Trong một hội thảo mới đây, có thông tin cho rằng Việt Nam ngày càng tụt hậu so với thế giới.
Năm 1990, khoảng cách về GDP/người của Việt Nam so với thế giới là 4.000 USD, thì năm 2014 khoảng cách này tăng gấp đôi là 8.000 USD.
GDP/người của Việt Nam năm 2014 đạt trên 2.000 USD, song vẫn chỉ tương đương với GDP bình quân của Malaysia năm 1988, Thái Lan năm 1993; Indonesia năm 2010 và Hàn Quốc năm 1982. Như vậy, Việt Nam đi sau Hàn Quốc khoảng 30 – 35 năm, sau Malaysia khoảng 25 năm; Thái Lan khoảng 20 năm…
Trước thông tin trên, bà Victoria Kwakwa – Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (World Bank) tại Việt Nam – cho rằng: Để đưa ra quan điểm, cần nhìn vào một bức tranh toàn cảnh. Việt Nam không hề bị bỏ lại phía sau.
“Xét về dài hạn, nhìn ra cả thế giới trong 25 năm gần đây, Việt Nam là nước có nền kinh tế tăng trưởng nhanh thứ 2, chỉ đứng sau Trung Quốc”, bà Victoria cho biết tại buổi nói chuyện về “Cơ hội và thách thức của Việt Nam và các nước khi gia nhập TPP” tại Học viện Chính sách và Phát triển tuần trước.
“Tôi nhìn nhận rằng Việt Nam không hề bị bỏ lại phía sau”.
Theo dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP/người của Việt Nam chỉ đạt 98 USD/người vào năm 1999, tăng lên 402 USD/người vào năm 2000 và năm 2010 là gần 1300 USD/người; năm 2015 GDP/người dự kiến đạt hơn 2.200 USD.
Nhìn toàn cảnh tăng trưởng GDP/người của các nước lân cận, có thể thấy rõ ràng khoảng cách giữa GDP/người của Việt Nam so với các nước đang ngày càng rút ngắn.
Nguồn: IMF. |
Cụ thể, so với Thái Lan, nếu như năm 1990, GDP/người của Việt Nam chỉ bằng 1/16 GDP/người của Thái, thì đến năm 1995, tỷ lệ này đã được rút ngắn còn 1/10, năm 2000 còn 1/5. Dự kiến năm 2015, GDP/người của Việt Nam sẽ bằng 40% GDP/người của Thái Lan.
Nguồn: World Bank. |
"Kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam rất đáng ghi nhận", Giám đốc quốc gia của World Bank tại Việt Nam. Nguồn: World Bank. |
Ngay sau thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thế giới bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Nhưng nhìn vào WTO và chặng đường đã đi của Việt Nam, có thể thấy kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam rất đáng ghi nhận so với các nước thành viên WTO khi vẫn duy trì được đà tăng trưởng.
Bà Victoria cho rằng, với các hiệp định thương mại sắp có hiệu lực, bao gồm cả TPP, không cần để tâm đến việc Việt Nam sẽ bị bỏ lại đằng sau.
“Đấy là cơ hội của các bạn. Các bạn có thể phải tiến hành một vài cải cách quan trọng để có thể nhận được những lợi ích tối đa. Có thể hội nhập sẽ có nhiều cạnh tranh, nhưng đấy là động thái đúng đắn xét cả về mặt vi mô và vĩ mô”, bà Victoria nhấn mạnh.
“Tôi không thể nói TPP ngay lập tức là tốt cho Việt Nam, nhưng trong dài hạn, lợi ích sẽ tới”.
Theo Tri Thức Trẻ