Ông Tiền nói: “Có hiện tượng cò hải quan. Họ là các công chức hải quan, nói rằng, muốn nhanh, đi gặp ông a, b, c… Tình trạng này bắt đầu từ TP.HCM và đã lan ra phía Bắc”.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn thừa nhận có thực trạng này. Ông cho hay: “Nói thẳng là có dấu hiệu của việc như ông Tiến nói. Có tình trạng doanh nghiệp (DN) lobby (vận động hành lang-PV) để “bẻ luồng” kiểm tra hàng hóa”. Thứ trưởng Tuấn cho biết, mới đây, ngành tài chính đã nhắc nhở 1 chi cục hải quan về việc DN làm thủ tục hàng hóa xuất khẩu, không thông qua đại lý mà có “tình cảm riêng” với cán bộ hải quan, nên không bị kiểm tra hàng hóa.
Sự phục vụ của cán bộ hải quan được chọn làm một tiêu chí để đánh giá mức độ hài lòng của DN. Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng phòng Pháp chế (VCCI) cho biết, phần lớn DN đánh giá mức độ thực hiện kỷ cương của công chức ở ngưỡng “bình thường”.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. |
Vấn đề khác cộng đồng DN “kêu” khá nhiều, đó là thủ tục kiểm tra chuyên ngành quá rắc rối. “Có từ 60 đến 80% đại diện DN nói rằng, thủ tục không đơn giản mà còn phức tạp hơn năm 2014. Cũng ngần ấy DN bảo thủ tục không nhanh hơn, thậm chí còn chậm hơn. Hay như gần 90% DN nói chi phí làm thủ tục cao hơn so với năm trước”, ông Bình cho hay. Vị này cho rằng, với việc chiếm đến 72% thủ tục hành chính (hải quan 28%), nên quản lý chuyên ngành có vai trò rất lớn trong việc cải cách. VCCI cũng chỉ ra, 60% DN nói cơ quan hải quan và các cơ quan khác phối hợp chưa đồng bộ.
“Các bộ, ngành khác đã kiểm soát rồi, sao ngành hải quan lại kiểm soát thêm?”, ông Bình đặt dấu hỏi. Ông đưa ra dẫn chứng lực lượng hải quan “bẻ” hàng hóa sang luồng vàng, luồng đỏ tăng hơn so với năm trước (chiếm 30-35% lượng hàng hóa làm thủ tục xuất nhập khẩu). Chưa hết, ông Bình cho rằng, khi ngành hải quan đã điện tử hóa cao, thì bộ phận giám sát vẫn làm thủ công. “Cơ quan giám sát 100% không quản lý rủi ro. Quản lý bằng mã vạch không giải quyết được vấn đề. Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan nên chỉ đạo ráo riết bộ phận này”, ông Bình đề nghị.