Chính phủ vừa ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều của Bộ Luật Lao động về chính sách đối với lao động nữ, có hiệu lực từ ngày 15/11.
Theo khoản 2 điều 7, lao động nữ trong thời gian "đèn đỏ" được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu là 3 ngày trong một tháng. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Ảnh minh họa |
Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ.
Đối với lao động nữ trong thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi được nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc để cho con bú, vắt, trữ sữa, nghỉ ngơi. Thời gian nghỉ vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.
Nghị định quy định rõ, người sử dụng lao động lắp đặt phòng vắt, trữ sữa mẹ phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc, nhu cầu của lao động nữ và khả năng của người sử dụng lao động.
Chính phủ cũng khuyến khích người sử dụng lao động tạo điều kiện để lao động nữ nuôi con từ 12 tháng tuổi trở lên vắt, trữ sữa mẹ tại nơi làm việc. Thời gian nghỉ do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động.
Nghị định quy định khi khám sức khỏe định kỳ, lao động nữ được khám chuyên khoa phụ sản theo danh mục khám chuyên khoa phụ sản do Bộ Y tế ban hành.
Bác sĩ sản phụ khoa – nam khoa Nguyễn Bá Hưng cho hay, chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ lặp lại theo tháng, mỗi kỳ kéo dài từ 3-7 ngày. Đây là giai đoạn mệt mỏi, khó chịu nhất của phụ nữ, thậm chí nhiều người bị đau dữ dội, không thể làm gì. Do đó, giai đoạn này, chị em nên được nghỉ ngơi.
Đồng quan điểm, thạc sĩ, lương y đa khoa Vũ Quốc Trung cũng cho rằng có hai yếu tố khiến chị em cần được quan tâm hơn trong ngày “đèn đỏ” bao gồm vấn đề vệ sinh cá nhân – tức họ cần có thêm thời gian để làm việc này và vấn đề sức khỏe.
Theo quan điểm của các chuyên gia, tăng thời gian nghỉ cho chị em thêm 30 phút một ngày trong giai đoạn "đèn đỏ" là một sự quan tâm và hỗ trợ tốt cho họ.
Theo Zing