Nạn bia rượu tàn phá nòi giống Việt: Cấm bia rượu, mới nắm người... “có tóc”

Thứ ba, 17/11/2015, 14:53
“Cấm rượu bia trong giờ làm việc” - đã có chủ trương từ Chính phủ đến địa phương. Thế nhưng, cán bộ công chức chỉ là “thiểu số” những người hay nhậu. Nhà nước cũng chỉ “nắm người có tóc”, còn người dân nhậu nhẹt, say xỉn, nghiện ngập đổ đốn… thì đến nay chẳng có quy định cấm đoán cụ thể nào. Ngoại trừ khi họ gây án thì mới xử lý được.

Cần luật hóa phòng, chống bia rượu

Từ năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo 64 tỉnh thành cả nước triển khai quy định “cấm công chức uống rượu bia buổi sáng, trưa. PTT đề nghị, nếu cán bộ công chức vi phạm Luật Giao thông, có uống rượu bia thì đề nghị phạt nặng hơn. Trước đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cũng có đề nghị tương tự.

Tuy vậy, “quyết tâm” đó chỉ dừng lại ở các cuộc họp, hội nghị tổng kết cuối năm. Thực tế, đến cuối năm 2013, chỉ 5/64 tỉnh, thành thực hiện chỉ đạo trên của Chính phủ.

Theo lương y Nguyễn Văn Tri - Hội Đông y TP.Đà Nẵng, nồng độ cồn trong rượu bia cho thấy, bia chứa 3-4% cồn, còn rượu vang chứa 10-12% cồn, rượu gạo chứa 25-35% cồn, rượu mạnh chứa 40-55% cồn. Trong khi đó ngưỡng cho phép tương đương 1 lon bia (330ml) trong một giờ, rượu mạnh dưới 25mml mỗi ngày... vì vậy hầu hết người uống rượu bia đều lạm dụng, uống quá ngưỡng cho phép, bởi rất ít những người chỉ dừng lại mức 1 lon bia, 1 ly (nhỏ) rượu.

Thực trạng tự ngâm thảo dược, động vật với rượu rồi uống vô tội vạ xảy ra hầu khắp cả nước.

Điều đáng lo ngại, việc người dân tùy tiện nấu rượu thủ công, sử dụng các nguồn men không rõ nguồn gốc, không được kiểm soát sẽ gây nguy cơ cao cho xã hội. Ngoài ra, hiện tượng dùng thảo dược, động vật ngâm tẩm rượu cẩu thả, uống vô tội vạ sẽ hủy hoại sức khỏe, tâm thần.

Theo BS Ngô Văn Lương - Trưởng khoa Tâm thần BV T.Ư Huế, người lạm dụng rượu bia tâm thần bị rối loạn với hàng loạt các biểu hiện rối loạn cảm xúc; nói sảng, khoe mẽ; quậy phá, nổi khùng, cau có, gây gổ... Ở khoa tôi tiếp nhận điều trị nhiều người nghiện rượu trong tình trạng bị kích động, đòi nhảy lầu tự sát, ghen tuông, hoang tưởng, ảo giác. Bây giờ, nguy hại hơn là có những người vừa kết hợp sử dụng uống rượu bia vừa chơi ma túy đá dẫn đến có những hành động rất kỳ quái, cầm dao cắt lỗ tai, cắt chân tay mình. Trong cuộc sống, họ càng ngày càng trở nên ích kỷ, quên những thích thú lành mạnh, lãnh cảm với những người thân trong gia đình.

BS Phan Thị Minh Hương - Trưởng khoa Nội tiêu hóa BV T.Ư Huế, liệt kê: “Trong cơn say rượu làm chết 10 triệu tế bào não, 1 ly rượu gây chết 100 nghìn tế bào não. Nhưng do tế bào não có hoạt động bù trừ nên tổn thương đó người ta không cảm giác được cho đến khi vào bệnh viện. Tiêu hóa, phổi, tim mạch, sinh dục… đều bị alcol tàn phá. Viêm gan virus dẫn đến xơ gan và ung thư gan. Đàn ông uống rượu nhiều chất lượng tinh trùng yếu, phụ nữ gây sẩy thai, quái thai..

Chỉ cấm say

Mở màn cho “chiến dịch” cấm cán bộ, công chức, viên chức uống rượu bia trong giờ làm việc ở miền Tây là tỉnh Long An. Từ 2007, tỉnh này đã có văn bản cấm. Sau đó năm 2009 tỉnh Bến Tre rồi TP.Cần Thơ, vào năm 2012. Bắt đầu cuối năm 2012, sau khi có chỉ đạo của PTT Nguyễn Xuân Phúc, đồng loạt các tỉnh miền Tây đều có văn bản tương tự. Chỉ thị 01 của UBND tỉnh Cần Thơ nhận định “gần đây tình hình cán bộ, viên chức, công chức lơi là trong giờ làm việc quá nhiều.

Đặc biệt, một số cán bộ say xỉn trong giờ làm việc làm lãng phí thời gian của Nhà nước và mất đi hình ảnh đẹp của cán bộ với nhân dân”. Chính vì vậy chỉ thị đề nghị các cấp, các ngành, địa phương trong TP.Cần Thơ không để cán bộ say xỉn; nghiêm túc xử lý những cán bộ cố tình vi phạm.

Tại tỉnh Trà Vinh, Tỉnh ủy ban hành chỉ thị cấm cán bộ công chức uống rượu bia trong ngày làm việc, sau đó đến tháng 3.2013 UBND tỉnh tiếp tục ban hành quyết định nêu rõ hình thức xử lý kỷ luật cá nhân vi phạm. Quyết định nêu rõ, nếu cán bộ công chức, viên chức vi phạm 2-3 lần thì có thể bị kỷ luật buộc thôi việc. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có cán bộ bị kỷ luật vì “say xỉn” cũng bị cắt thi đua.

Phong trào “bắt cán bộ say xỉn” chỉ nở rộ vào năm 2013 rồi lắng dịu cho đến nay. Ông Trần Văn Hóa - Phó Giám đốc Sở Nội vụ Cà Mau cho biết, từ khi có chỉ thị 17 về cấm cán bộ say xỉn vào năm 2013 cho đến nay vẫn chưa xử được trường hợp nào. Tại Bạc Liêu, dù UBND tỉnh cũng có ban hành văn bản cấm cán bộ ăn nhậu say sưa trong giờ làm việc, nhưng cho đến nay mới chỉ nêu tên vài trường hợp, chưa kỷ luật người nào.

Lãnh đạo huyện Hồng Dân, Bạc Liêu có hẳn một bộ quy chế về việc chấn chỉnh lề lối làm việc của cán bộ, công chức, viên chức trong đó có liên quan đến việc nhậu. Quy chế cũng quy định trường hợp cán bộ tiếp khách huyện bạn, khách tỉnh hay ngoài tỉnh vẫn có quyền nhậu nhưng không được say xỉn trong giờ làm việc, đặc biệt là tiếp xúc với dân.

Thực tế, cán bộ công chức chỉ là “thiểu số” những người hay nhậu. Nhà nước cũng chỉ “nắm người có tóc”, còn người dân nhậu nhẹt, say xỉn, nghiện ngập đổ đốn… thì đến nay chẳng có quy định cấm đoán cụ thể nào. Ngoại trừ khi họ gây án thì mới xử lý được.

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích