Để trở thành nhà cung ứng cho Nhật, cần biết chấp nhận thất bại

Thứ năm, 26/11/2015, 10:40
Phải thường xuyên tiếp xúc với các nhà sản xuất Nhật Bản, chứng minh cho họ thấy khả năng thật sự của mình và điều đặc biệt là phải thật kiên nhẫn, chấp nhận thất bại nhiều lần để tiến bộ hơn.
Từ trái sang: ông Furuyama Kazuhiro (thứ 2) và ông Ông Hirotaka Yasuzumi (thứ 4) đang trao đổi tại hội thảo,

Ông Hirotaka Yasuzumi, Giám đốc điều hành của Tổ chức xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) tại TP.HCM, đã khuyên các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam như vậy nhằm có thể tham gia vào chuỗi cung ứng sản xuất của doanh nghiệp Nhật Bản đang ngày càng gia tăng đầu tư vào Việt Nam.

Chia sẻ tại buổi Hội thảo "Kinh nghiệm đào tạo đội ngũ lãnh đạo của Matsushita - Nhật Bản" diễn ra vào chiều hôm nay 24-11 tại TP.HCM do Câu lạc bộ Doanh nhân Sài Gòn tổ chức, ông Yasuzumi cho rằng không riêng Toyota, Honda hay Canon mà bất cứ doanh nghiệp sản xuất Nhật Bản nào khi đầu tư vào Việt Nam cũng muốn tìm nhà cung ứng tại chỗ để cắt giảm chi phí và đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất.

Tuy nhiên, thực tế là thị trường trong nước nhỏ bé và các nhà cung ứng Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu về chất lượng cũng như sản xuất với quy mô lớn của doanh nghiệp Nhật. Do đó, nhiều doanh nghiệp Nhật phải tìm các nhà cung ứng có sẵn của mình ở các nước như Trung Quốc, Thái Lan..

Vậy làm sao để doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ vốn chiếm đa số hiện nay, có thể trở thành nhà cung ứng cho doanh nghiệp Nhật Bản trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng quốc tế và đầu tư Nhật Bản ngày càng gia tăng vào Việt Nam?

Theo ông Yasuzumi, doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam phải thường xuyên tham gia các cuộc triển lãm có doanh nghiệp Nhật Bản để tiếp xúc và quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình. Hãy chứng minh cho họ thấy năng lực thật sự của mình. Nếu một lần chưa được thì phải kiên trì nhiều lần khác và cho họ thấy doanh nghiệp mình ngày càng tiến bộ hơn cho đến khi họ chấp nhận mua hàng và sử dụng dịch vụ của mình.

Điều này đòi hỏi người điều hành doanh nghiệp phải có tính nhẫn nại, chịu đầu tư, chấp nhận thất bại và biết lắng nghe để hoàn thiện hơn. "Các doanh nghiệp Việt Nam đừng có suy nghĩ rằng khi đã đầu tư và làm cái gì là phải có lợi nhuận tức thì mà phải chấp nhận chịu lỗ trước mắt mới có thể thành công về sau," ông Yasuzumi nói.

Ngoài tính nhẫn nại, việc giữ lời hứa và hoàn thành đúng thời gian như cam kết thì sẽ được doanh nghiệp Nhật chú ý hơn.

Mặc dù vậy, ông Yasuzumi, người đứng đầu của JETRO tại TP.HCM và là người có thâm niên trong tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp cung ứng Việt Nam, cho rằng doanh nghiệp nhỏ của Việt Nam còn yếu nhiều mặt, đòi hỏi phải có sự hỗ trợ từ phía Chính phủ.

Tại hội thảo, một trở ngại khác mà các doanh nghiệp nhỏ trong nước nêu ra là phần lớn doanh nghiệp Nhật Bản có tính bảo thủ cao nên khó có thể tiếp cận hoặc làm thay đổi quyết định của họ.

Ông Yasuzumi cho rằng mặc dù bảo thủ nhưng doanh nghiệp Nhật cũng chấp nhận cái mới và sự sáng tạo. Tuy nhiên, những cái mới và sự sáng tạo đó phải được chứng minh cụ thể về hiệu quả và phân tích, giải thích chúng bằng số liệu cụ thể thì mới được chấp nhận.

Về vấn đề này, ông Furuyama Kazuhiro, Giám đốc đào tạo Học viện Quản lý - Chính trị Matsushita của Nhật Bản, cũng thừa nhận nhiều doanh nghiệp Nhật có tính bảo thủ cao. Tuy nhiên, gần đây nhiều doanh nghiệp Nhật cũng đã tiếp nhận những ý kiến và sự đổi mới để thay đổi.

Tuy nhiên cá nhân ông Kazuhiro cho rằng, bảo thủ cũng là một tính cách hay của doanh nghiệp xứ hoa anh đào vì họ đã tích lũy nhiều kinh nghiệm và đã chịu nhiều thất bại khó khăn để phát triển. Do đó, theo ông Kazuhiro, doanh nghiệp hai bên cần phải kiên trì, thẳng thắn đưa ra ý kiến để cùng nhau phát triển.

Hội thảo "Kinh nghiệm đào tạo đội ngũ lãnh đạo của Matsushita - Nhật Bản" nhằm chia sẻ kinh nghiệm đào tạo đội ngũ lãnh đạo và giới thiệu văn hóa Nhật Bản đến các doanh nhân và doanh nghiệp trong nước.

Thông qua hội thảo, Ban tổ chức mong muốn doanh nhân Việt Nam có cơ hội tiếp cận với phương pháp đào tạo lãnh đạo có hiệu quả cao của Học viện Matsushita, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm làm ăn với doanh nghiệp Nhật Bản và tạo cơ hôị giao thương giữa doanh nghiệp hai nước.

Học viện Quản lý -Chính trị Matsushita là học viện đào tạo chính khách và doanh nhân danh giá nhất Nhật Bản hiện nay. Học viện được sáng lập bởi ông Konosuke Matsushita, người được xem là một bậc thầy kinh doanh Nhật Bản, và cũng là người sáng lập tập đoàn Panasonic. Khoảng 44% viện sinh tốt nghiệp ra là những chính trị gia và 32% trở thành những doanh nhân nổi tiếng.

Theo TB KTSG

Các tin cũ hơn