Mới đây, Uber Việt Nam trình Bộ Giao thông Vận tải đề án thí điểm dịch vụ gọi xe theo hợp đồng điện tử. Tuy nhiên, vì chưa thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam nên Bộ Giao thông Vận tải đã trả lại đề án cho đơn vị này.
CEO Uber tại Việt Nam ông Đặng Việt Dũng trả lời rằng Uber không cảm thấy thất vọng khi bị Bộ Giao thông Vận tải trả lại đề án.
“Thực tế kỳ vọng cao thì sẽ thất vọng nhưng Uber không cảm thấy thất vọng vì hiểu rằng hoạt động của Uber chưa nằm trong khung mà Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Quan trọng hơn là hai bên cùng chia sẻ để có hướng giải quyết trong thời gian tới”,CEO Đặng Việt Dũng khẳng định.
Và với mong muốn Chính phủ Việt Nam quản lý, hiện tại, Uber đang chỉnh sửa lại để nộp trong vài tuần tới.
Theo ông Đặng Việt Dũng, hiện tại, công ty mẹ Uber nằm ở Hà Lan và quản lý ở 63 nước khác trên thế giới. Nếu thành lập ở Việt Nam Uber phải theo luật và đóng thuế Việt Nam với một kiểu đóng thuế khác với các công ty còn lại. Điều này không hoàn toàn bất lợi cho Uber mà bản chất chỉ làm phức tạp hoạt động của Uber trên toàn cầu. Đây cũng chính là lý do vì sao mà Google hay Facebook không thành lập công ty ở Việt Nam.
“Tuy nhiên, phức tạp cũng có thể tốt hơn nếu hình thành công ty ở thị trường Việt Nam mà ổn, hoạt động tốt”, ông Dũng khẳng định.
CEO Uber Việt Nam Đặng Việt Dũng cho rằng thành lập công ty tại Việt Nam sẽ làm phức tạp hoạt động Uber trên toàn cầu
Trả lời cụ thể về các vấn đề mà Uber chưa đáp ứng được khi trình đề án, CEO Đặng Việt Dũng cho hay, có hai vấn đề chính:
Thứ nhất là liên quan đến thẩm quyền của Bộ Giao thông Vận tải. Theo đề án thí điểm thì Uber sẽ làm dịch vụ kết nối vận tải thông qua ứng dụng công nghệ nhưng hiện tại ở Việt Nam chưa có khung pháp lý cho loại hình này.
Thứ hai, Uber bản chất là dịch vụ công nghệ để kết nối người đi xe và chủ xe, không phải là dịch vụ vận tải, cũng không phải là dịch vụ hỗ trợ vận tải như khung pháp lý đang quy định... Tuy nhiên, để duyệt được đề án thí điểm thì phải có một cơ sở pháp lý rõ ràng. Vì vậy, đơn vị này sẽ quyết định đổi thành dịch vụ “hỗ trợ vận tải”.
“Đó là hai lý do mà Bộ yêu cầu chỉnh sửa. Và Uber thấy hợp lý. Từ trước đến nay Uber tập trung mang lại công nghệ tốt nhất cho khách hàng và tài xế, cái chúng tôi làm không vi phạm pháp luật mà chỉ nằm ngoài luật. Cái gì không vi phạm pháp luật thì Bộ kế hoạch đầu tư cho phép làm. Tuy nhiên, Uber có thiện chí với Chính phủ, muốn được quản lý, được hợp tác với Chính phủ để đưa ra khung quản lý phù hợp”,CEO Đặng Việt Dũng nói.
Hiện tại, các đối tác vận tải không ký hợp đồng với Uber Việt Nam mà là công ty mẹ tại Hà Lan. Điều này làm dấy lên lo ngại về thu thuế cũng như trách nhiệm của người chịu trách nhiệm với bên sử dụng dịch vụ (người gọi xe) trong trường hợp có sự cố.
Liên quan đến việc sau khi thành lập công ty ở Việt Nam thì cước vận tải sẽ tiếp tục được chuyển về công ty mẹ Hà Lan hay ở Việt Nam? Ông Đặng Việt Dũng cho hay, dù có công ty ở Việt Nam nhưng bản chất Uber Việt Nam mới thực hiện các công việc nghiên cứu thị trường, tư vấn cho công ty mẹ ở Hà Lan chứ chưa làm các chức năng khác. Dựa trên khung pháp lý tại Việt Nam, điều kiện kinh doanh thì chắc chắn sẽ chuyển cước tại Việt Nam nhưng bao nhiêu phần trăm Uber sẽ làm việc với các cơ quan liên quan để đưa ra mức cụ thể.
“Khi xong khung pháp lý xong sẽ tạo điều kiện Uber kinh doanh rõ ràng, không mập mờ với các thành phần tham gia. Uber sẽ không bị hiểu là cạnh tranh không lành mạnh và đứng ngoài vòng pháp luật như trước nữa”, CEO Đặng Việt Dũng bày tỏ.
Tuy nhiên, thời gian để thành lập công ty ở Việt Nam, Uber chưa cho biết cụ thể là khi nào và Bộ Giao thông Vận tải cũng chưa đưa ra "tối hậu thư" cho đơn vị này.
Trong khi đó, cũng giống với Uber, Grabtaxi trình đề án thí điểm triển khai ứng dụng công nghệ để quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng lên Bộ Giao thông vận tải. Và GrabTaxi đã được phép triển khai thí điểm trong 2 năm.
Theo Tri Thức Trẻ