Nếu doanh nghiệp Việt Nam không giữ được ưu thế “sân nhà” thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm nguồn tiêu thụ sản phẩm của mình trên chính thị trường nội địa. Trong ảnh: Hàng hóa của Hàn Quốc tại một siêu thị ở TP.HCM. |
Thấy bà chị tôi ríu rít về “sự lợi hại” của TPP, tôi hỏi chị có biết TPP là gì không. Câu trả lời mà tôi nhận được: TPP là một hiệp định về cắt giảm thuế.
Việc TPP đã được 12 quốc gia tuyên bố đàm phán thành công thực sự là một niềm vui. Câu trả lời của chị tôi cũng không sai, TPP đúng là một hiệp định về cắt giảm thuế. Thế nhưng, có bao nhiêu phần trăm dân số biết rằng TPP không phải là hiệp định đầu tiên về cắt giảm thuế mà Việt Nam tham gia.
Trước TPP, tính đến nay, Việt Nam đã tham gia 11 hiệp định về cắt giảm thuế, với tên gọi là hiệp định thương mại tự do hoặc hiệp định đối tác kinh tế. Tất cả các hiệp định đó, kể cả TPP, đều là FTA (Free Trade Agreement).
Giai đoạn đầu tiên, chính thức là năm 2002, Việt Nam tham gia FTA bằng việc phê chuẩn hiệp định Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC). Từ thời điểm đó đến nay, FTA đã mang lại những lợi ích nhất định mà chúng ta không thể chối cãi. Nhờ FTA, hàng Việt Nam đã có thể nhập vào thị trường nước bạn mà không chịu nhiều rào cản thuế quan hay phi thuế quan như trước. Nhờ FTA mà đầu tư nước ngoài đổ tiền thật thóc thật vào Việt Nam, tạo ra hàng triệu việc làm cho người dân.
Tuy nhiên, FTA không phải là cơ chế tự động cấp ưu đãi. Nói cách khác, không phải cứ hễ Chính phủ tham gia FTA là doanh nghiệp Việt Nam sẽ được hưởng ngay các ưu đãi và thuận lợi. FTA nói chung, hay TPP nói riêng, là nơi mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ tham gia cuộc chơi cạnh tranh cùng với các doanh nghiệp nước ngoài. Sân chơi đó công bằng và không hạn chế hay loại trừ sự có mặt của các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn tầm cỡ quốc tế hay toàn cầu.
Ưu thế sân nhà đang lung lay
Điều này cho thấy, nếu doanh nghiệp Việt Nam không giữ được ưu thế “sân nhà” thì sẽ phải đối mặt với nguy cơ giảm nguồn tiêu thụ sản phẩm của mình trên chính thị trường nội địa. Nguy cơ này diễn ra đầu tiên đối với ngành hàng tiêu dùng. Ví dụ đối với đồ nhựa hay đồ thủy tinh, trong khi mức giá như nhau nhưng lại nhỉnh hơn hàng Việt Nam về độ bền, màu sắc, thiết kế…, người tiêu dùng chắc chắn sẽ cân nhắc việc mua sản phẩm Thái Lan hoặc Indonesia.
Dạo quanh một vòng các siêu thị hiện nay, hàng nhựa và hàng thủy tinh của Thái Lan và Indonesia ngày càng nhiều. Vậy thì, về lâu dài, có còn chăng chỗ đứng cho doanh nghiệp sản xuất đồ nhựa và thủy tinh của Việt Nam? Hay các doanh nghiệp này sẽ chỉ thực hiện gia công hàng hóa và xuất khẩu?
Vấn đề tương tự cũng xảy ra đối với mặt hàng nông nghiệp. Thực tế cho thấy người dân Việt Nam từ lâu đã chuộng các loại sữa, thịt, cá, hải sản, trái cây ngoại nhập. Một phần vì chất lượng của các mặt hàng này tốt, phần khác vì niềm tin vào việc sản phẩm ngoại đáp ứng đúng các yêu cầu về hàm lượng thuốc kháng sinh, thuốc tăng trưởng, hoặc thuốc bảo quản. Nguy cơ hàng hóa của Việt Nam chưa đáp ứng được điều kiện về chất lượng để nhập khẩu vào thị trường nước bạn thì đã mất chỗ đứng vốn có của mình trên thị trường nội địa có thể trở thành hiện thực.
Nguy cơ hàng hóa của Việt Nam chưa đáp ứng được điều kiện về chất lượng để nhập khẩu vào thị trường nước bạn thì đã mất chỗ đứng vốn có của mình trên thị trường nội địa có thể trở thành hiện thực. |
Vấn đề doanh nghiệp Việt Nam đứng trước một phen tranh đấu gay go với hàng ngoại nhập trên chính thị trường của mình đã được bàn đến rất nhiều khi Việt Nam gia nhập WTO.
Thế nhưng, sức mạnh của cơn bão hàng ngoại tấn công thị trường nội địa trong thời FTA còn dữ dội hơn nhiều. Đến cuối năm nay, khi AEC được hình thành theo đúng lộ trình mà các quốc gia thành viên đã cam kết, ASEAN trở thành thị trường thống nhất và Việt Nam sẽ tràn ngập đồ “made in ASEAN”. Một AEC làm chúng ta khó với hàng Thái, hàng Indonesia, thì TPP sẽ còn thách thức hơn với hàng Mỹ, hàng Úc, Canada. Bên cạnh đó, thuế quan đối với 4.000 dòng sản phẩm sẽ được gỡ bỏ theo FTA ASEAN - Ấn Độ vào năm 2016 cũng là điều mà doanh nghiệp cần lưu ý.
Người phải chịu nhiều nguy cơ và thử thách chính là nông dân, là các doanh nhân vì tâm huyết và đam mê mà đầu tư khởi nghiệp, đặc biệt là với ngành hàng nông nghiệp. Tôi đã đọc rất nhiều bàn luận về FTA, về TPP, về cả thuận lợi và khó khăn nhưng giải pháp, cách làm và bắt tay vào làm ngay việc gì cụ thể để giúp các doanh nghiệp Việt Nam giữ vững thị trường nội địa, tấn công thị trường nước bạn thì tôi chưa thấy. Doanh nghiệp Việt Nam, chiếm đa số là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thật sự thiếu kiến thức và định hướng hội nhập thời FTA. Và dường như khi bàn về các khó khăn của doanh nghiệp, của thị trường Việt Nam, chúng ta đã bỏ qua một điều cơ bản và nền tảng, đó là nguồn nhân lực, là con người.
Con người là yếu tố quyết định
Thiết nghĩ, hãy bắt đầu từ việc giúp đỡ nhà nông vì nông nghiệp vẫn đang là thế mạnh của Việt Nam. Giúp người nông dân hiểu đâu là quy chuẩn, tiêu chuẩn, là hàm lượng cho phép, là mô hình trang trại tập trung để xuất khẩu. Khi hiểu được các kiến thức cơ bản về giống, thức ăn, thuốc… thì họ mới hiểu được như thế nào là một sản phẩm đạt chất lượng và uy tín để xuất khẩu và không bị mờ mắt với các sản phẩm phục vụ nông nghiệp trôi nổi, không rõ xuất xứ nhưng giá siêu rẻ trên thị trường.
Tôi còn nhớ một bài báo kể về quá trình giúp người nông dân hiểu và thực hiện mô hình trồng rau sạch tập trung, và mong sao Chính phủ có thật nhiều dự án đào tạo thực tế và hỗ trợ nông dân như thế. Tôi cũng mong việc bãi bỏ thật triệt để các loại thuế, phí, lệ phí áp cho sản phẩm nông nghiệp trong nước, như đã làm được trong trường hợp “một con gà cõng 14 loại phí”. Việt Nam được cho là có 10 năm để ngành nông nghiệp chuẩn bị cho hội nhập TPP, và thời gian đó sẽ chẳng có nhiều ý nghĩa nếu con người không được đào tạo để thực hiện cải cách và thay đổi, cho dù chúng ta có máy móc, có công nghệ hiện đại, bắt kịp nước bạn.
Chương trình giáo dục của các trường đại học, trường cao đẳng, nghề cũng nên đưa kiến thức về hội nhập kinh tế vào giảng dạy, đặc biệt là các chuyên ngành quản trị kinh doanh, luật, kế toán, ngoại thương, tài chính và chứng khoán. Các khóa học ngắn hạn cũng cần được mở rộng và đi sâu vào công việc thực tế. Giáo dục thực tiễn là cách tốt nhất để đào tạo ra những người làm việc mà không phải là người nghĩ việc.
Khi chưa thể có ngay một nguồn nhân lực được đào tạo bài bản để cung cấp cho các doanh nghiệp, việc đào tạo cho nhân lực tại chỗ để sử dụng ngay là một giải pháp. Vì vậy, Chính phủ nên phổ biến, tập huấn thường xuyên, rộng rãi và công khai kiến thức về FTA, về hội nhập kinh tế cho các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp chưa thực hiện xuất nhập khẩu hàng hóa. Ngoài ra, để doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí khi tham gia FTA, Chính phủ nên giúp doanh nghiệp xây dựng hệ thống biểu mẫu, hướng dẫn thành lập và vận hành hệ thống quản trị nội bộ cho doanh nghiệp.
Đúng như kết luận của chuyên gia, việc tham gia hàng loạt các FTA sẽ tạo ra một mạng nhện, giúp Việt Nam được “đỡ đần” bởi những sợi tơ nhện cam kết với nhiều quốc gia khác nhau. Thế nhưng, bên cạnh tác dụng đỡ đần, mạng nhện cũng có thể trói buộc bước tiến của doanh nghiệp Việt Nam, khoanh gọn thị trường Việt Nam thành một thị trường tiêu thụ. Thực tế cho thấy cuộc chơi của FTA, của TPP, thật sự không chỉ có thảm cỏ và hoa hồng.
Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam phải tự đánh giá lại tiềm năng và khả năng của mình, để chuẩn bị cho chiến lược kinh doanh và phát triển thời FTA.
Theo TB KTSG