Foodpanda.vn đóng cửa: Ảo ảnh trên thị trường trực tuyến

Thứ sáu, 11/12/2015, 11:19
Foodpanda.vn vừa tuyên bố đóng cửa, dù thị trường ẩm thực Việt Nam được đánh giá là rất tiềm năng và dù trước khi đóng cửa, Foodpanda.vn đã được Rocket Internet rót 310 triệu USD.

Lượng đặt hàng không đủ trả lương nhân viên

Thành lập năm 2012, Foodpanda.vn từng có thời hoàng kim khi giành được thị phần của các đối thủ cạnh tranh chính ở Ấn Độ, Mexico, Nga, Brazil, Đông Âu và Đông Nam Á.

Trước khi đóng cửa, Foodpanda.vn đã được Rocket Internet rót 310 triệu USD. Lần gọi vốn gần đây nhất của doanh nghiệp này là hồi tháng 5/2015 với 100 triệu USD.

Foodpanda.vn đóng cử trong bối cảnh thị trường ẩm thực Việt Nam đang nhận được sự quan tâm các nhà đầu tư nước ngoài

Việc đóng cửa Foodpanda.vn diễn ra trong bối cảnh thị trường ẩm thực ở Việt Nam đang nhận được sự quan tâm các nhà đầu tư nước ngoài. Như mới đây, Lozi.vn, ứng dụng cung cấp giải pháp tìm kiếm địa điểm ăn uống, vừa nhận đầu tư từ Golden Gate Ventures, Quỹ đầu tư mạo hiểm ở Đông Nam Á và DesignOne Japan, công ty truyền thông Internet của Nhật Bản. Trước đó không lâu, Foody.vn, website chuyên về ẩm thực thành lập cùng thời Foodpanda cũng nhận được đầu tư series C từ Tiger Global Management.

Cũng cần nhắc thêm là cả Lozi.vn, Foody.vn đều là các website đi theo mô hình listing, tức chỉ dừng lại ở mức liệt kê, đánh giá và chia sẻ các địa điểm ăn uống.

Theo thông cáo của Foodpanda.vn, Công ty đóng cửa vì khó khăn tài chính từ Rocket Internet. Không chỉ ở Việt Nam, Rocket Internet cũng đóng cửa ở nhiều nơi và chỉ giữ lại ở những quốc gia có lợi nhuận như Ấn Độ, Singapore…

Giám đốc một website cung cấp dịch vụ ăn uống cho rằng, khó khăn bắt nguồn từ tham vọng quá lớn của Rocket Internet về thị trường đặt món ăn trực tuyến khi đảm nhiệm luôn cả khâu giao hàng.

Vị giám đốc này phân tích, việc giữ tính tươi ngon của thực phẩm khi giao là bài toán khó, nhất là các món ăn Việt Nam. Bên cạnh đó, giao nhận thức ăn thường tăng đột biến đơn hàng vào các giờ cố định trong ngày và đòi hỏi khắt khe về thời gian cũng như chất lượng sản phẩm. Giao đồ ăn cũng không thể giao chung với các đồ khác như quần áo, phụ kiện điện tử, giày dép… nên cần một đội ngũ riêng.

Trong khi giá giao hàng không thể tăng cao, lại phân tán nguồn lực, nên nhiều doanh nghiệp giao nhận trong thương mại điện tử không mấy mặn mà với việc này.

Chính vì thế, đa phần các doanh nghiệp phải tự xây một đội ngũ riêng như KFC, Lotteria, Piza Hut... để phục vụ cho việc giao hàng. Vì là nhà sản xuất nên họ có đủ chi phí để trang trải cho việc này. Còn đối với các doanh nghiệp làm website ẩm thực, đa phần là dịch vụ nên chi phí sẽ không đủ nếu đảm nhận luôn khâu giao nhận.

Trên thực tế, hiện Foody.vn có dịch vụ giao hàng, nhưng đại diện Công ty cho biết, chỉ mới thử nghiệm với quy mô nhỏ, đơn hàng vừa phải, vì mô hình này cần có thời gian để phát triển. Khi đơn hàng lớn, Công ty sẽ hợp tác với một đối tác thứ ba chuyên về giao nhận.

Theo đại diện truyền thông của Foodpanda.vn, đội ngũ giao nhận là do Công ty tự phát triển. Trước khi đóng cửa doanh nghiệp này, có khoảng 200 nhân viên ở Hà Nội và TP.HCM, trong đó, số lượng nhân viên giao nhận chiếm một nửa.

Cũng theo vị này, doanh thu chính của Foodpanda.vn đến từ các đơn đặt hàng thành công, theo đó mỗi đơn hàng, Foodpanda sẽ thu phí từ 10% đến đến tối đa 30%. Vị đại diện này cũng cho biết, giá trị trung bình mỗi đơn hàng của foodpanda.vn dao động từ 100.000 đến 150.000 đồng, với hơn 200 đơn đặt hàng qua Foodpanda.vn mỗi ngày.

Theo giám đốc một công ty giao nhận, với mức lương trung bình một nhân viên hiện nay là 4 triệu đồng/tháng, chỉ tính riêng khâu giao nhận đã ngốn của Foodpanda ít nhất là 400 triệu đồng/tháng. Doanh nghiệp này phải đạt gấp đôi lượng đơn hàng hiện nay mới đủ hòa vốn.

Theo một nguồn tin của PV, Foodpanda.vn không đạt được mục tiêu tạo ra lợi nhuận sau 3 năm hoạt động ở thị trường Việt Nam của Rocket Internet, mỗi tháng doanh nghiệp này lỗ hơn 2 tỷ đồng, bởi vậy, đóng cửa là việc tất yếu.

Thấy gì từ việc Vietnammm.com mua lại Foodpanda.vn?

Gần một tuần sau khi tuyên bố đóng cửa, Vietnammm.com, website có mô hình hoạt động tương tự Foodpanda.vn, tuyên bố mua lại website này.

Theo đó, tất cả đối tác của Foodpanda.vn ở Việt Nam, ước tính có hơn 1.000 nhà hàng, sẽ được Vietnammm.com tiếp quản. Tương tự, khách hàng đặt hàng qua Foodpanda.vn cũng sẽ được chuyển về cho doanh nghiệp này xử lý.

Vietnammm.com được thành lập từ năm 2011, là một phần của tập đoàn Takeaway.com châu Á, hoạt động chủ yếu ở Hà Lan, Bỉ, Đức, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Anh, Luxemburg, Ba Lan và Việt Nam.

Trước câu hỏi vì sao, Vietnammm.com mua lại một doanh nghiệp đang trên đà thua lỗ, bà Angie Diep, Giám đốc truyền thông Vietnammm.com không cho biết cụ thể, mà chỉ nói chung chung là “sẽ sớm có câu trả lời thích đáng”.

Còn theo một nguồn tin khác, thực chất Vietnammm.com chỉ mua lại danh sách khách hàng của Foodpanda.vn để tiếp tục khai thác.

Cũng giống như Foodpanda.vn, Vietnammm.com cũng nhận giao hàng trực tuyến, tuy nhiên, phần giao hàng lại chuyển về cho các nhà hàng. Bên cạnh đó, theo nguồn tin này, phần lớn các đơn đặt hàng của Vietnammm.com đến từ người nước ngoài làm việc ở Việt Nam, nên việc giao nhận “dễ thở” hơn nhiều.

Theo Báo ĐầuTư

Các tin cũ hơn