Ảnh: Bloomberg. |
Ông Nguyễn Văn An – Tổng Giám đốc CTCP Tập đoàn Thái Hòa Việt Nam – cho rằng: Dòng cà phê thị hiếu người Việt Nam đang thích - đặc, đắng, chát, sánh và phải uống được nhiều ly trong một ngày – thường được làm từ đậu tương, caramen với một lượng tỷ lệ cà phê nhất định.
“Họ rang đậu tương cháy để lấy độ đậm đắng và vị chát được lấy từ nhân cau để tăng thêm phần phấn khích khi uống cà phê. Điều đó vô hình chung đã hủy hoại cơ thể con người vì chất cháy, tinh dầu cháy sẽ gây ung thư, nhịp tim loạn, giảm trí nhớ”, ông An nói.
“Caramen từ đường cháy, bơ hòa tan ở nhiệt độ cao họ đem dùng để láng phủ lên bề mặt cafe, sau một thời gian ở nhiệt độ bình thường sẽ gây mốc độc tố. Thế giới đang nghiêm cấm dòng cà phê này, nếu phát hiện sẽ cho tiêu hủy sản phẩm”.
* Mọi người đều cho rằng cách làm thương hiệu của cà phê và chè Việt đều rất yếu. Nói đến cà phê Việt, rất nhiều người nước ngoài chỉ biết đến Trung Nguyên…
Ông Nguyễn Văn An: Nói về Trung Nguyên, người chưa hiểu cà phê có thể thấy Trung Nguyên làm thương hiệu tốt, nhưng với những người làm cà phê thì chưa hẳn thấy vậy.
Họ vẫn dùng bí quyết trộn các hóa chất để đưa vào cà phê chứ không phải dùng hương của cà phê. Cà phê ngon phải từ hạt cà phê chứ không chỉ từ bí quyết trộn hương liệu.
Là người trong ngành, ông nhìn nhận thế nào về vụ việc của Trung Nguyên mới đây?
Vụ việc của Trung Nguyên thực ra là một tranh chấp gia đình. Họ đã rạn nứt 5 - 6 năm nay về vấn đề tình cảm gia đình, đến khi bộc lộ người ta mới nghĩ đến chuyện tranh chấp tài sản, khiến hình ảnh Trung Nguyên kém đi.
Ông có nghĩ đây là cơ hội của doanh nghiệp ông khi tiến về thị trường trong nước?
Khi quay trở lại thị trường trong nước, đấy là cơ hội. Thái Hòa đang làm cà phê 3 in 1, nhưng có phần đặc biệt hơn, chứ không theo vết xe đổ người ta đang làm. Tức làm cà phê 3 in 1 là phải làm cà phê hiện đại, dùng công nghệ sấy lạnh, chứ không phải sấy nóng để tạo ra sản phẩm, và không có hương liệu.
Cà phê phải tự nhiên từ cà phê mới tốt.
Tại sao trước Thái Hòa chú trọng xuất khẩu, giờ lại chú trọng vào thị trường trong nước?
Hiện bất cứ quốc gia nào xuất khẩu mặt hàng nào bao giờ cũng khuyến khích tiêu dùng trong nước. Khi dư thừa tiêu dùng trong nước mới tính đến xuất khẩu. Kinh nghiệm của một số quốc gia làm giá cả ổn định như Brazil - một quốc gia không xuất khẩu cafe nhưng tiêu dùng hàng năm tăng trưởng đến 15% - 18%, và ước tính khoảng 10 năm nữa có thể nước này sẽ xuất khẩu cafe. Indonesia cũng là một trường hợp tương tự.
Trong khi đó, Việt Nam là nước xuất khẩu cafe thứ 2 thế giới, nhưng tăng trưởng tiêu dùng cafe của Việt Nam rất thấp. Tôi thấy đó là một nghịch lý khi cafe của Việt Nam sản xuất ra nhưng người tiêu dùng không được thưởng thức cafe tốt. Nhiều cơ sở chế biến nhỏ vì lợi nhuận và vì thiếu hiểu biết trong vấn đề an toàn thực phẩm mà sản xuất ra những sản phẩm không tốt, thậm chí mang tính độc hại.
Chúng tôi mong muốn làm sao thị trường tiêu dùng trong nước có sản phẩm chất lượng tốt hơn, an toàn hơn và làm sao để người dân uống nhiều cafe hơn.
Hiện tỷ trọng tiêu thụ của thị trường trong nước so với thị trường xuất khẩu tại công ty đang ở mức nào?
So sánh thị trường cafe xuất khẩu và tiêu thụ trong nước hơi khó. Đã có những năm chúng tôi đứng Top 5 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê Việt Nam. Và cũng đã có những năm chúng tôi đứng trong Top 2 của doanh nghiệp chế biến cà phê trong nước (chỉ sau nhà máy Vinacafé Biên Hòa).
Sau một thời gian dài tập trung cho thị trường cafe Arabica xuất khẩu, giờ chúng tôi nhận ra rằng phải quay lại thị trường trong nước với việc đưa vào sản phẩm cafe chế biến an toàn. Mặc dù hiện chưa có thứ hạng, tôi cho rằng dần dần chúng tôi sẽ đứng được vào Top 5 hoặc Top 10 trong lĩnh vực chế biến cafe tiêu thụ trong nước.
Tỷ trọng cụ thể thì tôi chưa thể nói được. Hiện chúng tôi mới quay lại thị trường trong nước và đang xây dựng kênh tiêu thụ, đồng thời đưa ra các hướng dẫn trong lĩnh vực cafe an toàn…
Xin cảm ơn ông!
Theo Tri Thức Trẻ