Dòng vốn ngoại đổ dồn vào ngành dệt may nước ta từ đầu năm 2015 tới nay giúp tăng nhanh quy mô ngành, tăng lượng xuất khẩu, nhưng đứng ở góc độ doanh nghiệp nội, không khỏi ngậm ngùi, chênh vênh trước làn sóng doanh nghiệp FDI gia tăng đầu tư.
Từ năm 2014, đã bắt đầu làn sóng FDI đầu tư vào dệt may để đón đầu các hiệp định thương mại lớn mà Việt Nam tham gia, với 83 dự án FDI, tổng số vốn đăng ký 1,64 tỷ USD. Khi quá trình đàm phán FTA Việt Nam - EU, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc, làn sóng FDI vào dệt may càng mạnh mẽ hơn. 6 tháng đầu năm 2015, ngành dệt may thu hút hơn 50 dự án FDI, với tổng vốn đăng ký 1,12 tỷ USD và dự kiến cả năm 2015 vượt 2 tỷ USD. Đây là khoản vốn đầu tư cao kỷ lục từ trước tới nay.
Chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế, do thủ tục chứng nhận xuất xứ còn khá phức tạp |
Theo Hiệp hội Dệt May Việt Nam (Vitas), vốn FDI đổ vào Việt Nam giai đoạn này có sự khác biệt hẳn so với các năm trước. Số lượng dự án tuy ít, nhưng tổng vốn đầu tư lớn, điển hình có dự án được cấp phép hồi đầu năm 2015 lên tới 660 triệu USD, không ít dự án có vốn đầu tư 300 triệu USD.
Tại Đại hội lần thứ V của Vitas, đánh giá giai đoạn phát triển ngành dệt may giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng giai đoạn 2016 - 2020, Ban chấp hành Vitas đã thẳng thắn thừa nhận, giai đoạn 2016 - 2020, dù một loạt FTA quan trọng được ký kết và có hiệu lực, đều lấy dệt may làm lợi ích cốt lõi, thuế suất tại nhiều thị trường về 0%, thì ngành dệt may nội vẫn phải đối diện với không ít vấn đề, xuất phát từ đặc điểm phát triển chưa hoàn chỉnh của ngành.
“Xuất khẩu dù tăng trưởng nhanh, nhưng công nghiệp phụ trợ chưa phát triển, nguồn vải nhập khẩu hiện chiếm 80%, trong đó nhập từ Trung Quốc là 40%, tiếp tục tạo ra tình trạng “nút thắt cổ chai” tại công đoạn dệt nhuộm, tạo ra sự phát triển thiếu cân đối và khiến doanh nghiệp nội dễ bị tổn thương”, Chủ tịch Vitas, ông Vũ Đức Giang cho biết.
Năm 2014, xuất khẩu dệt may cán ngưỡng 24,5 tỷ USD, nhưng theo thống kê, tới 70% trong tổng doanh thu xuất khẩu bằng phương thức gia công. Xuất khẩu theo phương thức tự lo nguyên phụ liệu, xuất khẩu sản phẩm cho đối tác chiếm 20%, còn lại 10% sản xuất theo phương thức ODM (sản xuất thiết kế gốc).
Trong khi đó, nhìn vào mức ngoại tệ chi để nhập khẩu nguyên phụ liệu phục vụ sản xuất hàng dệt may xuất khẩu mà không khỏi chóng mặt. Để đạt mức xuất khẩu 24,5 tỷ USD, năm 2014, chi nhập khẩu nguyên phụ liệu đã lên tới 15,461 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2013. Trong đó, nhập khẩu vải lớn nhất, xấp xỉ 9,5 tỷ USD, bông cũng lên tới 1,45 tỷ USD, xơ sợi 1,559 tỷ USD, nguyên phụ liệu các loại hơn 3 tỷ USD…
Bà Nguyễn Thị Đoàn, Phó giám đốc Công ty cổ phần May Kinh Bắc cho biết, là doanh nghiệp xuất khẩu, với 90% hàng sản xuất để xuất khẩu sang Hàn Quốc, mặc dù tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế khi doanh nghiệp xuất khẩu hàng sang Hàn Quốc cao hơn những thị trường khác trong TPP và thị trường EU, nhưng Công ty May Kinh Bắc cũng phải cạnh tranh chật vật với các doanh nghiệp FDI của Hàn Quốc tại Việt Nam, do họ có lợi thế về chuỗi sản xuất khép kín. Cũng theo bà Đoàn, hiện cũng chỉ có khoảng 70 doanh nghiệp xuất khẩu dệt may của Việt Nam tận dụng được ưu đãi thuế, do thủ tục chứng nhận xuất xứ còn khá phức tạp.
Mục tiêu xuất khẩu 28 tỷ USD năm 2015 của ngành dệt may đã gần chạm đích. Sau 11 tháng, xuất khẩu hàng dệt may đã mang về 25,58 tỷ USD. Tuy nhiên, vẫn theo Vitas, dự kiến chi nhập khẩu nguyên phụ liệu của ngành cả năm 2015 sẽ lên tới 17,566 tỷ USD.
Theo Báo Đầu Tư