Xóa nợ thuế cho DNNN là bất bình đẳng
Phát biểu trước Quốc hội liên quan tới Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho biết, ông không đồng tình với phương án xóa nợ thuế đối với các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) như trong dự thảo luật đã nêu.
Vị đại biểu này quả quyết: “Tôi không đồng tình việc thiếu nợ là xóa hết, không đồng tình chỉ xóa thuế cho DNNN, vì không công bằng và không bình đẳng với các thành phần kinh tế khác”.
Đại biểu Quốc hội Danh Út (đoàn Kiên Giang) |
Theo đại biểu, nếu làm ăn thua lỗ, thậm chí có tiêu cực mà được xóa nợ là khuyến khích các doanh nghiệp làm ăn không có hiệu quả. Cho rằng, nợ thuế là nội dung mang tính cá biệt, ông Danh Út đề nghị không nên đưa vào luật mà chỉ nên bổ sung vào nghị quyết về dự toán hàng năm.
Đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) cũng bày tỏ không nhất trí xóa khoản nợ thuế thuộc danh sách cổ phần hóa, giao bán sáp nhập như dự thảo luật. Ông Vở cho rằng, vấn đề này cần được xem xét với từng trường hợp cụ thể. Trong trường hợp doanh nghiệp chuyển đổi, cổ phần hóa thì phải kế thừa nhiệm vụ quyền và trách nhiệm, trong đó có trả nợ thuế.
Theo vị đại biểu này, không thể để tình trạng “lời thì hưởng mà lỗ thì Nhà nước gánh chịu”. Trước Hiến pháp, pháp luật, mọi thành phần kinh tế đều bình đẳng về nghĩa vụ nộp thuế. Ông Vở cũng đồng ý với đại biểu Danh Út về việc không thể đưa nội dung này vào luật và Nghị quyết Quốc hội do chỉ là trường hợp cá biệt.
Nội dung này cũng không nhận được sự tán thành từ đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội). Bà Hường đề nghị không nên đưa vào luật để tạo thành chính sách mang tính thường xuyên.
Vị đại biểu là doanh nhân này cho rằng, việc xóa nợ thuế cho các DNNN là tạo ra bất bình đẳng trong cộng đồng doanh nghiệp.
“Cho phép các DNNN được xóa nợ thuế có thể làm quá trình cổ phần hóa thuận lợi đôi chút, nhưng phương án này làm cho giá trị doanh nghiệp không được xác định đúng, gây thiệt hại nhà đầu tư và người tiếp quản tiếp theo”, bà Hường phân tích.
Đồng thời, theo vị đại biểu này, việc xóa nợ thuế cũng sẽ khiến cho các DNNN cố tình trì hoãn cổ phần hóa, tạo ra tâm lý trông chờ được xóa nợ, tiếp tục kéo dài tiến trình.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Nguyệt Hường (đoàn Hà Nội) |
Hơn 250 DNNN nợ trên 1.000 tỷ đồng tiền thuế
Báo cáo của Chính phủ cho biết, việc xóa nợ thuế áp dụng với 3 trường hợp. Nhóm thứ nhất là các DNNN sắp xếp lại hoặc chuyển đổi sở hữu theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nợ thuế được xóa khi doanh nghiệp có số nợ thuế lớn hơn hoặc bằng số lỗ lũy kế của DNNN để giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện sắp xếp lại DNNN tại thời điểm thực hiện chuyển đổi, sắp xếp lại.
Nhóm thứ hai là DNNN đã thực hiện cổ phần hóa hoặc chuyển đổi sở hữu và pháp nhân mới không chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007.
Nhóm thứ ba là các DNNN đã có quyết định giải thể của cơ quan có thẩm quyền trước ngày 31/12/2015 còn nợ tiền thuế, tiền phạt phát sinh từ ngày 1/7/2007.
Báo cáo của Chính phủ cho rằng, quy định xóa các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế như trên sẽ giúp giải quyết dứt điểm các khoản nợ tồn tại cũ. Qua đó sẽ giúp tháo gỡ gánh nặng cho các cá nhân, doanh nghiệp và cơ quan thuế, tiết kiệm chi phí quản lý hành chính thuế, đồng thời góp phần thực hiện thành công chính sách tái cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước.
Theo thống kê sơ bộ, số tiền nợ thuế, tiền phạt chậm nộp của các trường hợp này khoảng 1.082 tỷ đồng trong đó: Số nợ thuế 637 tỷ đồng, tiền phạt chậm nộp 445 tỷ đồng và số doanh nghiệp được xóa nợ khoảng 254 doanh nghiệp.
Theo Dân Trí