Ảnh minh họa |
Chia sẻ cảm nhận về những áp lực đối với nền kinh tế Việt Nam nói chung và ngành nông nghiệp nói riêng khi ngưỡng cửa hội nhập đang đến rất gần, Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho biết, bà thấy “nửa mừng, nửa lo”.
"Tôi cảm thấy lo lắng nhiều hơn là mừng, cơ hội mang đến rất nhiều nhưng liệu chúng ta có đủ tiềm năng để nắm bắt được cơ hội đó hay không?" - bà Lan đặt câu hỏi.
Nhận định về tình thế của ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay, bà Lan cho rằng ngành nông nghiệp đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đơn cử, nhiều ngành được dự báo có thể phải hy sinh để Việt Nam hội nhập như ngành chăn nuôi, mía đường…
Theo bà Lan, trong những năm qua, chúng ta luôn tự hào với thứ hạng cao về xuất khẩu gạo, hạt tiêu, hạt điều.... Nhưng trên thực tế, thứ hạng cao này mang lại những gì cho Việt Nam? Hay chỉ mải miết đuổi theo số lượng mà quên đi chất lượng và giá trị?
“Đơn cử, 3 tỷ USD xuất khẩu gạo chỉ tương đương với 3 tỷ USD tiêu thụ bia, rượu ở Việt Nam. Công sức của hơn 50 triệu nông dân lăn lội trên đồng ruộng cùng với bao nhiêu thứ trợ giúp vào cũng chỉ đổi lấy 3 tỷ USD đổ vào bia rượu. Như vậy, đầu tư ở đây có đáng hay không” – Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan băn khoăn.
Đối với mặt hàng gạo, bà Lan cho rằng ngành lúa gạo Việt Nam đang rơi vào nguy cơ bị thua thiệt ngay trước mắt khi phải cạnh tranh về gạo giá rẻ với Ấn Độ. Trong khi đó, dòng gạo chất lượng cao, rõ ràng Việt Nam đã thua Campuchia và Thái Lan.
"Dường như Việt Nam đang mải miết với thành tích số lượng mà không hề quan tâm đến chất lượng và giá trị. Người làm ra hạt gạo thực sự được hưởng lợi bao nhiêu từ gạo xuất khẩu? Nếu không thay đổi một cách căn bản, chắc chắn ngành gạo sẽ thua khi hội nhập" - bà Lan cảnh báo.
Tương tự như vậy, đối với các mặt hàng cà phê, tiêu, điều… chúng ta mải miết chạy theo số lượng nhiều quá mà ít quan tâm đến các yếu tố khác. Nông nghiệp Việt Nam không chỉ có vấn đề trong nội tại, mà vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm cũng đang hết sức đáng báo động, có nguy cơ đầu độc cả xã hội.
Theo bà Lan, trong hội nhập, áp lực đối với ngành nông nghiệp không phải là vấn đề thuế mà chính là chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và hàng rào kỹ thuật.
“Đây là những vấn đề lớn, phức tạp và có thể nảy sinh liên tiếp ở mọi thời điểm. Nếu chúng ta không đủ khả năng vượt qua những vấn đề này thì sẽ rất khó để xuất khẩu được” – bà Lan lo ngại.
Cũng theo vị chuyên gia này, gần đây khi nói về Việt Nam hưởng lợi nhờ gia nhập TPP, chúng ta thường nhấn mạnh Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất. Nhưng đó chỉ là nói tỷ trọng tăng trưởng xuất khẩu hoặc GDP so với nước khác.
“Chúng ta phải biết rằng Việt Nam là nước nhỏ nhất trong TPP. 10% Việt Nam đạt được có khi không bằng 1% các nước thành viên TPP khác đạt được. Do vậy, đừng nói vào TPP Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất bởi chúng ta sẽ không thấy được mình đang ở đâu và mình cần làm gì" - bà Lan nói.
Về vấn đề hưởng lợi, bà Lan đặt câu hỏi: Ai là người hưởng lợi chính khi Việt Nam gia nhập TPP?
"Xuất phát từ thực tế Việt Nam có những ngành phát triển tốt như xuất khẩu gạo, cà phê, thuỷ sản, hạt điều, gỗ… nhưng tôi cứ băn khoăn thứ hạng cao thật sự mang lại gì cho Việt Nam?" - bà Lan trăn trở.
Theo Tri Thức Trẻ