Chất cấm trong chăn nuôi: đụng đâu sai đó

Thứ tư, 09/12/2015, 09:36
Hơn một phần tư trong số 89 mẫu thức ăn chăn nuôi bị kiểm tra dương tính với chất tạo nạc Salbutamol, và điều đó cho thấy tình hình vi phạm đã trở nên cực kỳ nghiêm trọng cho dù các mức xử phạt đã tăng rất cao so với trước đây, theo báo cáo của ngành nông nghiệp tại một cuộc họp ở Hà Nội ngày 7-12.
Lo ngại chất cấm trong thịt heo gà, người tiêu dùng tìm tới những điểm bán thịt đã qua kiểm dịch, có thương hiệu và  nguồn gốc rõ ràng để an tâm hơn, nhưng các điểm bán này chưa nhiều. Trong ảnh là một quầy bán thịt heo VietGAP của Cty An Hạ tại TP.HCM.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NNPTNT), cho biết thanh tra bộ đã cùng với C49 - Bộ Công an lấy 89 mẫu thức ăn chăn nuôi của các công ty nghi vấn, kết quả cho thấy có 23 mẫu dương tính với Salbutamol, trong đó 16 mẫu vượt ngưỡng cho phép (50ppb).

Thanh tra Bộ đang cùng với C49 tiến hành xử lý, điều tra nơi cung cấp; đồng thời, thanh tra Bộ cũng tiến hành kiểm tra 13 cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Hải Dương, Hưng Yên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, và xác định được hai công ty có sử dụng Salbutamol là Trường Phú và Thịnh Đức. Hai công ty này còn sử dụng chất tạo mầu công nghiệp (Auramine) để sản xuất thức ăn cho gà. Toàn bộ sản phẩm đã được niêm phong và xử lý.

Trao đổi tại buổi họp báo về nhiệm vụ trọng tâm ngành nông nghiệp tháng 12 năm 2015 diễn ra ngày 7-12 tại Hà Nội, ông Phạm Tiến Dũng cho biết trong đợt kiển tra vừa rồi, các cơ quan chức năng phát hiện nhiều doanh nghiệp và hộ nông dân sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Nhiều trường hợp một số cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi đã bán kèm theo các gói bột trắng chứa chất tạo nạc Salbutamol.

“Việc Bộ Nông nghiệp, Bộ Y tế, cùng với Bộ Công An liên tục phát hiện các đơn vị có sai phạm liên quan tới sử dụng Salbutamol cho thấy, tình trạng sử dụng chất cấm vẫn phức tạp,” ông Dũng cho biết thêm.

Theo Bộ NNPTNT, mỗi ngày bộ nhận được khoảng 20 thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm trên cả nước, cung cấp rất nhiều thông tin quan trọng và có giá trị trong đấu tranh, phòng ngừa vi phạm, đặc biệt là trong việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Chẳng hạn ngày 26-11-2015, bộ nhận được thông tin phản ánh từ một số trang trại chăn nuôi tại huyện Hoài Đức, Quốc Oai (Hà Nội) về hiện tượng một công ty thức ăn chăn nuôi bán sản phẩm có kèm theo túi bột mầu trắng. Ngày 2-12-2015, Thanh tra Bộ NNPTNT  đã tiến hành lấy mẫu phân tích tại trang trại của ông Nguyễn Quyền Anh (xóm 12B, xã Dương Liễu, Hoài Đức); kết quả cho thấy, gói bột trắng có chứa Salbutamol với hàm lượng 4.845 ppb, cao gấp gần 100 lần quy định (50 pph).

Ngày 4-12, đoàn thanh tra tiếp tục phối hợp với chủ trang trại và Công an huyện Hoài Đức, Trạm Thú y huyện Hoài Đức mời người đã chuyển gói bột trắng là ông Hoàng Kim Cường (xã Minh Khai, Hoài Đức) lên làm việc. Hiện Công An Huyện Hoài Đức, Cục C49 Bộ Công An, đang tiếp tục điều tra làm rõ nguồn gốc chất cấm.

Cũng trong ngày 4-12-2015, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế đã đình chỉ hoạt động kinh doanh thuốc, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc, dừng xem xét, tiếp nhận hồ sơ đăng ký thuốc, hồ sơ nhập khẩu thuốc của Công ty TNHH hóa dược quốc tế Phương Đông (7 ngõ 39/1 Pháo Đài Láng,  phường Láng Thượng, quận Đống Đa Hà Nội), vì công ty này đã nhập khẩu nguyên liệu Salbutamol vượt quá số lượng cho phép của Bộ Y tế là 200 kg. Công ty này đã bán Salbutamol cho đơn vị, cá nhân không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.

Để giải quyết vấn nạn sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, theo ông Dũng, mức xử phạt hiện nay đã điều chỉnh lên khá cao, từ 30-60 triệu đồng tăng lên 140 – 200 triệu đồng, đồng thời đình chỉ sản xuất 1-3 tháng. Trong thực tế, có cơ sở bị phạt tới 470 triệu đồng, cao nhất từ trước tới nay. Mặc dù mức xử phạt tăng nhưng vẫn chưa đủ sức răn đe.

Thời gian tới, Bộ NNPTNT sẽ tiếp tục tuyên truyền, buộc các cơ sở kinh doanh thức ăn chăn nuôi phải ký cam kết không bán Salbutamol. Các địa phương sẽ thành lập đường dây nóng để người dân phản ánh. Bên cạnh đó, bộ đã thành lập lực lượng chuyên ngành thường trực Thanh tra Bộ, bao gồm cảnh sát môi trường, cục thú y, cục chăn nuôi. C49- Bộ Công an sẽ cử 12 người luân phiên để cùng vào cuộc, trinh sát, nắm thông tin.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích