Khát khao làm giàu và kế hoạch nuôi bò Kobe của ông chủ Kềm Nghĩa

Thứ sáu, 11/12/2015, 16:11
Với hơn 50 doanh nhân doanh nghiệp tham quan và giao lưu nhà máy, ông Nguyễn Minh Tuấn đã chia sẻ bài toán cuộc đời làm giàu của mình.
Nhà máy sản xuất của CTCP Kềm Nghĩa (Kềm Nghĩa - Khu Công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi, TP.HCM).

Chiều ngày 10/12, chương trình “Leading Business Tour - Khám phá năng lực các doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam” đã diễn ra tại nhà máy sản xuất của CTCP Kềm Nghĩa (Kềm Nghĩa - Khu Công nghiệp Tây Bắc, Củ Chi, TP.HCM) do BizLIVE, Câu lạc bộ Giám đốc Sales &Marketing Việt Nam và Kênh truyền hình FBNC tổ chức.

Kềm Nghĩa ra đời từ khát khao làm giàu

Để có được “cơ ngơi” như nhà máy Kềm Nghĩa hiện nay, ông chủ Kềm Nghĩa – Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng quản trị của công ty thú nhận chính khát khao làm giàu đã thúc đẩy ông tìm tới con đường kinh doanh và tạo nên một Kềm Nghĩa 3 nhà máy và gần 2.000 công nhân hiện nay.

“14 tuổi tôi đã đi làm thuê, làm công việc của người lớn. Tôi có khát vọng làm giàu từ 2 bàn tay trắng khi nhận thấy cộng đồng người Hoa tại Việt Nam cần cù, luôn muốn tự chủ kinh tế bằng sản xuất kinh doanh”, ông Tuấn chia sẻ.

Hơn 50 doanh nhân đến thăm nhà máy Kềm Nghĩa

Trước khi trở thành một người thợ mài kềm nổi tiếng, ông Tuấn đã kinh doanh giày dép nhưng thất bại. Tìm đến nghề nail (làm móng) cũng không thành công, tuy nhiên thời gian này đã cho ông Tuấn cơ hội biết nghề mài kềm và thấy có những thợ mài kềm giỏi đã trở nên khấm khá.

Con đường trở thành ông chủ sản xuất kềm bắt đầu từ một người thợ mài kềm và học sản xuất kềm. “Những người thợ đã dạy tôi cách sản xuất một cây kềm tốt. Với niềm đam mê và biết người thợ làm nail cần cây kềm tốt như thế nào đã thôi thúc tôi nghiên cứu và sản xuất ra cây kềm tốt nhất trên thị trường”, ông Tuấn cho biết.

Cửa hàng bán kềm đầu tiên ra đời tại 162 Lê Thánh Tôn, quận 1, TP.HCM bắt đầu kinh doanh mặt hàng này và đặt cơ sở sản xuất đầu tiên khi chỉ có 5 nhân sự. Sản phẩm luôn cải tiến, và độ sắc, bền của Kềm Nghĩa đã giúp những người thợ làm nail ngày càng chăm sóc tốt khách hàng đến làm đẹp. Điều này cũng giúp chính Kềm Nghĩa ngày càng lớn mạnh khi công ty từng bước mở rộng sản xuất, nhập khẩu máy móc từ Nhật, Ý và cho ra đời nhiều dòng sản phẩm khác nhau đáp ứng nhu cầu thị trường và các đơn đặt hàng từ nhiều đối tác.

Giới thiệu quy trình sản xuất Kềm Nghĩa

Marketing độc đáo

Con đường ra thế giới của Kềm Nghĩa là do Việt kiều mua xách tay mang ra nước ngoài cung ứng cho các tiệm nail, chiếm 40% sản phẩm xuất khẩu, nhiều nhất ở Mỹ, còn lại 20% xuất khẩu theo hợp đồng, 20% phân phối nội địa.

Những năm 2002 - 2006, Kềm Nghĩa tại Mỹ “hot” đến độ người nào mang được 200 cây Kềm Nghĩa tới Mỹ bán là có thể “kiếm” được vé khứ hồi Việt - Mỹ. Ở trong nước, thương hiệu Kềm Nghĩa có sức thu hút mạnh. Kềm Nghĩa chỉ bỏ ra 2 triệu đồng để làm bảng hiệu tại một cửa hàng bán mỹ phẩm đã tạo lên “cơn sốt” Kềm Nghĩa, ai cũng muốn gắn thương hiệu Kềm Nghĩa để bán chung với mỹ phẩm của mình.

“Một bà má kêu con trai ra tiệm Kềm Nghĩa mua chai dầu gội đầu chứ không chỉ mua kềm. Nhưng tôi lại thấy rất vui vì tạo sức lan tỏa thương hiệu Kềm Nghĩa thông qua các cửa hàng thương mại”, ông Tuấn thổ lộ.

Kềm Trung Quốc đã nhái hàng của Kềm Nghĩa lan tràn tại Việt Nam, hoặc có mặt hàng kềm sản xuất và bán tại Trung Quốc nhưng để “made in Vietnam” vì người dùng chỉ ưa Kềm Nghĩa, dù giá bán kềm của Kềm Nghĩa cao gấp 3 - 4 lần giá kềm Trung Quốc. Kềm Nghĩa đang chuẩn bị mở một chi nhánh phân phối kềm ở Quảng Châu, Trung Quốc.

Máy mài kềm thô
Hiện Kềm Nghĩa đáp ứng yêu cầu khó tính nhất của làm nail. Theo ông Tuấn, tất cả những thương hiệu lớn được tạo nên từ chất lượng sản phẩm. Vì sao tôi chụp lại những tấm hình từ thời sơ khai, để sau này tôi nhận thấy được đã vất vả như thế nào để có được những nhà máy có điều kiện tốt như hiện nay. Nhà máy có sản phẩm tốt, quản trị khoa học đã giúp Kềm Nghĩa có được những khách hàng lớn nước ngoài sau khi tham quan nhà máy.

Với sức lan tỏa này, đến nay Kềm Nghĩa có 150 đại lý chính thức và hơn 1.000 cửa hàng thương mại có bán Kềm Nghĩa. Kế hoạch trong năm 2016, Kềm Nghĩa đẩy mạnh mặt hàng vào các siêu thị Metro, sẽ xây dựng một nhà máy 50ha, trong đó có ngành nghề về bấm móng  và sẽ sản xuất bấm móng dành cho trẻ em. Việc vào siêu thị Mỹ Kềm Nghĩa đã tính đến nhưng sẽ chọn.

Chơi du thuyền và nuôi bò Kobe

Nhà báo Quốc Vĩnh, Phó Chủ tịch Hội đồng biên tập BizLIVE gợi mở những câu hỏi cho ông Nguyễn Minh Tuấn, Chủ tịch Kềm Nghĩa chia sẻ  những thăng trầm với các doanh nhân tham quan nhà máy

Năm 2007, sản phẩm bán ra của Kềm Nghĩa giảm tới 40% do kinh tế Mỹ đi xuống, nhiều tiệm nail ế ẩm. Lúc đó, Kềm Nghĩa phải cho công nhân nghỉ 2 ngày trong 1 tuần, 1 số công nhân đã phải nghỉ việc do công ty không đủ khả năng trả lương và công ty nỗ lực tìm thị trường thay thế như Trung Quốc. Dần dần kinh tế Mỹ hồi phục, sản phẩm bán ra tăng lên, Kềm Nghĩa khởi sắc trở lại ngay trong năm 2008 và tới năm 2010 phát triển mạnh mẽ.

Nguyễn Minh Tuấn cũng nổi tiếng trên thương trường khi trở thành người đầu tiên chơi du thuyền tại Việt Nam và hiện sở hữu 2 du thuyền. Lý giải điều này, ông Tuấn cho biết: “Tôi là người mê sông nước từ bé. Khi đi qua những con sông rộng mênh mông tôi mê lắm. Tôi muốn có một chiếc thuyền tiện nghi để cùng bạn bè du ngoạn, khám phá sông nước nên quyết định mua du thuyền chứ không phải để nổi tiếng".

Rất nhiều câu hỏi được doanh nhân đặt ra với ông chủ Kềm Nghĩa

Trong kinh doanh, ông Tuấn cho rằng, tất cả những doanh nghiệp phải tính đến những rủi ro và cơ hội trong tương lai. Do vậy, Kềm Nghĩa cùng với một doanh nghiệp khác tham tham gia đầu tư một trang trại nuôi bò Kobe tại Lâm Đồng. Đây là cơ sở duy nhất nuôi bò Kobe ở Việt Nam với sự hướng dẫn của chuyên gia Nhật.

Nói về nghề kềm, ông Tuấn chia sẻ: “Nghề nào mà sản phẩm không giấu ai, được để trước mặt thì lại là nghề khó học. Kềm tốt hay không tốt dùng một lần là biết liền. Chủ trương của Kềm Nghĩa là sản xuất ra những cây kềm tốt, xài rồi bỏ, không phải mài đi mài lại rồi xài như thời bao cấp”.

Đại diện Ban tổ chức trao quà tặng lưu niệm cho Chủ tịch Kềm Nghĩa
Theo BizLive

Các tin cũ hơn