Nghi vấn công ty đứng sau Apple Việt Nam lập ra để trốn thuế

Thứ hai, 16/11/2015, 11:40
Chủ sở hữu của Công ty TNHH Apple Việt Nam là Apple Operations International từng dính vào vụ lùm xùm trốn thuế tại Mỹ và Ireland.
Thông tin chủ sở hữu của Apple Việt Nam

Như báo chí đã đưa tin, Apple đã âm thầm thành lập công ty tại Việt Nam với tên gọi Công ty TNHH Apple Việt Nam và được cấp giấy phép từ ngày 28/10/2015. Người đại diện của công ty này là ông Gene Daniel Levoff - một nhân vật rất quan trọng của Apple trong việc mở rộng ở thị trường quốc tế.

Tuy nhiên khi tìm hiểu kỹ thông tin hơn, chúng ta sẽ thấy ông Gene Daniel Levoff là Phó chủ tịch của Apple Operations International, và đây cũng là chủ sở hữu của Công ty TNHH Apple Việt Nam - tên tiếng Anh là Apple Vietnam Limited Liability Company trong giấy phép thành lập công ty.

Apple Operations International (AOI) trước đây có tên là Apple Company với Phó chủ tịch cấp cao kiêm CFO Apple là ông Luca Meastri; ông Gene Daniel Levoff giữ chức vụ Phó chủ tịch phụ trách Pháp chế của Apple. Điều đáng nói là báo chí phương Tây từng cho rằng đây là một "công ty ma" khi giấy phép thành lập từ 06/08/1980 mà tới tận năm 2003 nó cũng không có bất kỳ nhân viên nào, và thậm chí nó cũng không có tới một "văn phòng tử tế".

Quay lại thời điểm năm 2013, AOI là cái tên được nhắc tới nhiều hơn cả công ty mẹ Apple Inc khi bị nghi ngờ rằng nó chỉ là công ty Apple lập ra để trốn thuế. Trích lời tờ Fortune, chúng ta thấy "đây là một công ty cũ đã hoạt động 30 năm mà không có nhân viên hay bất kỳ sự hiện diện vật lý nào, nó cũng không phụ thuộc vào sự quản lý hoạt động của Mỹ.

Mặc dù lợi nhuận của nó vào giai đoạn 2009 -2011 là 30 tỷ USD thu về dưới dạng cổ tức chuyển về từ các chi nhánh nước ngoài của Apple, nắm giữ "chìa khóa" để mở cánh cửa ra quốc tế của công ty mẹ, thế nhưng trong 5 năm qua AOI chưa hề phải đóng bất kỳ một đồng thuế nào cho chính phủ tại các quốc gia nó hoạt động".

Nếu để ý phần đăng ý hoạt động của AOI, chúng ta sẽ thấy sự bất thường khi Apple lại đặt AOI tại Ireland, khiến cho công ty này không chịu sự quản lý thuế của Chính phủ Mỹ do nó không cư trú tại quốc gia này. Mặt khác, AOI đặt tại Ireland nhưng hoạt động của nó lại không thuộc vào đối tượng đánh thuế tại đây do không đáp ứng được yêu cầu cư trú mà Ireland đưa ra.

Chính sự khác biệt về chính sách thuế giữa Mỹ và Ireland đã giúp AOI không phải trả một đồng thuế nào trong khi giai đoạn 2009-2011 lợi nhuận của nó chiếm tới 30% tổng lợi nhuận toàn cầu của Apple.

Không đặt trụ sở tại Mỹ nhưng AOI lại sử dụng toàn bộ tài khoản ngân hàng Mỹ, tài liệu sổ sách đều đặt ở Mỹ,... hay nói cách khác, công ty họ đăng ký ở Ireland chỉ là cái vỏ bên ngoài. Một điểm thú vị nữa được tờ New York Times cho biết, để kích thích đầu tư quốc tế, Chính phủ Ireland cho phép các tập đoàn nước ngoài có thể chuyển tiền qua lại thoải mái mà không lo về luật thuế tại đây.

Trước đây, Chính phủ Ireland thậm chí còn có nhiều chính sách thuế ưu đãi đối với AOI nhằm giải quyết vấn đề việc làm của người dân nước này. Một số khoản lợi nhuận của Apple chỉ phải nộp thuế 12% tại Ireland thay vì 35% tại Mỹ. Một nguồn tin khác từ Wall Street Journal còn cho biết Apple thậm chí đã đàm phán được mức thuế thu nhập không thể tin được là 2% hoặc thậm chí là ít hơn với Ireland.

Trong năm 2011, một công ty con chuyên bán lẻ sản phẩm iPhone, iPad, MacBook cùng nhiều thiết bị khác của Apple là Apple Sales International (ASI) có đăng ký trụ sở tại Ireland thu về 22 tỷ USD lợi nhuận trước thuế. Mặc dù vậy, công ty này cũng chỉ trả 10 triệu USD tiền thuế cho Ireland, tương đương với tỷ lệ khoảng 0,05%.

ASI chính là công ty mua lại thiết bị sau khi lắp ráp tại nhà máy như Foxconn Trung Quốc sau đó bán lại cho các công ty con để phân phối tới thị trường. Nó cũng được coi như "công ty ma" khi không hề có nhân viên, và được thành lập tại Ireland nhưng lượng hàng nhập về quốc gia này rất ít.

Trả lời những cáo buộc của tòa án về việc trốn thuế, CEO Tim Cook vẫn cho rằng "AOI là một phần quan trọng của công ty, nó không chỉ là doanh nghiệp lập ra trên giấy để trốn thuế... Chúng tôi đã trả đủ tiền thuế theo trách nhiệm doanh nghiệp, không sử dụng bất kể mánh khóe gì để trốn thuế".

Theo Tri Thức Trẻ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích