Vì sao Online Friday Việt Nam gây thất vọng?

Thứ hai, 07/12/2015, 09:39
Trên website Ngày mua sắm trực tuyến, iPhone 6S sau khi giảm giá 52% vẫn còn hơn 16 triệu đồng trong khi cửa hàng bán sản phẩm với giá 15,89 triệu đồng dù mức giảm chỉ 23%.

Dậy sớm để canh mua hàng công nghệ giảm giá ngày Online Friday (4/12), anh Phương Thanh Hùng (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẽ khá bất ngờ khi một số sản phẩm sau khi giảm giá 30-50% nhưng vẫn đắt hơn thông thường.

Đơn cử một chiếc iPhone 6S 16GB bản vàng hồng, giá niêm yết lên tới 33.379.000 đồng, giảm 52% còn 16.099.000 đồng. Đây là mức giá phổ biến trên thị trường hiện nay cho sản phẩm không phải phân phối chính hãng.

Tuy nhiên, khi anh Hùng dò trên website của hãng này, iPhone 6S vàng hồng nguyên bản có giá niêm yết chỉ 20.579.000 đồng. Tại website cũng treo giảm giá 23% còn 15.890.000 đồng.

Anh Hùng tham khảo thêm một số sản phẩm công nghệ laptop, USB 3G, tai nghe... nhưng phần lớn giá sau giảm chỉ ngang bằng, thậm chí cao hơn giá bán trên website các siêu thị điện máy, cửa hàng lớn.

Chiếc Apple Macbook Pro phiên bản 2015 có giá niêm yết 47.756.000 đồng, sau giảm 18% là 39.637.000 đồng nhưng cao hơn mức giá chung bán trên thị trường. Ảnh chụp màn hình.

"Tôi khá thất vọng về Online Friday của Việt Nam. Không phải vì không mua được sản phẩm ưng ý mà các đơn vị kinh doanh đã lừa dối chúng tôi khi đẩy giá niêm yết lên cao một cách quá lộ liễu", anh cho hay.

Sau một lần mua "hớ" chiếc áo hiệu Factor khi một đơn vị đẩy giá gốc lên cao ngày Black Friday phiên bản Việt (27/11), chị Trần Thị Ngân (Đống Đa, Hà Nội) cho biết đã hết hào hứng với các chương trình khuyến mại, giảm giá ở Việt Nam.

Thay vì săn hàng trong nước, chị Ngân thường canh những đợt giảm giá, đặc biệt Black Friday Mỹ, Anh... Bởi theo khách hàng này, giảm giá bên nước ngoài nghiêm túc và chuyên nghiệp hơn. "Các sản phẩm nằm trong chương trình khuyến mại nước ngoài, khi kiểm tra mã code, giá sản phẩm là giảm thực sự, trong khi Việt Nam thường 'khống' giá gốc, để giảm giá ảo", chị Ngân cho hay.

Trong ngày mua sắm trực tuyến Online Friday, trên hệ thống web, không chỉ hàng điện tử mà những mặt hàng thời trang cũng có mức giảm giá rất cao,  dao động 50-87%.  Tuy nhiên, mức giá sau giảm cũng khiến khách hàng không khỏi sốc.

Đơn cử, một đơn vị ở Lê Đại Hành (Hà Nội) rao bán chiếc áo vest trắng thương hiệu Lechateau có giá niêm yết là 5.999.000 đồng, giảm giá 87% còn 800.000 đồng. Tuy nhiên, giá thị trường chỉ 580.000 đồng/chiếc.

Đa số, các mặt hàng của các doanh nghiệp đưa ra đều bị đẩy giá gốc lên, sau đó tung khuyến mại giảm giá 30-80%, nhưng giá sau giảm chỉ ngang bằng, thậm chí cao hơn cả so với giá bán trên thị trường.

Nhiều mặt hàng thời trang giảm giá cực sốc 74-87% nhưng giá niêm yết (sau khi so sánh với giá treo trên website hãng) bị đẩy lên rất nhiều. Ảnh chụp màn hình.

Sau khi tham khảo toàn bộ những mặt hàng trên hệ thống, chị Phương Dung (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ không bao giờ mua sắm trực tuyến, bởi giá rất ảo. Thậm chí, một số đơn vị lớn như Lazada, Sendo, HC.com.vn… cũng đẩy giá gốc lên cao khiến chị thất vọng.

Theo chuyên gia e-marketing Nguyễn Phan Anh, Việt Nam du nhập Black Friday của của Mỹ nhưng chưa thực sự hiểu bản chất của nó. Ở Mỹ, vào ngày hội mua sắm, các thương hiệu và nhà bán lẻ bắt tay với nhau để tung ra các chương trình giảm giá sâu nhưng thật. Vì thế, người dân tỏ mong ngóng, hào hứng và sẵn sàng sử dụng hết tiền trong ví vào ngày này.

Việc này không chỉ có lợi cho người tiêu dùng khi được mua đồ tốt với giá rẻ, mà các doanh nghiệp cũng thu về một khoản không hề nhỏ.

"Bản chất của các nhà bán lẻ Mỹ thành công vì họ giảm giá thật sự, nhân cơ hội tạo uy tín với người dùng. Thế nhưng, ở Việt Nam, các doanh nghiệp chỉ nhìn về cái lợi trước mắt khi nhiều đơn vị đẩy giá niêm yết, rồi tung chương trình khuyến mại khủng nhưng thực chất đang “đánh lừa” người dùng. Song, người tiêu dùng Việt mua sắm cũng ngày càng thông minh hơn, nên các kẽ hở trong khuyến mại ảo sẽ sớm bị lột trần", chuyên gia cho hay.

Cũng theo chuyên gia Phan Anh, sự thành công của Ngày hội mua sắm trực tuyến cũng phụ thuộc vào cách tổ chức của Ban tổ chức khi buộc các đơn vị tham gia cam kết chất lượng sả phẩm, giá thành trung thực….

Online Friday - Ngày hội mua sắm trực tuyến của Việt Nam là chương trình được Bộ Công Thương tổ chức thường niên, bắt đầu từ năm 2014. Chương trình kéo dài từ 00h00 đến 24h ngày thứ sáu đầu tiên của tháng 12.

Theo Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (VECITA, Bộ Công Thương), Online Friday 2015 có sự tham gia của khoảng 2.000 doanh nghiệp thương mại điện tử trên toàn quốc, với hơn 63.500 đầu sản phẩm khuyến mãi, dự kiến sẽ mang lại doanh thu 25 triệu USD trong năm nay, gấp 3 lần so với năm 2014.

Theo Zing

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích