Vì sao nhiều thị trường "ngán" gạo Việt Nam?

Thứ sáu, 13/11/2015, 14:51
“Điểm yếu lớn nhất của lúa gạo Việt Nam là mạnh ai nấy sản xuất, thương lái sau đó thu gom lúa, gạo từ nhiều ruộng khác nhau bán lại cho doanh nghiệp (DN). Rồi cả DN khi xuất khẩu gạo cũng không nắm rõ sản phẩm của mình là giống gì, có nguồn gốc từ đâu… Điều này khiến nhiều thị trường “ngán” gạo Việt Nam”. Đó là nhận định của GS-TS Võ Tòng Xuân – Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ.    

Đâu là trăn trở lớn nhất của GS về sản xuất, tiêu thụ lúa gạo ở ĐBSCL nói riêng và Việt Nam nói chung?

- Cho tới nay, khi mà việc hội nhập thế giới đã rất gần thì trong nước, người nông dân Việt Nam vẫn còn loay hoay trước những vấn đề cũ rích như trồng cây gì, nuôi con gì, bán ở đâu… Thời gian gần đây, tại các vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm như ĐBSCL, đồng bằng sông Hồng…, một số chuỗi liên kết bắt đầu hình thành.

Tuy nhiên, các DN trong chuỗi mới chỉ dừng lại ở khâu cung cấp sản phẩm đầu vào như giống, thuốc trừ sâu… cho nông dân mà chưa thực hiện việc đảm bảo đầu ra, những sản phẩm nông nghiệp hoàn chỉnh.

Thương lái thu gom lúa từ nhiều hộ khác nhau ở huyện Châu Thành (Long An), dẫn đến tình trạng gạo chế biến ra lẫn lộn nhiều giống, không thể kiểm soát được.

Một trăn trở lớn khác về lúa gạo ở ĐBSCL là việc sản xuất chạy theo năng suất, đưa ra mục tiêu sản lượng năm sau phải cao hơn năm trước của cơ quan chức năng và cố gắng để đạt có thành tích này.

Có điểm khác biệt lớn nào giữa sản xuất lúa gạo của Việt Nam và các nước trong khu vực, thưa GS?

Các nước trong vùng như Thái Lan, Campuchia, Myanmar đều sản xuất lúa một vụ duy nhất trong năm, trong khi Việt Nam liên tục thâm canh 2-3 vụ. Giống lúa các nước trồng nhiều vẫn là gạo thơm, giống lúa đặc sản, dài ngày, năng suất có thể không cao nhưng chất lượng tốt.

Trong khi đó, tại Việt Nam, để đáp ứng yêu cầu năng suất, sản lượng năm sau cao hơn năm trước của cơ quan chức năng, các giống lúa lại ngắn ngày, năng suất cao nhưng chất lượng không cao lại được ưu tiên.

Ngoài ra, các nước  đều có bộ tiêu chuẩn quốc gia về sản phẩm gạo. Ví dụ như Myanmar, nước này mới đẩy mạnh sản xuất gạo thời gian gần đây nhưng năm 2014 đã xuất khẩu được hơn 100.000 tấn gạo thơm cho EU, dự kiến năm nay sẽ cung ứng 200.000 tấn gạo cho EU. Myanmar đặc biệt chú trọng giống gạo thơm Lone Thwal Hmwe và Paw San, là giống địa phương lâu đời của Myanmar.

Đây là giống lúa dài ngày, khi sản xuất nông dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, canh tác theo hình thức quảng canh nên có độ an toàn cao tương tự như gạo hữu cơ. Chính loại gạo này đã làm nên thương hiệu gạo Myanmar, giá bán sang EU hơn 900 USD/tấn.

Ngược lại, tại Việt Nam, cái vòng luẩn quẩn giữa DN, cơ quan chức năng và nông dân vẫn cứ xoay lòng vòng nhiều năm qua. Trong sản xuất, nông dân họ thấy trồng loại lúa nào có lợi thì họ trồng, trồng lúa thơm vừa khó chăm sóc, năng suất không cao, khi bán thì thương lái, DN cũng chỉ mua nhỉnh hơn tí so với lúa IR50404 thì làm sao họ chấp nhận được! Còn về phần DN, khi gạo sản xuất ra khó bán, chất lượng thấp, giá rẻ… lại đi đổ lỗi là do nông dân trồng lúa thơm ít, nhưng lại không bắt tay hỗ trợ nông dân từ khi gieo sạ, xuống giống, không đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu…

Vậy, theo GS, lúa gạo Việt Nam cần thay đổi gì để phát triển?

- Việt Nam cần xác định một vài giống lúa theo chuẩn quốc gia rồi công bố tiêu chuẩn, từ đó mới tính đến chuyện hướng dẫn nông dân sản xuất theo quy trình kỹ thuật tiến bộ, cho ra những sản phẩm đạt chất lượng cao như VietGAP, GlobalGAP... Ngay tại ĐBSCL hiện có rất nhiều giống lúa tốt, chất lượng cao, kháng bệnh tốt... Vấn đề là phải có chiến lược xây dựng, quảng bá thương hiệu gạo trong nước và thế giới.

Bên cạnh đó, cũng cần xây dựng tiêu chuẩn chất lượng quốc gia đối với mặt hàng gạo, muốn bán ra thị trường trong nước và xuất khẩu phải có chứng nhận kiểm phẩm về chất lượng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật…

Trong sản xuất lúa gạo, cũng như các mặt hàng khác, quan trọng nhất là đưa ra chiến lược kinh doanh đúng đắn. Như ở Campuchia, họ có chiến lược xuất khẩu gạo rất thuyết phục, DN nào muốn xuất khẩu gạo phải đảm bảo các tiêu chuẩn về sản phẩm của quốc gia thì mới được tham gia. Có như vậy, cả sản xuất và tiêu thụ mới bền vững được.

Xin cảm ơn GS!

“Người tiêu dùng trong nước cũng bị lừa”

GS -TS Võ Tòng Xuân cho rằng, do không truy nguyên được nguồn gốc nên ngay cả tại thị trường nội địa, người tiêu dùng cũng dễ dàng bị lừa khi người bán có thể tự ý đặt tên cho sản phẩm gạo. Ví dụ như, đối với giống lúa Nàng thơm Chợ Đào, hiện tại chỉ có khoảng 500ha sản xuất ở vùng Cần Đước, Long An, sản lượng hằng năm khoảng 11.000 – 12.000 tấn gạo nhưng sản phẩm này đang được bán tràn lan trên thị trường với chất lượng “thật giả lẫn lộn”.

Ông Trần Mạnh Báo- Tổng Giám đốc Công ty CP Giống cây trồng Thái Bình: Có giống tốt nhưng thiếu thương hiệu

Trên thực tế, tôi cho rằng, chúng ta đã có giống lúa tốt, nhưng chưa làm được thương hiệu mà thôi. Còn phát triển các giống lúa nào thì cần để thị trường quyết định. Hiện chúng ta có các giống lúa như Hương Nhài  (Long An) hay Tám thơm (Chợ Đào), gạo Tám (Hải Hậu) là những sản phẩm hoàn toàn có thể làm được thương hiệu quốc gia.

Tuy nhiên, muốn xây dựng thương hiệu phải bắt đầu từ doanh nghiệp và chỉ có sản phẩm tốt thì doanh nghiệp mới tồn tại. Muốn có thương hiệu gạo quốc gia thì mỗi doanh nghiệp phải có một thương hiệu rồi mới trở thành thương hiệu quốc gia được.

Về vấn đề sản xuất, theo tôi, chúng ta phải tổ chức lạingành lúa gạo Việt Nam. Bộ NNPTNT đã và đang xây dựng kế hoạch tái cơ cấu ngành lúa gạo và đang chờ phê duyệt. Tiếp đến là phải đầu tư cho phát triển giống, chọn giống tốt có tỷ lệ gạo cao tập trung hỗ trợ cho tác giả giống đó để họ phát triển thành vùng nguyên liệu lớn.

Cùng với đó, phải nghiên cứu bảo quản gạo thật tốt, gạo của Thái Lan để 2 năm không sao nhưng của Việt Nam để 15 ngày đã bị mốc. Do đó, phải tổ chức chế biến sâu các sản phẩm từ gạo, gạo có thể làm sữa, quà tặng, sinh tố… phải tạo ra hàng trăm sản phẩm sau gạo chứ không chỉ  xay xát, đánh bóng là bán ngay.

Ngoài ra, cần triển khai đồng bộ hàng loạt các giải pháp khác đi kèm như, tích tụ ruộng đất, cơ giới hoá, thuỷ lợi hoá, đảm bảo an toàn thực phẩm; đảm bảo môi trường khi sản xuất lúa gạo... Cuối cùng, phải xây dựng cho được thương hiệu gạo quốc gia  và nhà nước phải hỗ trợ đưa thương hiệu này tới các thị trường nước ngoài.

GS Bùi Chí Bửu- nguyên Viện trưởng Viện KHKT Nông nghiệp miền Nam: Nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận

ĐBSCL hiện có một số giống chủ lực như IR 50404, Jasmine 85, OM 4900, OM 6976, OM 2000... và xấp xỉ 100 giống lúa khác, đóng vai trò ổn định đa dạng di truyền, giúp hạn chế tình trạng sâu bệnh, rầy nâu tấn công...

Mỗi giống này có diện tích từ 200.000ha trở lên, số còn lại đóng vai trò ổn định đa dạng di truyền, giúp đồng lúa hạn chế sâu bệnh, đặc biệt là rầy nâu. Một giống lúa nếu được trồng trên diện tích vượt quá 20% sẽ gây ra áp lực rầy nâu, sâu bệnh rất lớn.

Một tồn tại lớn ở ĐBSCL, đó là tình trạng lúa “nhà lầu”, tức ruộng lúa 2, 3 tầng/bông, đây là kết quả của hiện tượng lẫn giống. Giống “nhà lầu” là do nhà sản xuất giống xác nhận không đảm bảo. Hiện nay, ở miền Bắc, có đến 70 – 80% nông dân sử dụng giống xác nhận, trong khi ở miền Nam, con số này chỉ khoảng 30%, có khi ít hơn.

Về phần giống lúa, hiện tại, nhà khoa học chỉ có trách nhiệm làm ra giống siêu nguyên chủng (giống tác giả) và giống nguyên chủng. Tiếp đó, giống xác nhận là do doanh nghiệp sản xuất để cung cấp cho nông dân. Việt Nam đã có nguồn giống lúa rất đa dạng, phong phú rồi, phần còn lại là doanh nghiệp phải làm tốt nhiệm vụ sản xuất giống thương mại, nâng cao tỷ lệ sử dụng giống xác nhận.

Theo Dân Việt

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích