FTA Việt Nam - EU: Xúc tác cho cải cách thể chế

Thứ năm, 03/12/2015, 10:11
Trao đổi với Zing.vn ngay sau khi EVFTA được ký, Viện phó Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ Võ Trí Thành nói: giống TPP, đây là xúc tác cho đầu tư, đặc biệt là cải cách thể chế.

- Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) vừa được ký kết tại Bỉ vào tối muộn 2/12 giờ Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về những cơ hội, thách thức từ FTA này?

- EVFTA này hay TPP là những hiệp định có mức độ hội nhập sâu, và tác động mạnh mẽ hơn. Cơ hội hay thách thức của EVFTA được đánh giá khá nhiều rồi. Ở đây tôi chỉ lưu ý 3 điểm.

Thứ nhất, cũng như TPP, EVFTA là chất xúc tác, nếu Việt Nam tận dụng tốt thì đây sẽ là cách thức thúc đẩy thương mại, đặc biệt là xuất khẩu. Ngoài ra, cũng giống TPP, đây cũng là xúc tác cho đầu tư, đặc biệt là cải cách thể chế của Việt Nam.

Tại sao lần này tôi lại nhấn mạnh đến cải cách thể chế trong nước? Đơn giản vì đặc điểm của hiệp định này cũng như TPP đòi hỏi không chỉ là hàng rào sâu, quy chuẩn cao hơn, mà còn rất nhiều cải cách, điều kiện, chính sách sau đường biên giới ví dụ như mua sắm chính phủ, sở hữu trí tuệ... Đó là cơ hội của chúng ta.

Một đánh giá gần đây cho biết tác động của các FTA, trong đó có EVFTA đến xuất khẩu, tăng trưởng của Việt Nam là rất tốt. Mức độ tác động đến GDP, xuất khẩu từ EVFTA cỡ bằng một nửa so với TPP. Tất nhiên, đây chỉ là đánh giá tương đối để mình có sự hình dung về tác động của FTA với EU.

Thứ hai, cũng như bất cứ quá trình hội nhập nào, những ngành Việt Nam không có lợi thế đều chịu những tác động bất lợi, có thể phải thu hẹp, dịch chuyển. Thậm chí, chuyện doanh nghiệp phá sản là chuyện bình thường.

Về tổng thể thì được nhưng không có nghĩa ai ai cũng đều như vậy. Tham gia FTA, chúng ta có 2 phí tổn. Đầu tiên là phải chuyển đổi, dịch chuyển, nâng cấp, cạnh tranh ở phân khúc nào đó, khôn khéo hơn trong những ngành chịu tác động tiêu cực.

Một phí tổn nữa là phí tổn tuân thủ, tức là doanh nghiệp, Nhà nước phải đi theo những cam kết mới. Nhưng như tổng thể đánh giá ban đầu, cái được trừ đi cái không được thì rõ ràng cái lợi lớn hơn rất nhiều nếu chúng ta tận dụng tốt.

Ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM): "Nếu không tự tin khi hội nhập, chúng ta sẽ không làm được gì". Ảnh:Lê Hiếu.

Vấn đề thứ ba ít người nói, tham gia EVFTA thuộc chiến lược lựa chọn đối tác và thị trường. Việt Nam đang có lợi thế so với các quốc gia ASEAN khác là đi trước một bước, chơi với Mỹ, EU – hai trong số những thị trường, đối tác lớn nhất thế giới. Đây rõ ràng là cơ hội mà Việt Nam có lợi thế, chúng ta cần tận dụng tốt.

Nếu không, có thể 5-7 năm nữa, lợi thế đấy sẽ giảm hoặc không còn. Ví dụ thấy rõ là trước đây, trong khối ASEAN chỉ có Singapore có FTA với EU, bây giờ đến Việt Nam. Mức độ, cách chơi của Việt Nam với EU tự do hơn nhiều so với các nước khác.

Cũng như vậy, không phải nước nào cũng là thành viên TPP. Hiện tại, TPP có Việt Nam và Malaysia nhưng một số nước như Thái Lan, Indonesia cũng đang muốn tham gia, khi đó thì lợi thế của chúng ta không còn được như giờ. Tôi nhấn mạnh là ưu thế này của chúng ta trong FTA không kéo dài, nên tận dụng phải gắn với cải cách.

- Ngoài lợi ích về kinh tế thì FTA với EU sẽ đem về những gì cho Việt Nam?

- Như tôi đã nêu, hiệp định này là một bước quan trọng trong lựa chọn chơi với các đối tác lớn mà gắn với đó là thị trường, đầu tư, kỹ năng, công nghệ. Khi nói đến đối tác lớn, chúng ta sẽ nói đến vấn đề hợp tác. Với hội nhập của Việt Nam hiện nay, hợp tác đó không chỉ về kinh tế mà rất toàn diện, gồm cả văn hóa, ngoại giao, chính trị, an ninh quốc phòng.

Trong EU, nhiều nước là đối tác chiến lược của Việt Nam. Chỉ riêng về mặt kinh tế, EVFTA không chỉ là thuận lợi của hiệp định tự do đòi hỏi cao, mang tính thị trường, minh bạch, cạnh tranh mà còn là vấn đề hợp tác trên nhiều lĩnh vực.

EU là đối tác lớn và chúng ta cần lưu ý rằng tất cả G7 đều là đối tác trong các FTA với Việt Nam. Trò chơi đó là trò chơi thị trường có luật thị trường. Bên cạnh đó, họ còn là đối tác toàn diện, chiến lược hoặc chiến lược toàn diện với Việt Nam.

- Ông đánh giá như thế nào về những ngành hưởng lợi và không hưởng lợi từ EVFTA?

- Các ngành mà Việt Nam có lợi thế so sánh gồm dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ. Cái lợi càng đặc biệt với những ngành hiện tại có thuế quan cao nhưng sắp tới giảm.  Ví dụ, dệt may vào EU hiện nay chịu thuế quan trung bình 11-12%, khi có hiệp định giảm xuống 0%. Không phải ngẫu nhiên có người nói rằng trước kia một nửa kim ngạch dệt may sang Mỹ thì bây giờ có TPP sẽ tăng với cả EU.

Để đảm bảo điều này thì tất nhiên chúng ta cần đáp ứng các điều kiện như là nguyên tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, phải hiểu biết hơn nhu cầu, kênh phân phối của họ. Ngay dệt may, đòi hỏi nguyên tắc xuất xứ trong FTA EU cũng khác và thấp hơn một chút, là “từ vải trở đi” thay vì “từ sợi trở đi” như TPP. Nguyên tắc xuất xứ có thể gây khó dễ bước đầu nhưng về trung và dài hạn có thể giúp cho Việt Nam tăng năng lực nếu biết cách đầu tư.

Vào EVFTA, một số lĩnh vực trong ngành nông nghiệp như chăn nuôi có thể bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, xét về tổng thể, lĩnh vực nông nghiệp vẫn được lợi.

- Còn về ý kiến cho rằng dường như chúng ta quá lạc quan, hứng khởi với hội nhập mà quên mất cần chuẩn bị để biến tiềm năng thành cơ hội thực sự?

- Đó là cách nói thôi. Lần này, tôi thấy sự hứng khởi không bằng khi chúng ta gia nhập WTO. Điều tôi muốn nhấn mạnh ở đây là chúng ta phải tự tin, đó mới là yếu tố quan trọng. Sẽ không làm được việc gì nếu như không có khát vọng và tự tin. Đừng có sợ hãi và quan trọng là suy nghĩ tích cực, có khát vọng, tự tin để hội nhập, chơi với người khác.

Ví dụ thấy rõ là khi Việt Nam tham gia FTA với Mỹ cách đây hơn 10 năm, nhiều ý kiến lo ngại là chúng ta yếu, chơi thế nào được. Khi đó chuyện làm luật rồi chuyển đổi ngôn ngữ của chúng ta còn chưa sõi. Tham gia hiệp định thương mại với thị trường cao cấp, hiểu biết nhiều, luật pháp chặt chẽ cũng lo lắm. Sau này thì lại càng lo vì hàng loạt vụ kiện cáo, chống bán phá giá nổ ra.

Nhưng giờ nhìn lại, số liệu xuất khẩu sang Mỹ của Việt Nam thật là kỳ diệu. Sau 2 năm, Mỹ thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Chúng ta thặng dư thương mại trên dưới 10 tỷ đôla với thị trường này. Từ 1 tỷ USD năm 2000, đến 2014, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ đạt 30 tỷ USD. Dĩ nhiên cũng có cả doanh nghiệp FDI, có cả sự kết hợp giá trị gia tăng nhưng không thể phủ nhận những gì hội nhập mang lại.

Mình không lạc quan cá trê, phải thấy hết khó khăn, thách thức khi hội nhập nhưng cần có khát vọng, tự tin nếu không sẽ chẳng dám chơi sân chơi nào, chẳng làm được gì cả!

- Xin cảm ơn ông!

Theo Zing

Các tin cũ hơn