Siêu đại gia công - nông nghiệp Thái Lan
Tập đoàn C.P. (Charoen Pokphand Group) được thành lập năm 1921, lúc đó chỉ là một cửa hàng bán hạt giống. tại Bangkok, Thái Lan. Nay đã phát triển thành tập đoàn sản xuất kinh doanh đa ngành nghề và là một trong những tập đoàn mạnh nhất của Thái Lan trong lĩnh vực công - nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
3 mảng kinh doanh chính của C.P Group là: Thức ăn (Food), Bán lẻ (Retail) và Phân phối (Distribution). Công ty hiện có 200 chi nhánh tại 18 quốc gia khác nhau trên toàn thế giới bao gồm: Thái Lan, Lào, Việt Nam, Ấn Độ, Singapore, Trung Quốc, Nga…Ngoài ra, CP sở hữu tổng cộng 300.000 nhân viên, doanh thu năm 2013 đạt mức 41 tỷ USD.
Riêng tại Thái Lan, C.P Group tham gia trong nhiều lĩnh vực bao gồm cả bán lẻ, thực phẩm, bất động sản... Gần như mỗi người dân Thái Lan đều có thể sử dụng dịch vụ của tập đoàn này. Những chi nhánh chính của tập đoàn gồm có:
C.P Foods: CPF được thành lập vào năm 1978, hoạt động chủ yếu trong các lĩnh vực gồm thức ăn chăn nuôi, nhân giống, sản xuất và buôn bán. Hiện tại, ngoài Thái Lan, CPF có chi nhánh tại 17 quốc gia và xuất khẩu tới 40 đất nước khác nhau.
Hơn nữa, CPF hiện nay là đơn vị dẫn đầu trong ngành thức ăn chăn nuôi và là một trong những nhà sản xuất gia cầm nhất thế giới. Doanh thu năm 2014 của CP Food đạt 427 triệu bath (tương đương khoảng 11,8 triệu USD).
C.P All: Là chi nhánh mũi nhọn của tập đoàn trong lĩnh vực tiếp thị và phân phối. Đơn vị này đã đạt được giấy phép nhượng quyền chuỗi siêu thị mini 7-Eleven tại Thái Lan kể từ năm 1989.
Tính tới cuối năm 2014, C.P All điều hành 8.127 cửa hàng tiện lợi dưới thương hiệu 7-Eleven trên khắp Thái Lan. Tổng có 3.648 cửa hàng tại Bangkok và 4.479 cửa hàng tại các vùng khác. Đây là số lượng cửa hàng lớn thứ 3 chỉ sau Mỹ và Nhật Bản. Tổng doanh thu năm 2014 của C.P All đạt 228,996 triệu bath (tương đương 6,3 triệu USD), tăng 5,3% so với năm 2013.
True Corporation: Đây là mảng kinh doanh trong lĩnh vực viễn thông của CP Group được thành lập vào những năm 1980. True hiện phục vụ hơn 23 triệu thuê bao tại Thái Lan với rất nhiều dịch vụ khác nhau bao gồm: Nhà mạng lớn thứ 3 nước này là True Move, dịch vụ thanh toán tiền điện tử, dữ liệu, bưu điện online, truyền hình cáp (True Visions)… Tổng doanh thu năm 2014 của True Corporation đạt 109,216 triệu bath (tương đương 3,1 triệu USD).
Một số chi nhánh chủ đạo khác của C.P Group bao gồm: Lotus Supercenter (hoạt động trong lĩnh vực bán lẻ tại Trung Quốc); C.P Fresh Mart (chuỗi bán thực phẩm đông lạnh và đã qua chế biến với hơn 700 cửa hàng); C.P Land (Đơn vị quản lý nhiều khu bất động ản lớn nhất Bangkok như C.P Tower 1&2)…
Dù hoạt động rộng khắp và đóng vai trò quan trọng trong nhiều ngành, lĩnh vực tại Thái Lan. Tuy nhiên, gần đây tình hình chính trị bất ổn đã khiến tình hình kinh doanh của C.P Group chịu ảnh hưởng không hề nhỏ.
CP Group đang làm gì ở Việt Nam?
C.P gia nhập thị trường Việt Nam ngay từ khi đất nước bắt đầu mở cửa. Đến năm 1993, công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam được thành lập và xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại tỉnh Đồng Nai.
Năm 2009, Công ty TNHH Chăn Nuôi C.P. Việt Nam hợp nhất với Công ty TNHH Charoen Pokphand Việt Nam trở thành Công ty C.P. Vietnam Livestock Corporation và sau đó vào năm 2011 đổi tên thành C.P. Vietnam Corporation (Công ty Cổ Phần Chăn Nuôi C.P. Việt Nam).
C.P. Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực Nông - Công nghiệp, ngành thực phẩm khép kín: Chăn nuôi, chế biến gia súc, gia cầm và thủy sản. Từ đó cho đến nay, C.P. Việt Nam (CPV) không ngừng mở rộng sản xuất và hoạt động trong 3 lĩnh vực chính:
* Ngành Thức ăn chăn nuôi (Feed): Hệ thống 8 nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gồm thức ăn cho lợn, gia cầm, thủy sản…
* Ngành Trang trại (Farm): Chăn nuôi các loại lợn, gà thịt, gà đẻ, trứng gà, tôm và cá. Tiêu biểu nhất trong số này có thể kể đến trang trại chăn nuôi heo Lộc Phát (Lộc Ninh, Bình Phước) được xây dựng vào năm 2009 trên diện tích 54 ha với quy mô 2.400 con heo nái và 10.000 heo giống hậu bị.
* Ngành Thực phẩm (Food)được chia làm 2 phần chính: Sản xuất tôm và cá xuất khẩu và sản xuất các loại thực phẩm phục vụ người tiêu dùng trong nước. Trong lĩnh vực này, CP Vietnam cũng đứng trong top 10 công ty xuất khẩu thủy sản lớn nhất cả nước.
Ngoài ra, tháng 9 năm nay CPV đã hoàn thiện và mở rộng hệ thống thức ăn nhanh Five Star. Với mô hình xe đẩy và ki-ốt, Five Star đang nhượng quyền thương hiệu cho nhiều hộ kinh doanh nhỏ, vốn ít tại Việt Nam. Chuỗi này tập trung bán gà rán, gà quay tương tự như sản phẩm của Lotteria hay KFC, nhưng với quy mô nhỏ và tiện lợi.
Ngoài mô hình kinh doanh thức ăn nhanh gà rán, gà quay... CPV còn đầu tư cho các hệ thống bán lẻ. “Thực phẩm sạch của CPV hiện được đưa đến người tiêu dùng thông qua các kênh như C.P Shop, Fresh Mart”, ông Sooksunt Jiumjaiswanglerg, Tổng Giám đốc CPV, chia sẻ.
"Ông vua" thức ăn chăn nuôi ở Việt Nam
Có lợi thế từ việc tiên phong gia nhập thị trường, cộng với chu trình sản xuất khép kín và lợi thế từ tập đoàn mẹ, C.P Việt Nam hiện đã trở thành một trong những ông lớn có ảnh hưởng đáng kể đến thị trường thức ăn chăn nuôi cũng như thị trường thịt lợn, thịt gà.
Năm 2014, C.P Vietnam đạt doanh thu 2,07 tỷ USD, trong đó riêng mảng thức ăn chăn nuôi đạt 867 triệu USD. Phần còn lại đến từ chăn nuôi và chế biến thực phẩm với 1,2 tỷ USD. Điều đáng nói là, không nhiều doanh nghiệp FDI tại Việt Nam đạt được con số doanh thu ấn tượng lên tới hơn 2 tỷ USD như CP Vietnam.
Với quy mô khoảng 6 tỷ USD/năm cho thức ăn chăn nuôi và 18 tỷ USD/năm cho các sản phẩm thịt, ngành chăn nuôi Việt Nam là một thị trường cực kỳ hấp dẫn. Sân chơi tiềm năng này lâu nay nằm dưới sự chi phối của các doanh nghiệp FDI, mà tiêu biểu là C.P Group. Tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng đang có những động thái quyết liệt để gia tăng tầm ảnh hưởng của mình.
Rõ ràng các doanh nghiệp trong ngành đều đang gây sức ép lên vị trí số 1 của C.P Vietnam, đặc biệt tại 2 mảng lớn là thức ăn thủy sản và thức ăn nuôi heo. Tuy nhiên, với vị thế lớn trên cả 2 mảng chăn nuôi và thức ăn chăn nuôi, tầm ảnh hưởng của C.P đối với thị trường chăn nuôi Việt Nam nói chung vẫn rất lớn.
Theo Tri Thức Trẻ