Bí mật với người lao động
Theo trình bày của bà T.T.M.S, bà bắt đầu làm việc cho Cty từ 15.3.2012. Ngày 5/12/2014, Cty đã gửi thông báo giảm nhân sự (với lý do tình hình kinh tế của Cty) đến Sở LĐTBXH TP.HCM, nhưng không có ý kiến của BCH CĐCS.
Mãi đến ngày 18/12/2014, Cty mới bắt đầu cho những nhân viên nghỉ việc biết bằng cách họp về chiến lược của công ty trong thời gian tới sẽ không còn bộ phận mua hàng. Điều này cũng được bà Nguyễn Thị Hồng Đào - Giám đốc Nhân sự Cty CP y khoa Hoàn Mỹ, nhìn nhận trong lần làm việc với PV. Lý do mà bà Đào đưa ra là: Không phải thông tin gì cũng phải cho NLĐ biết. Đây chỉ là bước mình làm với lao động (Sở LĐTBXH - PV), còn cái bước mình đưa cho người ta (người lao động - PV) là mình đưa quyết định và do tiền lương của NLĐ là vấn đề bí mật, không thể công khai.
Ngày 3/2, Cty CP y khoa Hoàn Mỹ tiếp tục xây dựng lại phương án lao động (với lý do thay đổi cơ cấu tổ chức) gửi Sở LĐTBXH. Trong phương án này không có phương án đào tạo lại và bố trí việc làm mới cho NLĐ bị mất việc.
Sau quá trình thông tin, trao đổi với nhóm nhân viên phòng mua hàng nói trên, nhưng không đạt được thỏa thuận để chấm dứt HĐLĐ, ngày 6/3, Cty CP y khoa Hoàn Mỹ đơn phương ra quyết định chấm dứt HĐLĐ với 4 NLĐ và chuyển làm công việc khác với 2 NLĐ.
Bà V.L.A, nguyên là Giám đốc mua hàng Cty CP y khoa Hoàn Mỹ, người bị chấm dứt HĐLĐ, bức xúc nói: “Cty không hề nghĩ đến việc đào tạo lại để tôi có việc làm mà chỉ nghĩ đến chấm dứt HĐLĐ với NLĐ”. Minh chứng cho nhận định của mình, bà V.L.A cung cấp vi bằng do Văn phòng Thừa phát lại quận 8, TPHCM lập ngày 13.4, theo đó, Cty CP y khoa Hoàn Mỹ vào thời điểm cho các nhân viên trên nghỉ việc vì lý do tái cơ cấu, thì vẫn đăng thông tin tuyển dụng công khai các vị trí như: “Operations manager” (tạm dịch là trưởng phòng quản trị) và “Supply chain Director” (tạm dịch giám đốc chuỗi cung ứng). Ông Lê Cảnh Phúc, người bảo vệ quyền, lợi ích của bà L.A, phân tích: “Theo quy định tại khoản 1, Điều 44 BLLĐ, thì trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều NLĐ, thì người sử dụng LĐ có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng LĐ theo quy định tại Điều 46 của bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại NLĐ để tiếp tục sử dụng. Việc Cty vẫn đăng thông tin tuyển dụng giám đốc chuỗi cung ứng nhưng lại không đào tạo lại để bà V.L.A, đang là giám đốc mua hàng, có thể tiếp tục làm việc cho Cty là không đúng với tinh thần của điều luật trên”.
Chẻ nhỏ thu nhập để “né” BHXH?
Trong tổng số tiền gần 2,65 tỉ đồng mà 5 NLĐ đòi Cty CP y khoa Hoàn Mỹ bồi thường có khoản về truy đóng BHXH. Chẳng hạn như bà V.L.A, mặc dù lương theo thỏa thuận và thực nhận của bà đến gần 74 triệu đồng/tháng và thời điểm nghỉ việc là hơn 93 triệu đồng/tháng, nhưng nhiều năm liên tục, Cty CP y khoa Hoàn Mỹ chỉ đóng BHXH cho bà V.L.A ở mức cao nhất là 7.032.200 đồng, chưa đến 1/10 tiền lương thực nhận. Vì vậy, bà V.L.A yêu cầu Cty phải truy đóng bổ sung gần 87 triệu đồng tiền BHXH, trong thời gian 5 năm bà làm việc cho Cty CP y khoa Hoàn Mỹ. Trường hợp khác là bà N.H.T.T, lương lúc cao nhất thực nhận là 20 triệu đồng, nhưng Cty chỉ đóng BHXH cho bà dựa trên tiền lương ở mức cao nhất là 4 triệu đồng, bằng 1/5 tiền lương thực tế. Theo ông Phúc, bản chất ở đây là Cty CP y khoa Hoàn Mỹ đã “chẻ nhỏ” thu nhập thực tế của NLĐ ra làm những khoản khác nhau để né tránh nghĩa vụ phải đóng BHXH cho NLĐ. Điều này khiến cho NLĐ sẽ phải chịu thiệt thòi về lâu dài khi nghỉ hưu.
Theo Lao Động