Theo báo cáo về tình hình đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) 11 tháng đầu năm 2015 của Cục đầu tư nước ngoài (FIA), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trong 1.855 dự án cấp mới và tăng thêm với tổng giá trị đạt 20,22 tỷ USD, các nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đứng vị trí thứ 3 với 410 dự án cấp mới và tăng thêm, giá trị đạt 1,72 tỷ USD, đứng sau Hàn Quốc và Malaysia.
Đầu tư của Nhật Bản dù giảm về lượng nhưng được đánh giá là tăng về chất hơn so với trước đây |
Mặc dù số vốn không lớn, nhưng rất nhiều dự án của các nhà đầu tư Nhật Bản được mở rộng tại Việt Nam như chế biến, chế tạo, xây dựng, kinh doanh bất động sản, giao thông, nông nghiệp, công nghiệp khai thác và chế biến thủy sản, xây dựng liên doanh về sản xuất và chế biến nông – lâm hải sản tại Việt Nam, phát triển điện….
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư nhiều nhất với 99 dự án cấp mới và 77 dự án tăng vốn với tổng số vốn đăng ký là 922,9 triệu USD (chiếm 53,5% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 2 là lĩnh vực xây dựng có 8 dự án cấp mới và 1 dự án tăng vốn với tổng số vốn là 355,9 triệu USD (chiếm 20,6% tổng vốn đầu tư). Đứng thứ 3 là lĩnh vực kinh doanh bất động sản với tổng số vốn đầu tư là 146,84 triệu USD (chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư). Còn lại thuộc về các ngành lĩnh vực khác.
Về hình thức đầu tư, các nhà đầu tư Nhật Bản đầu tư đa dạng, 100% vốn nước ngoài với 350 dự án cấp mới, tăng thêm, với số vốn 1,3 tỷ USD. Xây dựng – kinh doanh - chuyển giao (BOT) tổng vốn 343,65 triệu USD, liên doanh 74,84 triệu USD.
Các DN Nhật Bản cũng đầu tư tại 32/63 tỉnh thành phố của cả nước. Hiện Quảng Ninh là địa bàn thu hút nhiều vốn nhất của các DN Nhật Bản (chiếm 20%).
Hiện, tổng vốn đầu tư của Nhật Bản lũy kế đến tháng 11/2015 đạt 39 tỷ USD, đứng thứ 2 chỉ thua Hàn Quốc hơn 2 tỷ USD.
Tại Hội nghị xúc tiến đầu tư Việt Nam - Nhật Bản tổ chức tháng 9/2015 tại Việt nam, ông Hiroyuki Ishige, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) cho biết: hiện có đến 70% doanh nghiệp Nhật mong muốn mở rộng đầu tư, sản xuất tại Việt Nam. Nhiều DN điện tử, chế tạo hàng đầu thế giới như Nikon, Canon, Nike hay Misubisi… đang có ý định mở rộng dây truyền sản xuất sang Việt Nam để đón đầu lợi thế TPP và các hiệp định thương mại tự do của Việt Nam.
Cũng theo đại diện Jetro, đầu tư của các DN Nhật đang mở rộng đa dạng hơn, ngoài lĩnh vực đầu tư truyền thống như xây dựng, giao thông, đầu tư hạ tầng, điện tử, các DN Nhật đang mở rộng đầu tư vào các dự án bất động sản, mua bán và sáp nhập doanh nghiệp… Đặc biệt, ngày càng nhiều DN nông nghiệp của Nhật Bản sang Việt Nam đầu tư nông nghiệp công nghệ cao như xây dựng vườn – trang trại, nhà máy sản xuất rau sạch, đánh bắt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản…
Theo GS Nguyễn Mại, chủ tịch Hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài tại VN, sự chuyển biến đầu tư đa dạng, vốn gia tăng của các nhà đầu tư Nhật có liên quan đến việc Việt Nam gia nhập nhiều hiệp định tự do thương mại song và đa phương, trong đó có TPP, FTA với EU và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)… Đây là cơ hội mà các DN Nhật Bản nhìn thấy tại Việt Nam trong tương lai.
“Việt Nam tham gia mạnh mẽ vào môi trường thương mại tự do hóa cao độ khiến các DN Nhật Bản nhìn thấy được lợi nhuận trong tương lai. Các DN Nhật Bản đã và đang coi Việt Nam là địa điểm để đưa hàng hóa của mình sang thị trường các nước EU, Mỹ hay ASEAN nhờ mức thuế bằng 0% và các chi phí sản xuất rẻ của Việt Nam", G.S Nguyễn Mại cho biết.
Theo Dân Trí