Sếp Vinamit chia sẻ “bí quyết” kiếm tiền từ thị trường Mỹ

Thứ hai, 14/12/2015, 13:14
“Không phải dễ dàng đáp ứng các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khi nông sản Việt Nam hiện nay đang chạy đua theo số lượng mà chưa đánh giá đúng vấn đề chất lượng”, ông Nguyễn Lâm Viên - Chủ tịch Vinamit, nói.
Ông Nguyễn Lâm Viên chủ sở hữu thương hiệu Vinamit

Hapro, Cà phê Trung Nguyên, Gạo Tài Vương, Nước dừa Mekong, G.O.C Food… đã tham dự tuần lễ Hội chợ thực phẩm lớn nhất Bắc Mỹ dành cho các nhà phân phối/bán sỉ tìm kiếm nhà cung cấp hàng nhãn riêng.

Trong bản thông tin phát đi vào cuối tháng 11/2015, Vinamit cho biết với sự quan tâm rất lớn của các nhà nhập khẩu và phân phối, Vinamit lạc quan đối với thị trường Bắc Mỹ và châu Âu. Liệu nông sản chế biến Việt Nam có thể tiến sâu hơn vào 2 thị trường khó tính này không? BizLIVE đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch Vinamit xung quanh nội dung xuất khẩu nông sản chế biến sang thị trường Hoa Kỳ hay các thị trường khó tính.

Thị trường Trung Quốc tiêu thụ tốt nhưng tiềm ẩn bất ổn

Thưa ông, được biết Vinamit vừa tham dự tuần lễ Hội chợ thực phẩm lớn nhất Bắc Mỹ, phải chăng thị trường Bắc Mỹ là mục tiêu tiếp theo của Vinamit?

Vinamit đã xác định mục tiêu chinh phục thị trường Bắc Mỹ từ lâu, nhất là thời gian gần đây thị trường Trung Quốc dù vẫn đang tiêu thụ tốt nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Vì thế, chúng tôi thường xuyên theo dõi các cơ hội xúc tiến thương mại tại Mỹ để tìm hiểu và đánh giá tiềm năng của thị trường này.

Từ năm 2012 đến nay, năm nào Vinamit cũng tham gia khảo sát, tham quan hoặc giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ tại Mỹ. Hiện Vinamit đã có bán các sản phẩm của mình tại đây thông qua các nhà nhập khẩu cỡ vừa và nhỏ, chủ yếu phục vụ công đồng người Việt tại Mỹ, chưa phản ánh đúng thực chất quy mô của thị trường tiềm năng này.

Ông đánh giá thế nào về cơ hội tại thị trường Bắc Mỹ đối với các sản phẩm nông sản Việt Nam? Cơ sở nào để Vinamit lạc quan về thị trường này?

Hiện nay, nhu cầu đòi hỏi và trái cây, rau củ quả chất lượng cao tại thị trường Bắc Mỹ và châu Âu là rất lớn, tập trung cho vấn đề chăm sóc sức khoẻ của người sử dụng. Từ các phản hồi của các nhà bán sỉ và các nhà phân phối trong hội chợ vừa qua, chúng tôi nhận ra nhu cầu này là có thực và lớn.

Cụ thể họ đòi hỏi nguồn cung cấp rất lớn nhưng đồng thời phải đáp ứng các tiêu chuẩn rất cao về chất lượng, trong đó ngoài chứng nhận FDA là bắt buộc thì các tiêu chuẩn khác như Organic và Kosher sẽ giúp cho sản phẩm được tiếp nhận dễ dàng hơn do thoả mãn được nhu cầu thực phẩm hữu cơ, xanh - sạch - an toàn cho người sử dụng.

Hiện nay riêng trong lĩnh vực trái cây và rau củ nông sản sấy, Vinamit đang áp dụng phương pháp nuôi trồng hữu cơ và công nghệ sấy lạnh mới nhất, hoàn toàn có thể đáp ứng các nhu cầu này.

Không đáp ứng tiêu chuẩn, có mở rộng cửa thì hàng Việt cũng không thể lọt

Hiệp định TPP đang đến rất gần, nếu có hiệu lực ông tin các dòng sản phẩm nông sản chế biến/sơ chế của Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn tại Mỹ? Thách thức các sản phẩm nông sản của Việt Nam phải đối mặt tại Mỹ là gì?

Tôi tin chắc các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam sẽ có mặt nhiều hơn tại Mỹ nếu các nhà xuất khẩu Việt Nam đáp ứng tốt các tiêu chuẩn sản phẩm cũng như nhu cầu cực lớn của họ.

Theo tôi thách thức lớn nhất là các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Tại những thị trường lớn như Mỹ, Nhật… các tiêu chuẩn này rất khắt khe, nông sản Việt Nam muốn vào được thì phải đáp ứng được. Nếu không, dù họ có mở rộng cửa thì hàng của ta cũng không thể lọt. Như vậy, lợi thế có được cũng như không. Điều này không phải dễ dàng khi nông sản Việt Nam hiện nay đang chạy đua theo số lượng mà chưa đánh giá đúng vấn đề chất lượng.

Như chúng ta đều thấy, các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam hiện nay đang bị đẩy mạnh khai thác bằng tất cả các phương pháp kể cả các tác động hoá học, sinh học để có sản lượng cao hơn, trong khi chất lượng lại chưa được quan tâm đúng mức.

Liệu Peru/Mexico có là đối thủ trực tiếp của Việt Nam trên thị trường này đối với dòng sản phẩm nông sản?

Các đối thủ từ Nam Mỹ có thể lợi thế hơn về khoảng cách địa lý và sự am hiểu thị trường. Tuy nhiên để cạnh tranh vấn đề này chỉ là thời gian và bản thân họ cũng đi theo một hướng khác, như bánh, kẹo, hương liệu, nước ép và sử dụng các nông sản đặc thù của họ, ít khi cạnh tranh trực tiếp với hàng nông sản Việt Nam cũng như công nghệ sản xuất riêng biệt của chúng tôi.

Cám ơn ông!

Theo Diễn đàn đầu tư

Các tin cũ hơn