Ai cũng từng nghe tới những tên tuổi tỷ phú hàng đầu như Bill Gates, Richard Branson hay Warren Buffett – những người có tài sản nhiều tới mức họ có thể mua được cả một đất nước nhỏ nếu muốn.
Tuy nhiên, có một người đàn ông bí ẩn rất ít được mọi người nhắc tới, ít nhất là tại thời điểm này. Ông không chỉ là người đàn ông giàu nhất Nhật Bản mà thậm chí từng là người giàu nhất thế giới.
Ông ấy là ai?
Trong suốt thời kỳ bùng nổ kinh tế vào những năm 80, đất nước Nhật Bản đã phát triển không ngừng nghỉ. Thành công về kinh tế của họ cứ như vậy phình to hơn và không hề có dấu hiệu dừng lại.
Thời kỳ này cũng tạo ra không ít câu chuyện kinh doanh thành công. Và một trong những doanh nhân, tỷ phú điển hình sản sinh ra trong thời kỳ này là Yoshiaki Tsutsuni.
Tsutsumi là người đàn ông giàu nhất thế giới trong 4 năm liên tiếp kể từ 1987 cho đến 1990 theo xếp hạng của Forbes. Cụ thể trong năm 1989, ông là người giàu nhất thế giới với khối tài sản 15 tỷ USD. Với số tiền đó, Tsutsuni vượt qua hàng loạt tên tuổi khác bao gồm cả Sam Walton – nhà sáng lập chuỗi siêu thị Walmart với khối tài sản 13,3 tỷ USD.
Và theo như cuốn sách Outliers, trong danh sách 75 người giàu nhất trong lịch sử loài người - bao gồm những tên tuổi tới trong rất nhiều lĩnh vực: Từ những tay cướp bóc khét tiếng của thế kỷ 19 đến các tỷ phú dot-com, vua chúa và cả các pharaoh. Tsutsuni vinh dự là đại diện duy nhất của Nhật Bản có mặt trong danh sách này.
Có thời gian, ông là chủ tịch Hội đồng Olympic Nhật Bản và đã quyên góp rất nhiều tiền cho cuộc vận động hành lang để kỳ Olympic mùa đông năm 1998 được tổ chức tại Nagano, Nhật Bản.
Có thể thấy, dù không phải người “chơi trội” như tỷ phú Richard Branson hay có khối tài sản ấn tượng như Bill Gates, nhưng ở thời điểm những năm 1990, Tsutsumi được xem là người đàn ông cực kỳ giàu có và có tầm ảnh hưởng lớn.
Vì đâu Tsutsumi giàu tới vậy?
Tsutsumi may mắn được sinh ra trong một gia đình giàu có. Cha của Tsutsumi là tộc trưởng của một trong những gia tộc có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong xã hội Nhật Bản hiện đại. Yasujirō Tsutsumi khi đó là chủ tịch của tập đoàn Seibu – công ty quyền lực nhất trong ngành đường sắt, khách sạn và bất động sản tại xứ sở mặt trời mọc. Tuy nhiên, ông luôn được đánh giá thấp hơn người anh em cùng cha khác mẹ của mình là Seiji Tsutsumi.
Ngài Yasujiro nắm giữ vị trí chủ tịch Seibu và cho tới mãi năm 1964 Tsutsumi – khi đó 30 tuổi mới được thừa kế ngai vàng sau cái chết của nhà sáng lập. Điều đáng nói là lúc này, rất nhiều người nghĩ rằng người anh Seiji Tsutsumi mới là người thừa kế tập đoàn. Tuy nhiên thay vào đó, Seiji chỉ thừa kế chuỗi cửa hàng mua sắm của Seibu và sau đó ông này tự tạo nên đế chế riêng của mình là Credit Saison.
Sau khi lên nắm quyền, Tsutsumi tiếp tục xây dựng và mở rộng đế chế của cha mình. Tsutsumi đã mua nhiều khách sạn, khu trượt tuyết, sân golf, phát triển đế chế bất động sản thành một tập đoàn khổng lồ.
Ông mua đội bóng rổ Saitama Lions và giúp nó liên tiếp giành cúp vô địch. Tập đoàn Seibu thậm chí có lúc còn cân nhắc tới việc mua lại Seattle Mariners – đội tuyển bóng chày nổi tiếng của Mỹ.
Hãng tàu của tập đoàn Seibu |
Khối tài sản khổng lồ và sức ảnh hưởng của tập đoàn Seibu đã khiến hai người con trai tỷ phú của Yasujirō trở thành đề tài đặc biệt thú vị tại Nhật Bản. Trong cuốn sách “The Brothers: The Hidden World of Japan’s Richest Family” (Tạm dịch: The Brothers: Thế giới bí ẩn của gia tộc giàu có nhất Nhật Bản) cũng đề cập tới vấn đề này.
Cuốn sách viết rằng thật khó nếu như tới Nhật Bản mà không bắt gặp hoặc sử dụng dịch vụ và sản phẩm của gia tộc Tsutsumi. Họ sở hữu rất nhiều thứ từ tàu lửa, khu resort nghỉ dưỡng, trung tâm mua sắm Seibu, đội bóng Seibu Lions và rất nhiều mảng kinh doanh khác.
Đặc biệt, cuốn sách đã nhắc tới Yasuhiro như một người đàn ông nắm quyền lực vô song trong giới tài chính Nhật Bản lúc bấy giờ.
Vì sao hiện giờ không còn ai nhắc tới Tsutsumi?
Tsutsumi từng có tất cả, ở trên đỉnh cao của danh vọng. Tuy nhiên đáng tiếc, phần đời còn lại ông đã không nhận được một kết thúc có hậu. Sự cố bong bóng bất động sản đổ vỡ vào những năm 1986 - 1991 khiến toàn bộ nền kinh tế Nhật lao dốc. Điều này đã khiến đế chế Seibu chao đảo. Tuy nhiên, còn một yếu tố khác khiến Seibu sụp đổ hoàn toàn.
Trong năm 2004, chính phủ Nhật Bản đã thiết lập những quy chuẩn kế toán và quản trị tập đoàn chặt chẽ. Tập đoàn Seibu đã rơi vào tầm ngắm và bị phanh phui rất nhiều sai phạm. Cuối cùng họ đã buộc phải hủy niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Tokyo.
Đây chính là những năm tháng tồi tệ nhất trong cuộc đời Yoshiaki Tsutsumi nói riêng và thanh danh của gia tộc Tsutsumi nói chung. Trong năm 2005, ông bị bắt vì cáo buộc giao dịch ngầm và làm giả giấy tờ. Hình phạt của ông là gần 50.000 USD và ngồi tù 4 năm.
Tuy nhiên, nỗi hổ thẹn của ông không phải là việc bị phạt và ngồi tù mà là mất đi đế chế Seibu. Khi Seibu gặp phải bê bối, Tsutsumi buộc phải rời khỏi mọi vị trí ông đang nắm giữ trong tập đoàn.
Thậm chí, tờ Business Insider còn miêu tả ông như một trong những tỷ phú đen đủi nhất trong lịch sử khi thổi bay toàn bộ khối tài sản tỷ đô chỉ trong một khoảng thời gian ngắn ngủi.
Nhiều người cho rằng thành công của Tsutsumi và sự sụp đổ của ông là ví dụ tiêu biểu của sự bùng nổ và suy sụp của nền kinh tế Nhật Bản. Khi kinh tế Nhật Bản đạt đỉnh cao vào những năm 80 đã sản sinh ra không ít tỷ phú, doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên sau đó khi bong bóng vỡ, những người này ngập chìm trong thất bại và bê bối.
Hiện tại Tsutsumi đã 82 tuổi và mặc dù tuổi thọ của người Nhật Bản rất cao. Tuy nhiên sẽ rất khó có một phép màu nào đó giúp Tsutsumi có thể lấy lại phong độ và gây dựng lại cơ nghiệp của gia đình.
Theo Tri Thức Trẻ