Trong lịch sử, chẳng ngành kinh doanh nào mới ra đời mà không gặp nhiều sóng gió. Mấy ngày này, báo chí bàn tán khá nhiều xoay quanh chuyện đề án của Uber vẫn chưa thuyết phục được Chính phủ. Điều đó dẫn đến những quan ngại nhất định về tương lai của Uber tại Việt Nam (để thuận tiện, chữ Uber trong bài này được hiểu bao gồm Uber, Grab Taxi và các ứng dụng hỗ trợ việc kinh doanh vận tải tương tự).
Dù Chính phủ đã rất mong muốn cho Uber đi vào thực tế, tạo nên sự đổi mới ngành taxi và xa hơn là ngành vận tải trong nước, nhưng trong nửa năm vừa rồi, mọi chuyện dường như vẫn loay hoay tại chỗ: “Tất cả đã xong, chỉ còn thiếu gió đông”.
Nếu tôi có ôtô, cuối tuần ai có nhu cầu, tôi chở chạy lòng vòng quanh TP.HCM tăng thu nhập. Pháp luật không cấm tôi làm việc đó. Vấn đề là: làm sao để những người có nhu cầu biết là tôi đang muốn chở khách, trong khi xe của tôi cũng như bao chiếc xe ôtô khác không hề có bảng hiệu hoặc bất cứ một dấu hiệu nhận dạng nào. Uber đã giải quyết vấn đề này thông qua ứng dụng của họ. Như vậy là, thay vì phải nhìn xe (xem có gắn nhãn taxi) hoặc gọi điện (đến tổng đài của các hãng taxi), bằng công nghệ của mình, Uber đã giúp cho các bên có nhu cầu kết nối được với nhau.
Như vậy, sự khác biệt của việc có hay không có ứng dụng Uber, cũng không làm thay đổi bản chất của mối quan hệ giao dịch trên. Nhưng nếu có Uber, tôi có thể chạy được nhiều cuốc xe hơn so với khi không có ứng dụng này. Như vậy có hai vấn đề cần phải cân nhắc trong quá trình xây dựng khung pháp lý để điều chỉnh đối với hoạt động của Uber là: (1) Sự an toàn của hành khách và bên thứ ba trong quá trình di chuyển bằng Uber, và (2) Hoạt động của Uber là hoạt động phát sinh lợi nhuận. Không có lý do gì để không đánh thuế đối với Uber.
Đối với vấn đề (1): Sự khác biệt căn bản giữa taxi truyền thống và các tài xế Uber là sự khác biệt về quy mô. Khi đã đăng ký kinh doanh ở lĩnh vực taxi, các hãng taxi phải thực hiện các yêu cầu đối với kinh doanh vận tải hành khách như mua bảo hiểm và thực hiện các nghĩa vụ như gắn hộp đen... Chính những điều này làm cho chi phí của các hãng cao. Trong khi đó, xe của các tài xế Uber về bản chất vẫn là xe tư nhân, không phải chịu sự ràng buộc như các yêu cầu của Nhà nước đối với các hãng taxi.
Tuy vậy, công bằng mà nói, chi phí của các hãng taxi cao nào phải chỉ vì bảo hiểm và chi phí đầu tư hộp đen. Bản chất các hãng kinh doanh dưới hình thức là doanh nghiệp, nên các hãng taxi phải tốn chi phí vận hành.
Đồng thời, với việc kinh doanh chủ yếu dựa trên yêu cầu của khách hàng một cách bị động (chờ khách hàng gọi đến tổng đài hoặc tài xế phải tự chạy xe rong ruổi để tìm khách), cũng làm cho chi phí các hãng này tăng lên.
Do đó lập luận các hãng taxi cho rằng họ phải đáp ứng các yêu cầu về điều kiện kinh doanh vận tải nên chi phí đội lên cao hơn so với các tài xế Uber là không thỏa đáng.
Nhìn vào bảng bên, chi phí của các hãng taxi cao là vì bộ máy điều hành và sự lãng phí trong việc các xe rong ruổi trên đường tìm khách hàng.
Để xử lý vấn đề (1), khi xây dựng luật cần quy định nghĩa vụ các tài xế Uber phải có bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Trên thực tế, khi mua xe, nghĩa vụ các chủ xe đều đã phải mua bảo hiểm này rồi. Có thể cân nhắc một loại bảo hiểm với mức cao hơn các loại bảo hiểm thuần túy dành cho xe bình thường. Đồng thời, tài xế Uber phải luôn để chứng nhận bảo hiểm này ở vị trí trên xe mà khách hàng dễ dàng nhìn thấy. Đó cũng là tiêu chí đánh giá tài xế. Nếu tài xế vi phạm nghĩa vụ này, Uber có nghĩa vụ phải yêu cầu tài xế này chấm dứt tư cách tài xế Uber.
Đối với vấn đề (2), việc đánh thuế đối với Uber là một việc bình thường. Đã là một doanh nghiệp, hưởng lợi từ Việt Nam thì phải đóng thuế, bất kể đó là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài. Vấn đề là, với đặc thù về lĩnh vực hoạt động, việc Uber có thành lập pháp nhân tại Việt Nam hay không, về cơ bản không ảnh hưởng nhiều đến việc thu thuế.
Bản chất của việc đánh thuế thu nhập doanh nghiệp là phải xác định được doanh thu và lợi nhuận của hãng. Để đáp ứng yêu cầu thu thuế, cần lưu ý hai khía cạnh sau:
Một là: Uber phải mở một tài khoản tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam. Tất cả các khoản thu, chi, thanh toán của khách hàng Uber đều phải thông qua tài khoản này
Hai là: Uber phải đặt máy chủ tại Việt Nam. Cần lưu ý sự khác biệt của máy chủ (server) và các máy catcher. Máy chủ phải được hiểu là bao gồm phần cứng (tức là bộ máy) và phần mềm điều khiển các hoạt động của ứng dụng. Nếu xét ở khía cạnh đó, có vẻ như các đại gia công nghệ hầu như chỉ đặt ở Việt Nam máy catcher (bản chất chỉ là phần cứng, có nhiệm vụ lưu trữ. Cái này không có ý nghĩa về mặt quản lý vì bất cứ lúc nào cũng đổi được), mà không phải là máy chủ đúng nghĩa.
Trong ngắn hạn, yêu cầu thứ nhất là bắt buộc phải đáp ứng, vì đó là cơ sở khả thi nhất cho việc xác định doanh thu đối với Uber so với các nguồn lực hiện tại mà Việt Nam đang có. Đối với yêu cầu thứ hai, sẽ hơi khó khăn trong việc thực hiện, cần phải làm theo lộ trình và mang tính tùy chọn. Bởi máy chủ là một tài sản có ý nghĩa lớn đối với các hãng công nghệ như Uber. Đây là một khía cạnh cần cân nhắc. Vì nếu các yêu cầu quá khắt khe, Uber sẽ rời Việt Nam. Đây sẽ là một thiệt thòi cho người dùng và cả cho ngân sách nhà nước.
Cũng có thể dung hòa bằng cách hoặc đặt máy chủ hoặc đặt catcher và ký quỹ nhằm bảo đảm quyền lợi cho các bên có liên quan.
Sự phát triển công nghệ luôn kéo theo đó là những xáo trộn về kinh doanh. Tuy vậy, sự xáo trộn này là hoàn toàn cần thiết. Các hãng taxi truyền thống đã tồn tại quá lâu, hầu như có rất ít thay đổi mang tính đột phá để nâng cao chất lượng và hạ giá thành.
Tất nhiên, khi thị phần bị đe dọa, các hãng mà đại diện là Hiệp hội Taxi phải phản ứng là chuyện bình thường. Nhưng phản ứng bằng con đường vận động chính sách để cấm cản đối thủ mới cũng không phải là một lựa chọn tốt. Có lẽ các hãng này cũng biết thế, nên tự họ cũng đang xây dựng các ứng dụng nhằm tối ưu hóa chi phí sản xuất của mình. Chỉ có khi đặt trong môi trường cạnh tranh, quyền lợi của người dùng mới được bảo đảm.
Theo TB KTSG