Toàn cảnh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - VBF cuối kỳ 2015 |
Nhận xét về chính sách thuế, bà Hương Vũ, đại diện cho Nhóm công tác thuế cho rằng, những năm qua, Chính phủ ban hành nhiều giải về thuế tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp cũng như thúc đẩy hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, việc vận dụng các quy định, chính sách ở cơ quan thuế các cấp vẫn còn tồn tại một số có khăn, bất cập, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bị oan về nghi án chuyển giá?
Một trong những kiến nghị mà Nhóm công tác thuế đưa ra là chi phí liên quan đến hợp đồng dịch vụ ký với công ty mẹ.
Theo Nhóm công tác, hiện nay, trên thị trường Việt Nam, có khá nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đã và đang được cấp phép hoạt động. Các công ty con khi hoạt động tại Việt Nam là một đơn vị độc lập, có mã số thuế và con dấu riêng theo quy định của Pháp Luật tại Việt Nam.
Tuy nhiên, thực tế, những công ty này chỉ là một mắt xích trong chuỗi kinh doanh của các công ty toàn cầu, các tập đoàn đa quốc gia. Để tối đa hóa hiệu quả sản xuất kinh doanh, các tập đoàn đa quốc gia thường thành lập các công ty thành viên để đảm nhiệm một chức năng nhất định trong chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu và nhận dịch vụ từ một trung tâm cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp tại vùng từ công ty mẹ hay trụ sở chính trong khu vực.
Cách làm này mang lại nhiều lợi ích như: đảm bảo tính thống nhất, tạo lợi thế khi đàm phán hợp đồng kinh tế với bên thứ ba, tiết kiệm chi phí, và quan trọng là tăng khả năng cạnh tranh. Việc sử dụng dịch vụ từ Công ty mẹ hoặc trụ sở chính, công ty con tại Việt Nam phải chịu phần chi phí tương ứng với giá trị dịch vụ nhận được, điều này hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bà Hương Vũ cho rằng, hiện nay, cơ quan thuế đang có cách nhìn khá khắt khe đối với các khoản chi phí này, luôn có những nghi ngờ về vấn đề chuyển giá. Một số Cục thuế địa phương chỉ dựa vào cách thức phân bổ phí dịch vụ tại hợp đồng để đưa ra kết luận đây là chi phí quản lý phân bổ cho cơ sở thường trú. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các yêu cầu bất hợp lý về chứng từ, tài liệu đối với chi phí này để không chấp nhận chi phí này là chi phí hợp lý, hợp lệ cho công ty con cho mục đích thuế tại Việt Nam.
Do đó, đại diện Nhóm công tác về thuế đề nghị Chính phủ, Bộ Tài chính đưa ra những chỉ đạo thống nhất cho các cơ quan thuế để có thể xử lý thỏa đáng với các chi phí dịch vụ trả cho công ty mẹ hoặc trả cho tập Đoàn để giúp phản ánh đúng tính chất của các khoản phí này, tạo môi trường kinh doanh phù hợp với thông lệ quốc tế.
Nghi án chuyển giá của khối doanh nghiệp FDI ở nước ta từ lâu, cơ quan thuế cũng đã bóc trần hành vi chuyển giá của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2015, ngành thuế đã kiểm tra và phát hiện 1.600 doanh nghiệp có dấu hiệu chuyển giá. Trước đó, kết quả một cuộc khảo sát của VCCI cho thấy, khoảng 20% doanh nghiệp FDI đã thực hiện chuyển giá để giảm thuế.
Chính phủ ưu đãi, địa phương đòi thu?
Một vấn đề nữa được Nhóm công tác thuế kiến nghị liên quan đến bảo hộ đầu tư. Nhóm Công tác thuế cho rằng, doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam được hưởng nhiều ưu đãi của Chính phủ, quy định cụ thể trên Giấy phép đầu tư hoặc Giấy chứng nhận đầu tư của mỗi doanh nghiệp.
Tuy nhiên, một số cơ quan thuế địa phương đã có những ý kiến hoặc những quan điểm khác với các văn bản hướng dẫn hiện hành của Chính Phủ, bác bỏ ưu đãi trên Giấy chứng nhận đầu tư của doanh nghiệp, và yêu cầu doanh nghiệp áp dụng theo quy định của Pháp luật hiện hành, gây khó khăn cho doanh nghiệp khi tiến hành quá trình đầu tư, kinh doanh sản xuất trên thị trường Việt Nam.
“Việc cơ quan thuế yêu cầu áp dụng theo quy định pháp luật hiện hành và bác bỏ những ưu đãi được nêu tại Giấy chứng nhận đầu tư có thể được coi là đi ngược với tinh thần của Chính phủ Việt Nam, không đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư”, đại diện Nhóm công tác thuế bức xúc.
Trước tình trạng này, thay mặt các doanh nghiệp FDI, đại diện Nhóm công tác đề nghị Chính phủ, Bộ Tài Chính đưa ra chỉ đạo, quán triệt đối với cơ quan thuế địa phương việc tôn trọng các ưu đãi đầu tư của doanh nghiệp được ghi rõ và đầy đủ tại Giấy chứng nhận đầu tư, tránh tình trạng xử lý thiếu nhất quán khiến doanh nghiệp nước ngoài cảm thấy bất an và giảm sút lòng tin vào môi trường đầu tư của Chính phủ.
Theo Báo Đầu Tư