Ông Andreas Polk-chuyên gia về điện cạnh tranh đến từ CHLB Đức cho biết như vậy khi trao đổi với phóng viên Dân Việt bên lề hội thảo kinh nghiệm cải cách thị trường điện cạnh tranh ở CHLB Đức và bài học cho Việt Nam diễn ra hôm nay (8.12).
Cải cách thị trường điện cạnh tranh mang tới cơ hội cho người dùng hưởng giá điện 0 đồng ? |
Ông Andreas Polk cho biết, giá điện ở Đức từ năm 2007 đến 2013 đã liên tục giảm mạnh, tới 40-50%. Đó cũng là thời điểm Đức vận hành thị trường điện cạnh tranh mạnh mẽ, tạo điều kiện cho nhiều doanh nghiệp tham gia thị trường điện và phát triển mạnh điện từ nguồn năng lượng tái tạo.
“Những năm đầu tự do hóa thị trường điện chúng tôi cũng bị giá điện tăng lên vì thị trường đang trong quá trình học hỏi để thiết lập thị trường cạnh tranh. Thị trường điện ở Đức lúc đó cũng nằm chủ yếu ở 4 công ty lớn. Họ đã bị nghi ngờ dùng quyền lực để tăng giá điện lên vì thế cơ quan quản lý cạnh tranh của Đức đã xem xét kỹ vấn đề này và phá bỏ sự tập trung của thị trường nhằm thu hút nhiều công ty mới tham gia vào sản xuất cung ứng điện, phát triển mạnh điện từ năng lượng tái tạo. Kết quả là giá điện của Đức liên tục giảm và điện sản xuất từ nguồn năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) đã chiếm tới 45% công suất lắp đặt và ¼ điện sản xuất được tiêu thụ là sử dụng năng lượng tái tạo.
“Giá điện được bán trên thị trường chứng khoán như bất kỳ hàng hóa nào, quyết định bởi cung cầu của thị trường, có lên có xuống. Giá điện của chúng tôi chỉ phụ thuộc vào hành vi tiêu dùng của chính người dân, mua lúc nào quyết định giá lúc đó. Chính vì cạnh tranh và không còn sự tập trung như vậy nên có thời điểm, giá điện của Đức xuống rất thấp, có lúc giá điện 0 đồng, tức người mua không phải trả tiền điện như thời điểm cuối năm 2014. Giá điện thấp đã gây áp lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp sản xuất điện ở Đức buộc phải giảm chi phí, giá thành, giá bán”- ông Andreas Polk nói.
Ông Andreas Polk cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể xây dựng và phát triển thị trường điện cạnh tranh giống của Đức, tức có thể kéo giá điện xuống rất thấp, thậm chí là giá điện 0 đồng nếu Việt Nam chú trọng phát triển mạnh nguồn điện từ năng lượng tái tạo (nắng, gió) hiện lớn gấp hàng chục lần so với Đức và giảm sự tập trung của thị trường điện ở tay EVN. “Hiện giờ thị trường điện của Việt Nam đang bị tập trung rất mạnh, không tạo ra cơ hội để nhiều doanh nghiệp cùng tham gia nên giá mới cao và thiếu cơ chế chính sách cho phát triển điện tái tạo”- ông Andreas Polk chia sẻ.
Theo số liệu công bố của chuyên gia về điện, ông Cao Đạt Khoa tại hội thảo này, hiện EVN là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, chiếm khoảng 60% công suất lắp đặt toàn hệ thống, giữ vai trò chủ đạo trong mua bán điện đến khách hàng với khoảng 23,5 triệu khách hàng tại Việt Nam.
Theo ông Andreas Polk, giá điện 0 đồng ở Đức lúc đó đã trở thành “sự kiện đặc biệt, không bình thường tí nào” nhưng là “sự thật”. Do nhu cầu điện của người dân thời điểm đó xuống cực thấp, trong khi nguồn cung điện từ năng lượng tái tạo do các doanh nghiệp sản xuất ra quá nhiều, do vậy, thị trường đã tạo ra một lực cầu lớn hơn cung, đẩy giá điện trên thị trường chứng khoán Đức xuống 0 đồng. Dù giá điện 0 đồng của Đức chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng rõ ràng ở đây cho thấy, thị trường đã chi phối mạnh giá điện ở Đức như thế nào, nó cũng giống như cổ phiếu của doanh nghiệp nào đó rớt giá xuống mức âm, dù bản thân các nhà sản xuất điện cũng như các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán đều không mong muốn điều đó. Giá điện 0 đồng lúc đó cũng gây ra áp lực kinh tế với các công ty sản xuất điện của Đức, bởi với giá 0 đồng, họ sẽ rơi vào nguy cơ thua lỗ, nhưng đó là rủi ro của một thị trường điện có sự cạnh tranh thực sự. Và dù sao sự kiện giá điện bị giảm xuống mức 0 đồng cũng buộc các nhà sản xuất điện ở Đức phải tìm mọi cách giảm chi phí sản xuất điện xuống. |
Theo Dân Việt