Six Senses Ninh Vân Bay Nha Trang. |
Lý thuyết về chiến lược cạnh tranh có 3 chiến lược chính gồm: Dẫn đầu về chi phí - Khác biệt hóa - Chiến lược tập trung. Trong 3 loại hình này, việc lựa chọn tấn công vào thị trường ngách là một loại đặc biệt của chiến lược tập trung. Không ít doanh nghiệp trên thế giới và cả Việt Nam mặc dù sinh sau đẻ muộn nhưng gặt hái thành công lớn nhờ chiến lược đi vào thị trường ngách.
Ông trùm đầu mối thực phẩm cho khách sạn 5 sao
Theo công bố của tạp chí Forbes, thị trường các sản phẩm xúc xích, thịt nguội cung cấp cho khối Horeca (Khách sạn, nhà hàng, dịch vụ ăn uống) cao cấp hiện nằm trong tay doanh nghiệp hiếm được người tiêu dùng biết đến có tên NH Foods Vietnam, vốn được biết đến với tên gọi trước đây là Nippon Golden Pig.
Đây là công ty thuộc tập đoàn chế biến thực phẩm Nipponham của Nhật Bản. Thế nhưng khởi đầu của đế chế này lại là một doanh nghiệp nội địa kín tiếng có tên Golden Pig (hay Con heo vàng).
Nhà sáng lập Nguyễn Hữu Chung. |
Golden Pig là doanh nghiệp có lịch sử lâu đời trong ngành thịt chế biến tại Việt Nam với việc là đối tác cho những khách hàng là những đối tác 5 sao như Sheraton, Hyatt, Hilton, Intercontial, Furama (Đà Nẵng), The Nam Hai, Six Senses,…
Việc đáp ứng được yêu cầu khắt khe của những khách hàng cao cấp này là bảo chứng về uy tín chất lượng, từ đó nhà sáng lập Nguyễn Hữu Chung của công ty này tiếp tục cung ứng cả suất ăn trên máy báy. Golden Pig là đối tác cung cấp các sản phẩm qua chế biến cho Công ty liên doanh sản xuất bữa ăn trên máy bay (Vietnam Air Caterers), liên doanh giữa Vietnam Airlines và Cathay Pacific. Ngoài ra sản phẩm của công ty này còn có mặt trong những chuỗi thức ăn nhanh như Pizza Hut, Lotteria, Subway, KFC,…
“Miếng thịt” ngon nhưng khó nhằn
Năm 1993, ông Chung thành lập công ty TNHH Phú Công Minh (tiền thân của Con heo vàng) chuyên sản xuất thịt qua chế biến với đầu tư lớn nhập khẩu hương liệu từ Đan Mạch và máy xử lý nhiệt tương tự Vinamilk. Ngay từ đầu, công ty này đã xác định tập trung vào nhóm khách hàng là các khách sạn 5 sao. Đến năm 1995, Phú Công Minh nhập khẩu và lắp ráp dây chuyền sản xuất, cùng với lời khuyên về công thức và quá trình chế biến của giáo sư Zwiebel Roger.
Năm 1996, ông Chung có quyết định táo bạo là bằng mọi cách gặp gỡ bếp trưởng Albert Cleay của khu nghỉ dưỡng Furama Đà Nẵng dù không hẹn trước. Trước sự quyết tâm của ông Chung, vị bếp trưởng miễn cưỡng tiếp khách trong 10 phút để rồi cuộc nói chuyện kéo dài tới 1 tiếng về văn hóa, ẩm thực từ Đông tới Tây.
Ông Chung cũng không quên giới thiệu sản phẩm gồm xúc xích, thịt muối, thịt dăm bông do công ty mình chế biến. Cuộc gặp gỡ này khởi đầu cho mối quan hệ hợp tác gần 20 năm giữa Con heo vàng và Furama đồng thời giúp sức cho việc tiếp cận các khách sạn 5 sao khác sau này của công ty.
Cơ duyên khiến ông Chung quyết định đi vào lĩnh vực ngách này là năm 1986, khi các doanh nghiệp lớn trong ngành bao bì như Tetra Park, Alfa Laval (Thụy Điển) bắt đầu tìm đến thị trường Việt Nam, ông Chung đã trở thành đối tác của họ, phụ trách nghiên cứu thị trường nội địa.
Dự đoán Việt Nam cũng sẽ có nhiều khách sạn, nhà hàng phục vụ người nước ngoài khi đất nước mở cửa, ông Chung quyết định sang Pháp mua máy móc, dây chuyền chế biến về nước. Tại đây, ông được một nhà cung cấp đồng ý cho trả trước 30% và trả chậm trong 3 năm và giúp đỡ tiếp cận công nghệ chế biến thực phẩm của Pháp.
Thông thường chi phí thực phẩm và đồ uống ở các khách sạn 5 sao chiếm khoảng 5-6% giá phòng, đồng thời do yêu cầu khắt khe theo tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng nên trở thành đối tác cho hệ thống này là miếng thịt ngon nhưng khó nhằn với nhiều công ty chế biến thực phẩm trong nước lúc bấy giờ.
Bên cạnh đó đơn hàng với khối lượng nhập khoảng vài chục kilogram nhưng đòi hỏi về chất lượng, đa dạng về sản phẩm khiến các doanh nghiệp chế biến thực phẩm lớn từ chối và hiếm công ty nhỏ không có công nghệ khó đáp ứng được. Vì vậy quyết định mạo hiểm đầu tư cho chất lượng và sự quyết tâm của ông Chung được xem là bí quyết thành công cho Con heo vàng.
Với sự thành công của Con heo vàng, đến năm 2010, tập đoàn Nipponham để mắt tới và sang năm 2011 ông Chung quyết định hợp tác nhằm cứu công ty khỏi khó khăn tài chính giai đoạn khủng hoảng và giữ lại 17% cổ phần, công ty liên doanh mới được hình thành với tên gọi Nippon Golden Pig. Tháng 5 năm 2014, công ty này đổi tên thành NH Food Vietnam, là 1 chi nhánh của tập đoàn Nipponham trên thế giới.
Phải nói thêm, tập đoàn này được thành lập năm 1942 và hiện đứng số 1 ngành công nghiệp thịt chế biến tại Nhật và thứ 5 trên thế giới. Hiện Nipponham hoạt động trong 5 mảng kinh doanh chính gồm: Chế biến thịt tươi, thực phẩm qua chế biến, sản phẩm hải sản, sản phẩm sữa và các hoạt động khác như thực phẩm chức năng, IT, đầu tư thể thao.
Hai lý do khiến ông Chung quyết định bán Con heo vàng cho đối tác Nhật được ông chia sẻ là do không có người thừa kế sản nghiệp do hai người con của ông không thích điều này và muốn tìm được đối tác lớn để duy trì thương hiệu sau thời gian dài gây dựng.
“Mình phải cứu “thằng con” của mình, phải gả nó cho gia đình giàu có, có ăn học, cùng ngành nghề để thương hiệu còn mãi. Thà mình ăn phần nhỏ của bánh lớn còn hơn ăn không hết bánh lớn để nó hư”, ông Chung từng chia sẻ.
Theo CafeBiz