Chợ Nga trên đường Võ Văn Kiệt, quận 1 là khu chợ nước ngoài duy nhất ở TP.HCM hiện nay được “thừa nhận” với bảng tên chợ viết bằng 2 thứ tiếng Việt – Nga. Tiểu thương ở chợ Nga kể, họ buôn bán phục vụ nhu cầu mua sắm của người Nga đến TP HCM từ những năm 1990.
Thời gian đầu, bà con kinh doanh ở thương xá Tax. Thấy nhu cầu ngày càng lớn, một nhà đầu tư, vốn là người Nga gốc Việt, đã lập nên chợ và huy động tiểu thương về đây buôn bán khoảng giữa năm 2008, khi cao ốc Central Garden ra đời.
Từ vài chục gian hàng, đến nay chợ Nga có khoảng 200 gian bán quần áo, giày dép, các mặt hàng lưu niệm và một siêu thị nhỏ chuyên thực phẩm Nga. Đặc biệt, các loại áo ấm, đồ chống rét được bày bán rất đa dạng và là mặt hàng chủ lực ở chợ.
Nơi đây không chỉ phục vụ nhu cầu của khách nước ngoài mà còn là điểm mua sắm quen thuộc của người dân TP.HCM. Ngoài xuất sỉ hàng sang Nga, chợ này cũng là đầu mối cung ứng quần áo, giày dép, túi xách cho nhiều chợ, trung tâm thương mại tại TP.HCM.
Không nói thách là một trong những bí quyết khiến chợ Nga luôn đông khách tìm đến mua sắm. Ảnh: HL. |
Điều khiến khách mua sắm tại TP.HCM tìm đến chợ Nga ngày càng đông là ở đây, khách có thể tìm được những loại quần áo, giày dép có kích thước ngoại cỡ. Chị Na, chủ shop giày dép, túi xách Minh Nhật, cho biết, đơn hàng chủ yếu của shop chị là xuất khẩu giày, ví sang Nga, mà đối tác là bà con kiều bào. Ngoài ra, các shop bán lẻ ở những trung tâm thương mại tại TP.HCM như Saigon Square, Taka cũng đến đây lấy hàng về bán.
“Bí quyết để tiểu thương giữ được khách là nhã nhặn, bán đúng với giá niêm yết. Lời ít nhưng bán nhiều hàng là phương châm của các tiểu thương ở đây. Khách nước ngoài họ đi dò giá nhiều nơi và mua hàng rất dứt khoát, không kỳ kèo, trả giá như người Việt. Thấy giá cao là họ bỏ đi ngay”, chị Na nói.
Ngoài ra, các chị em còn có những chiêu lấy lòng khách rất đặc biệt. Các gian hàng bán bóp, ví tiểu thương sẽ để sẵn tiền “lì xì”, mong khách may mắn khi dùng sản phẩm. Hàng giày dép được tặng thêm keo dán, xi đánh giày hay dây buộc…
Điểm đặc biệt ở chợ Nga là quần áo Tết tập trung bán nhộn nhịp từ tháng 9, tháng 10. Chị Ngọc, chủ 2 sạp áo khoác cho biết, hàng bán sỉ luôn phải xuất đi sớm, để bà con kiều bào kịp mua sắm đón Tết. Các điểm bán trong nước cũng lo gom hàng sớm để bán mạnh dịp Noel, do vậy ở chợ Nga, tiểu thương luôn bán Tết trước các nơi khác.
Đến thời điểm này, các cửa hàng ở chợ không xuất hàng ra nước ngoài nữa mà chủ yếu bán lẻ và cung ứng sỉ trong nước.
Mỗi tiểu thương kinh doanh thực phẩm ở chợ Campuchia có một bí quyết khác nhau để kéo khách. Ảnh: Zen Nguyễn. |
Không hình thành chợ, nhưng TP.HCM đang mọc lên rất nhiều các điểm bán thực phẩm, hàng tiêu dùng từ Mỹ, Nhật, châu Âu. So với sản phẩm cùng loại được sản xuất tại Việt Nam, Trung Quốc, giá các mặt hàng này luôn cao hơn 30-50%, thậm chí đắt gấp 3-4 lần. Để giữ khách, các chủ kinh doanh hàng này luôn đầu tư chiêu khuyến mãi và các chính sách ưu đãi sát với nhu cầu của người mua.
Chị Minh, chủ một mối nhập hàng thời trang, mỹ phẩm và thực phẩm từ Mỹ và Nhật, cho biết, chị luôn thay đổi các chính sách ưu đãi để người mua không nhàm chán. Không chỉ áp dụng mức phí đặt hộ hàng rất thấp và không nhận tiền cọc với khách quen, chị còn bỏ công săn hàng có tặng thêm các set quà tặng mini, coupon để tặng lại cho khách.
Theo chị, tâm lý mua sắm của người dân Sài Gòn đã thay đổi so với trước đây. Đặc biệt, với khách bỏ tiền săn hàng ngoại thì quà khuyến mãi cũng phải lạ, chất lượng. Chị ví dụ, khách sẽ không hào hứng với việc mua lon sữa được tặng cái ly, cái chén như các hãng trong nước vẫn đang làm, mà họ thích thú nếu mua sữa được tặng coupon cho lần sau, hoặc bộ đồ trang điểm được tặng chiếc túi đựng, mua nước hoa sẽ được tặng thêm son môi mini cùng thương hiệu…
Nhiều tiểu thương kinh doanh các sản phẩm Hàn Quốc ở đường Tân Sơn Hòa, cạnh chợ Phạm Văn Hai, quận Tân Bình, lại có cách hút khách rất riêng. Các cửa hàng bán thực phẩm quen thuộc của người Hàn Quốc như kim chi, gia vị và thực phẩm dinh dưỡng tươi sống, đồ khô, cà phê, giò heo hầm thuốc bắc … luôn để sẵn công thức các món ăn để tặng khách mua hàng. Tùy vào lượng thực phẩm khách mua, cửa hàng sẽ có bảng hướng dẫn cụ thể cách chế biến, cũng như lượng gia vị.
Chị Xuân, chủ gian hàng thực phẩm ở chợ Campuchia, quận 10, chia sẻ, bí quyết kinh doanh được lòng khách hơn 10 năm ở chợ này của chị không phải là bán giá rẻ hay hàng “xịn”. Cách của chị là tặng gia vị và hướng dẫn khách chế biến món ăn.
Khi mua được các loại gia vị đặc biệt hoặc những đợt có cá lóc Biển Hồ, dầu cải, mắm bò bóc… chị thường chia thành những gói nhỏ để tặng kèm cho khách ruột. Theo chị, đây là chiêu rất tình cảm để giữ khách mà chị học được từ những bạn hàng Campuchia.
Theo Zing