Doanh nghiệp thủy sản “méo mặt” vì ghi nhãn bao bì

Thứ năm, 10/12/2015, 15:35
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản đang gặp khó khăn trong thực hiện những quy định về việc ghi nhãn bao bì cũng như công bố hợp chuẩn, hợp quy.
Ảnh minh họa.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP): Thời gian vừa qua, một số doanh nghiệp thủy sản đã bị lập biên bản vi phạm về ghi nhãn bao bì vì không ghi nhãn phụ tiếng Việt.

Nguyên nhân được lực lượng chức năng đưa ra khi lập biên bản doanh nghiệp là bởi doanh nghiệp đã vi phạm quy định nguyên liệu thủy sản nhập khẩu nhập kho phải dán nhãn phụ tiếng Việt.

VASEP cho biết: Theo Điều 10, Nghị định số 89/2006/NĐ-CP, ngày 30-8-2006 của Chính phủ về Nhãn hàng hóa: “Hàng hóa được sản xuất, chế biến tại Việt Nam để xuất khẩu thì tổ chức, cá nhân xuất khẩu hàng hóa phải chịu trách nhiệm về việc ghi nhãn. Trong trường hợp hàng hóa không xuất khẩu được mà đưa trở lại lưu thông trong nước thì tổ chức, cá nhân đưa hàng hóa ra lưu thông phải ghi nhãn theo quy định của Nghị định này”.

VASEP lập luận: Theo quy định tại Nghị định 89, trách nhiệm ghi nhãn phụ là cho việc đưa hàng hóa ra lưu thông ở thị trường trong nước. Hàng hóa dùng để chế biến hàng xuất khẩu, không lưu thông trong nước thì không phải ghi nhãn phụ tiếng Việt.

Trong khi đó, đa số doanh nghiệp thủy sản nhập nguyên liệu thủy sản để sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu (đều không lưu thông hay tiêu thụ trong nước), nên không thể có được nhãn phụ tiếng Việt theo quy định.

VASEP kiến nghị Bộ Y tế chủ trì và chỉ đạo việc có văn bản hướng dẫn cho nguyên liệu, thực phẩm nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu, gia công xuất khẩu và nhập kinh doanh để sản xuất tiếp hàng xuất khẩu (tức đều không tiêu thụ trong nước) không phải thực hiện ghi nhãn phụ.

VASEP thông tin thêm: Liên quan tới việc dán nhãn sản phẩm, tại Khoản 1 Điều 5, Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 27-10-2014 quy định: “Nội dung bắt buộc phải ghi nhãn: tên sản phẩm; thành phần cấu tạo; định lượng sản phẩm; ngày sản xuất; thời hạn sử dụng và hướng dẫn bảo quản; hướng dẫn sử dụng; tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về sản phẩm; xuất xứ; số Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; các khuyến cáo, cảnh báo an toàn thực phẩm”.

Tuy nhiên, theo VASEP quy định có “số Giấy tiếp nhận công bố hợp quy hoặc xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm” này chỉ đúng khi doanh nghiệp nhập khẩu phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm để tiêu thụ trong nước.

Còn việc nhập khẩu những mặt hàng này để chế biến sản phẩm thủy sản xuất khẩu hoặc làm nguyên liệu sản xuất tiếp thì không phù hợp. Bởi hiện nay chủ yếu các doanh nghiệp thủy sản nhập nguyên liệu thô để có đủ nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước.

Do vậy khi nhập khẩu hàng về không có số Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm ghi trên nhãn.

VASEP kiến nghị Bộ Y tế chủ trì việc điều chỉnh hay bổ sung quy định để không bắt buộc hàng nhập khẩu để sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập kinh doanh nhưng làm nguyên liệu sản xuất tiếp phải tuân theo quy định dán nhãn quy định tại Khoản 1 Điều 5 Thông tư liên tịch số 34/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT.

Bên cạnh vấn đề ghi nhãn, theo VASEP, hiện nay các doanh nghiệp thủy sản cũng gặp vướng mắc khi triển khai quy định công bố hợp chuẩn hợp quy. Cụ thể, tại Chương 2, Nghị định số 38/2012/NĐ-CP (NĐ38) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm áp dụng cho cả hàng nhập khẩu để sản xuất, xuất khẩu, không tiêu thụ trong nước vẫn phải công bố hợp chuẩn hợp qui.

VASEP cho rằng, thực tế, để hoàn thành thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, doanh nghiệp phải mất rất nhiều thời gian (thường là khoảng 1 tháng) với nhiều loại giấy tờ kèm theo và phát sinh chi phí lưu kho, lưu bãi, thậm chí có thể làm mất cơ hội kinh doanh doanh nghiệp không nhận hàng kịp nên không giao hàng nhanh theo yêu cầu khách hàng.

Trong khi hàng nhập khẩu này là nguyên liệu sản xuất tiếp và để xuất khẩu chứ không tiêu thụ nội địa. Khi nhập khẩu, doanh nghiệp vẫn tuân thủ đầy đủ các yêu cầu kiểm tra Nhà nước về hồ sơ và kiểm tra chất lượng an toàn thực phẩm.

Xuất phát từ những yếu tố trên, VASEP kiến nghị Bộ Y tế chủ trì và trình Dự thảo sửa đổi, bổ sung NĐ38 để với hàng nhập khẩu nhằm mục đích sản xuất, xuất khẩu hoặc nhập kinh doanh nhưng làm nguyên liệu sản xuất tiếp thì không cần phải thực hiện thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm.

Theo Báo Hải Quan

Các tin cũ hơn