Điều này khiến cả người lao động và DN đều sốt ruột…nhấp nhổm.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Hưng Yên cho biết, hiện chi phí tiền lương cho người lao động của đơn vị chiếm 60% tổng lợi nhuận, BHXH chiếm 10%, số lợi nhuận còn lại phải chi phí cho khấu hao thiết bị, vận tải, xuất nhập khẩu…
Với cách tính BHXH mới từ năm 2016, ông Dương dự tính phần chi cho bảo hiểm sẽ chiếm 14% (tăng 4%) lợi nhuận công ty. Cùng với đó, lương tối thiểu vùng cũng tăng bình quân 12,4% từ năm sau, khiến sức ép chi phí cho lao động của DN tăng đáng kể. Ông Dương lo ngại những chi phí tăng thêm kể trên sẽ đẩy DN tới khó khăn, muốn tồn tại thì phải tính bài “trốn” chi phí đóng góp.
Dự kiến, từ năm 2016 người lao động sẽ phải đóng BHXH với số tiền gấp đôi hiện nay. |
“Các khoản thưởng, tiền ăn ca… chưa bị tính để thu bảo hiểm, nên không loại trừ DN sẽ tăng những khoản tiền này lên và giảm những khoản trợ cấp được tính để nộp BHXH”, ông Dương nói.
Theo ông, với DN đã trả lương cho người lao động cao, mức tăng lương mới chỉ tăng thu cho bảo hiểm và phí công đoàn, nhưng giảm thực thu của người lao động. Do DN phải giảm các khoản chi phí cho người lao động để bù vào phần lương và bảo hiểm tăng thêm.
Còn với người lao động, chị Lê Thị Trang (công nhân điện tử tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội) nhẩm tính: Hiện chị đang phải nộp bảo hiểm tính trên lương tối thiểu (3,1 triệu đồng/tháng - PV), mỗi tháng chỉ khoảng 200.000 đồng. Sang năm tính bảo hiểm thay đổi, cộng thêm cả các khoản trợ cấp khác gộp vào lương thì số tiền tôi phải nộp cho bảo hiểm sẽ tăng gấp đôi.
“Dù công ty chưa thông báo những khoản nào phải tính gộp lương để nộp bảo hiểm, nhưng nhẩm sơ sơ cũng thấy toàn bộ phần lương tăng thêm từ năm tới xem như chỉ đủ bù cho bảo hiểm. Còn nói sau này sẽ được hưởng nọ kia, đó là chuyện sau này đâu ai biết trước”, chị Trang nói.
Hiện mức đóng BHXH của người lao động được tính bằng 26% lương hằng tháng (lương không tính các khoản phụ cấp, thưởng). Trong đó, người lao động đóng 8%, chủ sử dụng lao động đóng 18%. Như vậy, với một lao động có trình độ đại học, hưởng hệ số lương 2,34, lương hằng tháng làm cơ sở tính đóng BHXH là 2,691 triệu đồng.
Với cách tính hiện hành, người lao động phải đóng 215.000 đồng/tháng BHXH, người sử dụng lao động phải đóng 430.000 đồng/tháng theo cách tính BHXH từ năm 2016, lương người lao động thực nhận khoảng 5 triệu đồng (tính cả tiền trợ cấp, phụ cấp ghi trong hợp đồng như xăng xe, điện thoại…), người đó sẽ phải đóng BHXH số tiền gấp đôi hiện nay.
Thông tư hướng dẫn cách tính lương làm cơ sở đóng BHXH từ năm 2016 vẫn chưa được Bộ LĐ-TB&XH ban hành. Trong ảnh: Người dân đến BHXH TP Hà Nội làm thủ tục đóng BHXH. |
Nhiều DN ngỏ ý băn khoăn về các khoản trả cho người lao động sẽ được tính vào lương để làm cơ sở đóng BHXH. Đại diện Công ty TNHH Quảng Việt (Châu Thành, Tiền Giang) cho biết, với cách tính lương mới thì các khoản trợ cấp cho lao động như: Xăng xe, nhà trọ, phí sinh hoạt, độc hại, thưởng chuyên cần sẽ tính vào lương làm cơ sở đóng BHXH.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo công ty này, các khoản thưởng chuyên cần, sản xuất, công việc, thưởng xếp bậc… tới cuối tháng mới xác định được số tiền là bao nhiêu. Do đó, công ty không biết những khoản này có phải đóng BHXH hay không, hợp đồng ghi thế nào cho đúng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Xuân Hoàng, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, hiện công ty đóng BHXH cho người lao động trên lương ghi trong hợp đồng lao động. Ngoài mức lương cố định đó, người lao động còn được công ty trả các khoản lương mềm theo năng suất (như doanh số, sản xuất, hoàn thành kế hoạch…).
“Khoản lương mềm năng suất này không ghi trong hợp đồng lao động, biến động hằng tháng theo kết quả công việc của người lao động. Những khoản này không biết có phải tính vào mức lương làm căn cứ đóng BHXH không?”, ông Hoàng thắc mắc.
Chiều 11/12, trao đổi với PVTiền Phong, ông Đỗ Văn Sinh, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết, cách tính các khoản để thu BHXH ra sao, số tiền thu được thế nào phải đợi thông tư hướng dẫn của Bộ LĐ-TB&XH mới biết được. “BHXH Việt Nam chỉ là cơ quan thực hiện, nên giờ vẫn phải chờ thông tư của bộ”, ông Sinh nói. Chưa tới 20 ngày nữa sẽ hết năm 2015, nguy cơ thông tư hướng dẫn sẽ không kịp ban hành để thực hiện.
Theo báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội tháng 10 vừa qua, lũy kế tới cuối năm 2015, quỹ BHXH còn dư 460,8 nghìn tỷ đồng, toàn bộ số tiền tạm thời nhàn rỗi được sử dụng đầu tư. Số dư đầu tư quỹ đến cuối năm 2015 ước khoảng 446,5 nghìn tỷ đồng, sinh lời giai đoạn 2012-2015 khoảng 100.000 tỷ đồng. Ngoài ra, còn hơn 22.000 tỷ đồng ngân sách nhà nước phải chuyển vào Quỹ BHXH chi trả lương cho những người công tác trong khu vực nhà nước trước năm 1995.
Theo giải trình của Bộ LĐ-TB&XH trước Quốc hội về thay đổi cách tính BHXH, quy định này nhằm tạo ra sân chơi bình đẳng giữa những người tham gia BHXH (khu vực nhà nước và tư nhân). Đồng thời, đảm bảo nguyên tắc đóng - hưởng và góp phần cân đối Quỹ BHXH.
Vụ trưởng BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) - bà Trần Thị Thúy Nga cho biết, thông tư hướng dẫn chi tiết về các khoản sẽ tính vào lương thu BHXH đang được Bộ lấy ý kiến tới ngày 15/12. Dự kiến, sớm nhất trong tháng này sẽ ban hành.
“Thông tư hướng dẫn ban hành kịp hay không vẫn phải theo quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật”, bà Nga nói. Về các khoản sẽ tính làm căn cứ đóng BHXH, theo bà Nga, sẽ tính lương và phụ cấp ghi trên hợp đồng theo quy định của Luật Lao động. “Những khoản nào ghi trong hợp đồng lao động sẽ được tính để đóng BHXH, tất nhiên sẽ có những khoản biến động”, bà Nga nói.
Theo Zing