Vì sao nhà sản xuất nội khó chen chân vào chuỗi cung ứng cho doanh nghiệp FDI?

Thứ sáu, 13/11/2015, 15:49
Dù Việt Nam mỗi năm phải nhập hàng chục tỷ USD linh phụ kiện ôtô, điện tử, cơ khí nhưng bản thân doanh nghiệp trong nước rất khó tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp hỗ trợ toàn cầu.
Ngoài nguyên nhân nội tại thiếu sức cạnh tranh, doanh nghiệp nội cũng khó chen chân vào chuỗi cung ứng có sẵn được các doanh nghiệp ngoại "kéo theo" khi đầu tư tại Việt Nam.

Doanh nghiệp FDI đã có sẵn chuỗi tự cung ứng

Ông Nguyễn Chỉ Sáng, Viện trưởng Viện nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) chỉ ra rằng, hầu hết các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đều mang theo chuỗi cung ứng sản xuất vào Việt Nam cũng là nguyên nhân khiến doanh nghiệp trong nước không dễ dàng tham gia cung ứng phụ trợ cho các nhà sản xuất này.

Các doanh nghiệp ngoại còn “ngại” trao cơ hội cho doanh nghiệp trong nước bởi doanh nghiệp Việt Nam khó thể hiện được chất lượng sản phẩm của mình, giá thành cạnh tranh ra sao và cũng chưa được kiểm chứng. Trong khi đó, các sản phẩm do đối tác hiện tại của các nhà sản xuất này đều đã được kiểm chứng về chất lượng và có giá thành hợp lý.

Ông Sáng cũng đề cập tới trường hợp như Samsung tổ chức nhiều hội thảo để tìm kiếm các doanh nghiệp Việt tham gia chuỗi cung ứng nhưng trên thực tế việc cung cấp linh kiện cho Samsung lại rất khó.

"Có thể doanh nghiệp Việt Nam rất tốn thời gian chứng minh cho doanh nghiệp Nhật Bản và họ cũng đến kiểm tra chất lượng sản phẩm nhưng doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Nhật. Còn đối với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Trung Quốc lại rất khó vì thông thường doanh nghiệp đến từ hai quốc gia này thường kéo theo cả hệ thống các doanh nghiệp cung cấp các sản phẩm cho họ", ông Sáng nói.

Tự bản thân doanh nghiệp nội địa còn yếu

Chia sẻ tại một hội thảo về công nghiệp hỗ trợ diễn ra cuối tháng 10, đại diện Ford Việt Nam cho hay, sau 10 năm hợp tác, phía doanh nghiệp Việt Nam chỉ mới tham gia vào chuỗi cung ứng cho Ford với 5 chi tiết đơn giản. Một trong những nguyên nhân khiến doanh nghiệp Việt khó chen chân vào chuỗi cung ứng cho Ford được lý giải là do dung lượng thị trường còn nhỏ, không khuyến khích nhà cung cấp đầu tư dây chuyền sản xuất mới để sản xuất ra một loại phụ tùng linh kiện.

Bên cạnh đó, còn phải kể tới yếu tố chất lượng do các chi tiết ô tô đòi hỏi yêu cầu chất lượng và tính ổn định rất cao. Theo đó, doanh nghiệp lắp ráp đòi hỏi phía cung cấp sản phẩm phụ trợ phải chứng minh được năng lực về thiết bị đồng bộ, hệ thống quản lý chất lượng cũng như nhân lực cao. Ngoài ra, việc đầu tư sản xuất linh kện cũng yêu cầu nguồn vốn lớn trong khi khả năng thu hồi thấp và rủi ro kinh doanh cao.

Về phía doanh nghiệp nội địa, ông Vũ Đình Hồng - Chủ tịch công ty cơ khí Thăng Long cũng thừa nhận: “Một trong những khó khăn hiện nay còn là do vốn ít, việc tiếp cận vốn vay gặp nhiều khó khăn. Chúng tôi mong được Nhà nước quan tâm tới những vấn đề này để thúc đẩy sự phát triển của ngành, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trụ vững trong bối cảnh hội nhập toàn cầu”, ông nói.

Còn theo ông Nguyễn Quốc Hòa - Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp (Ban Kinh tế trung ương), tỷ trọng doanh nghiệp dân doanh và FDI chiếm ngày càng nhiều trong lĩnh vực cơ khí và họ mang nhiều công nghệ vào Việt Nam, nhưng do liên kết kém nên khả năng hấp thụ công nghệ của các doanh nghiệp trong nước yếu.

Về giải pháp, đại diện Viện Nghiên cứu cơ khí cho rằng, bên cạnh hỗ trợ về vốn, tiếp cận đất đai, giảm thuế, vấn đề quan trọng nhất là cần tạo thị trường để ngành cơ khí phát triển. Đồng thời, cần kiên quyết hơn trong việc không cho nhập khẩu những sản phẩm trong nước đã sản xuất được.

“Các sản phẩm trong nước đã sản xuất được và đăng ký với Bộ Công Thương nhưng vẫn nhập khẩu tự do do đó ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của doanh nghiệp nội địa. Như Trung Quốc, những thiết bị cơ khí hiện đại trên thế giới mua về, một số Viện thiết kế tháo tung ra nghiên cứu và sản xuất, không nhập khẩu. Quyết liệt như vậy doanh nghiệp cơ khí mới phát triển được”, ông Sáng nói.

Theo Dân Trí

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích