Nạn rượu, bia tàn phá giống nòi Việt

Thứ sáu, 13/11/2015, 13:09
Tại Diễn đàn Chính sách nông nghiệp thường niên 2015 mới đây, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã phải thốt lên: “Việt Nam xuất khẩu gạo được 3 tỉ USD, nhưng chi ra 3 tỉ USD để tiêu thụ bia. Công sức của hàng chục triệu nông dân vật lộn với ruộng đồng chỉ ngang với tiền uống bia, như thế có đáng không?”.

Đó là lời cảnh báo một thực tế buồn: Việt Nam trở thành một trong những nước tiêu thụ bia, rượu lớn nhất thế giới. Sự lãng phí và hàng loạt những hệ lụy đau lòng đã xảy ra từ đây. Nạn rượu, bia đã làm méo mó phong tục tập quán, biến dạng văn hoá truyền thống và tàn phá sức khoẻ, gây mất đoàn kết cộng đồng...

Đây cũng chính là “thủ phạm” gây ra tai nạn giao thông, đánh nhau, gây án… Phải làm gì để ngăn chặn nạn lạm dụng bia, rượu? Báo Lao Động tìm câu trả lời qua loạt bài “Nạn rượu, bia tàn phá giống nòi Việt”.

Những con số biết nói

Theo PGS - TS Nguyễn Văn Việt - Chủ tịch Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam cho biết, hiện nay ở Việt Nam có tới 119 cơ sở sản xuất bia, 164 cơ sở sản xuất rượu. Chúng ta nhận được một thành tích mà không ai mong muốn: Xếp thứ nhất khu vực Asean và thứ 3 Châu Á về tiêu thụ bia, năm 2014 Việt Nam tiêu thụ gần 3 tỉ lít bia, gấp 3,5 lần so với năm 2004, dự kiến năm 2015 tiêu thụ khoảng 4,2 tỉ lít bia. Trong khi, thu nhập bình quân của người Việt Nam chỉ đứng thứ 8/11 nước trong khu vực Đông Nam Á.

Để nắm bắt được tình hình phạm pháp hình sự, gây rối trật tự cộng đồng và tai nạn giao thông do ảnh hưởng cả rượu bia và đồ uống có cồn, Học viện Cảnh sát nhân dân đã tiến hành nghiên cứu trên địa bàn 11 tỉnh, thành phố trong cả nước, trong giai đoạn 2010-2014, cho thấy, số vụ lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng (VD: Chết người) hoặc rất nghiêm trọng (gây thương tích nặng) vẫn ở mức cao (trên dưới 100 vụ/năm, chiếm khoảng 10-20% tổng số) là một điều đáng lưu tâm.

Lạm dụng rượu bia trở thành chuyện thường ngày ở bất kỳ địa phương nào.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014, trên địa bàn 11 địa phương các vụ TNGT đường bộ do người tham gia giao thông sử dụng rượu bia và đồ uống có cồn đã làm 401 người chết và 448 người bị thương. Độ tuổi đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật hình sự và gây rối trật tự công cộng có xu hướng trẻ hóa, số đối tượng nằm trong độ tuổi từ 16 - 45 tuổi chiếm hầu hết tổng số đối tượng phạm pháp do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn (>90%). Đặc biệt là số đối tượng vi phạm pháp luật trong độ tuổi từ 16 - 30 chiếm đa số các vụ việc.

Theo Uỷ ban ATGT Quốc gia tình hình TNGT do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn lại có xu hướng tăng cao vào giai đoạn năm 2013, đặc biệt tăng mạnh vào năm 2014. Mỗi năm Việt Nam có 12.000 người chết vì TNGT, trong đó 4.800 trường hợp có liên quan đến rượu bia. Theo thống kê, hiện Hà Nội đứng đầu số vụ TNGT (chiếm 42,7% trong đó 31,44% các vụ TNGT do sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn) và Vĩnh Phúc thấp nhất chỉ 0,44%.

Hệ lụy đau lòng

Lượng bia, rượu tiêu thụ ngày một tăng cao nên việc kinh doanh bia rượu bước vào thời kỳ ăn nên làm ra, cũng bởi thế mà không ít hãng bia, rượu đã bị làm nhái, giả và ngày càng tinh vi hơn. Không ít vụ buôn bán bia, rượu giả đã được cơ quan chức năng triệt phá. Năm 2013, dư luận không khỏi bàng hoàng trước việc “Rượu nếp 29 Hà Nội” bị nhiễm độc làm chết 6 người.

Thạc sĩ, bác sĩ Dương Đình Toàn - Khoa Cấp cứu Bệnh viện hữu nghị Việt - Đức cho biết, đa phần bệnh nhân vào cấp cứu đều ít nhiều liên quan đến bia rượu. “Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đa chấn thương, rất nguy hiểm đến tính mạng. Hầu hết những trường hợp này qua xét nghiệm đều phát hiện có nồng độ cồn trong máu, những bệnh nhân này nhập viện chủ yếu là do tai nạn giao thông gây ra”, bác sĩ Toàn nói.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn - Trưởng khoa Điều trị nghiện Bệnh viện Tâm thần Hà Nội khi nói về bia, rượu đã thốt lên rằng: Vấn nạn. Lạm dụng bia rượu là một vấn nạn của xã hội song hành với chất ma túy trong những chất gây nghiện, nó làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống con người, xã hội. Lạm dụng rượu, bia khiến con người ta bị tổn hại sức khỏe, bệnh tật, mất kiểm soát hành vi, tâm thần, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

“Mấy năm gần đây số người nhập viện do nghiện bia rượu có xu hướng tăng cao. Như năm 2012, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận 429 bệnh nhân nghiện rượu vào điều trị, chiếm tổng số 11,54% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú, năm 2013 tiếp nhận 454 bệnh nhân, chiếm 12,58% tổng số bệnh nhân điều trị nội trú”.

Cũng theo bác sĩ Tuấn, những người uống rượu nhiều rất dễ bị nghiện rượu mạn tính, thường thì 8 năm đối với nam và 5 năm đối với nữ. Ở giai đoạn này, người nghiện rượu mạn tính rất dễ bị tâm thần dẫn đến mất kiểm soát hành vi và thường gây rối, mất khả năng lao động, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe. Khi đến giai đoạn sảng rượu, người bệnh thường bị rối loạn tâm lý, hoang tưởng và thường gặp ảo giác như thấy rắn rết, ma quỷ, thấy người truy đuổi mình…

Theo Lao Động

Các tin cũ hơn