm tiếp theo.
Ngân hàng Nhà nước cũng không có chủ trương phát hành tiền lẻ để phục vụ các nhu cầu như đổi tiền mới, dùng để lì xì hay đi chùa. Với những giao dịch đổi tiền thu phí trên thị trường, ông Hải cho biết, cơ quan điều hành sẽ có phối hợp với quản lý thị trường để quản lý tình trạng này.
Theo Zing