Gần Tết thị trường bia trở nên sôi động với việc xuất hiện hàng loạt loại bia mới. Bên cạnh đó, nhiều hãng bia lớn trên thế giới nhảy vào thị trường Việt Nam càng khiến cho thị trường này nóng bỏng, việc giành giật “miếng bánh” hơn 3 tỉ lít bia ngày càng trở nên khốc liệt.
Từ bia Bỉ, Nhật, Hàn… đến Thái Lan
Theo số liệu mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam, tiêu thụ bia tại nhà vẫn tăng trưởng ở mức hai con số so với mức trung bình khoảng 6% của thị trường hàng tiêu dùng nhanh tại Việt Nam.
Đặc biệt, dịp cận Tết, trên các quầy kệ siêu thị, đại lý bia và các cửa hàng bán lẻ, người mua dễ hoa mắt với hàng loạt loại bia nhập khẩu từ Bỉ, Hà Lan, Mexico, Đức, Ý, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc... Giá các loại bia này khá cao.
Chẳng hạn bia Ashahi (Nhật) giá 25.400 đồng/lon, Singha (Thái Lan) 23.800 đồng/lon, Hite (Hàn Quốc) 24.400 đồng/lon, Oettingger (Đức) tùy hương vị giá 32.500-42.700 đồng/lon. Riêng bia Bỉ có Chimay đỏ giá 110.000 đồng/chai, Chimay xanh 120.000 đồng/chai.
Chuyên gia thương hiệu Đoàn Đình Hoàng nhận xét người Việt uống bia ngày càng nhiều. “Các doanh nghiệp (DN) ngoại nhận thấy thị trường của chúng ta quá hấp dẫn nên thi nhau nhảy vào đầu tư” - ông Hoàng phân tích.
Đây cũng là lý do mới đây Công ty TNHH Bia Sapporo Việt Nam mua lại 29% cổ phần của Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba) và trở thành công ty 100% vốn của Sapporo Nhật Bản. Hiện nay nhà máy Sapporo ở Long An đang vận hành ở giai đoạn 1 với công suất thiết kế lên đến 40 triệu lít/năm.
Ông Mikio Masawaki, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Sapporo Việt Nam, đánh giá thị trường bia Việt Nam đang trên đà tăng trưởng và chưa chạm mức đỉnh điểm tiềm năng. Đặc biệt dự báo hai phân khúc bia cao cấp và cận cao cấp sẽ tăng lên 70% vào năm 2020 so với 55% hiện nay.
“Song thách thức là thị trường Việt Nam đang xuất hiện rất nhiều thương hiệu bia ngoại tham gia. Do vậy, cạnh tranh sẽ ngày càng gay gắt, nhất là ở phân khúc cao cấp” - ông Mikio Masawaki nhấn mạnh.
Hai hãng bia lớn thế giới là AB InBev và SAB Miller cũng đang trong quá trình thỏa thuận sáp nhập để trở thành công ty bia lớn nhất thế giới. Trong đó, hãng AB InBev đã mở nhà máy bia tại Bình Dương với công suất lên đến 50 triệu lít/năm.
Trước sự “đổ bộ” của bia ngoại, Giám đốc kinh doanh và phát triển công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worlpanel Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng đánh giá tốc độ tăng trưởng các thương hiệu bia ngoại đang tăng nhanh hơn các thương hiệu bia nội ở cả thị trường thành thị lẫn nông thôn.
Yếu sẽ chết
Ông Nguyễn Huy Hoàng nhìn nhận xu hướng sáp nhập và thâu tóm là rất rõ ràng trên thị trường bia. Thông thường khi muốn thâm nhập thị trường Việt, đầu tiên các ông lớn ngoại hợp tác với các công ty trong nước để khai thác kinh nghiệm, kiến thức, mạng lưới phân phối, sự am hiểu thị trường và người tiêu dùng (NTD) Việt Nam.
Tiếp đó, khi đã có đầy đủ các yếu tố trên, các công ty nước ngoài muốn tự mình khai thác và phát triển thị trường theo tầm nhìn và định hướng được đặt ra của tập đoàn mẹ.
“Chuyện mua bán, sáp nhập là bình thường. Bởi công ty đó nằm trên đất nước Việt Nam, làm ra sản phẩm, đóng thuế cho Nhà nước… còn hơn để DN Việt làm chủ nhưng bị thua lỗ. Không chỉ vậy, khi các công ty nước ngoài đầu tư hay hợp tác với DN Việt thì người tiêu dùng sẽ có nhiều lựa chọn, có bia ngon, giá hợp lý” - ông Hoàng nêu quan điểm.
Tuy vậy, ông Hoàng cũng cho rằng một khi thị trường có thêm nhiều nhà cung cấp ngoại thì áp lực cạnh tranh tăng lên, DN Việt yếu sẽ bị đào thải. Do vậy mỗi DN phải tự chọn phân khúc khách hàng riêng, là thế mạnh của mình để tồn tại và phát triển.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia rượu Việt Nam, nói: “Cái khó của DN Việt là quen kiểu được Nhà nước bao cấp nên khả năng quản lý, trình độ quản trị còn hạn chế. Thế nên khi Việt Nam hội nhập, DN ta do chuẩn bị chưa tốt nên việc cạnh tranh gặp nhiều khó khăn”.
Mặt khác, theo ông Việt, hiện nay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia là 50%, nếu sắp tới dự luật sửa đổi luật thuế này được thông qua thuế sẽ tăng lên 65% (giai đoạn 2016-2018). Như vậy DN Việt càng gặp nhiều thách thức hơn.
Thêm nhiều ông lớn sẽ nhảy vào
Hiện nay một số DN ngoại đang hoạt động tại Việt Nam có kế hoạch tăng sản lượng để cung ứng cho thị trường. Trong khi nhiều DN chưa nhảy vào Việt Nam thì đang ráo riết lên kế hoạch thâm nhập thị trường bia đầy tiềm năng này.
Bình luận về động thái trên, ông Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo: “Để thích ứng và thành công trong bối cảnh mới, các DN nội cần phải vừa hợp tác, vừa cạnh tranh và tranh thủ mọi cơ hội để phát triển thị trường. Trong đó, tận dụng lợi thế lớn nhất của mình là sự am hiểu sâu sắc thị hiếu và hành vi tiêu dùng của NTD Việt để tăng thị phần”.
Một số chuyên gia khác cũng cảnh báo một số DN bia trong nước đang phải đương đầu với công ty ngoại ở phân khúc thị trường thấp, nếu không thay đổi có thể sẽ không giữ nổi phân khúc này và rơi vào tay các ông lớn ngoại.
Người Việt uống 3,3 tỉ lít bia
Người Việt uống bia ngày càng nhiều. Trong 10 tháng đầu năm nay, sản lượng bia sản xuất đạt 2.759,5 triệu lít, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo một báo cáo của Hiệp hội Bia rượu nước giải khát Việt Nam, năm 2014 sản lượng sản xuất và tiêu thụ bia ở Việt Nam tăng khoảng 8,1% so với năm trước đó và đạt 3,14 tỉ lít. Dự báo trong năm nay tổng lượng bia sản xuất tiêu thụ cả nước sẽ đạt con số gần 3,3 tỉ lít.
Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam cho biết tiêu dùng bia trong quý III-2015 tại bốn thành phố lớn ở Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính là do NTD mua bia uống thường xuyên hơn, gần như tháng nào cũng mua ít nhất một lần và có xu hướng mua các sản phẩm cao cấp hơn. Việt Nam hiện vào tốp 5 nước tiêu thụ bia nhiều nhất châu Á.
Bia “thay áo mới” để đón Tết
Đại diện Lotte Mart cho biết tốc độ tăng trưởng ngành giải khát, bia rượu nói chung tăng 30%. Hiện nay các thương hiệu bia đang cạnh tranh nhau rất nhiều về chủng loại, giá cả và cách phục vụ, ưu đãi, khuyến mãi. Trong đó, một số hãng bia thay hình ảnh diện mạo sản phẩm mùa Tết để thu hút khách hàng.
Theo PL.TPHCM