77 công việc bị cấm sử dụng lao động nữ

Thứ tư, 18/12/2013, 09:13
Bộ Lao động vừa quy định về 77 công việc không được sử dụng lao động nữ, trong đó có việc phải mang vác trên 50kg, làm việc trong tư thế gò bó hay thường xuyên ngâm mình dưới nước bẩn hôi thối...

Thông tư 26 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành danh mục các công việc không được sử dụng lao động nữ có hiệu lực từ ngày 15/12.

35 công việc trong số này được cho là có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh đẻ và nuôi con. Đó là trực tiếp nấu chảy và rót kim loại nóng chảy ở các lò điện hồ quang từ 0,5 tấn trở lên, lò quay bilo (luyện gang), lò bằng (luyện thép), lò cao; cán kim loại nóng (trừ kim loại màu); đốt lò luyện cốc; hàn trong thùng kín, hàn ở vị trí có độ cao trên 10m so với mặt sàn công tác; khoan thăm dò, khoan nổ mìn bắn mìn, cậy bẩy đá trên núi; làm việc theo ca thường xuyên ở giàn khoan trên biển (trừ dịch vụ y tế - xã hội, dịch vụ ăn ở); lái máy thi công hạng nặng có công suất lớn hơn 36 mã lực như: máy xúc, máy gạt ủi, xe bánh xích (trừ các máy có hỗ trợ thủy lực); các công việc phải mang vác trên 50kg; khảo sát đường sông ở những vùng có thác ghềnh cao, núi sâu nguy hiểm...

moccong6-1349844599-480x0-4416-138727978

Công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối (từ 4 giờ trong một ngày trở lên, trên 3 ngày trong một tuần) bị cấm sử dụng lao động nữ.

Một số công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước, công việc làm thường xuyên dưới hầm mỏ cũng không được sử dụng lao động nữ gồm: đổ bê tông dưới nước; thợ lặn; nạo vét cống ngầm (trừ nạo vét tự động, bằng máy); công việc phải ngâm mình thường xuyên dưới nước bẩn hôi thối (từ 4 giờ trong một ngày trở lên, trên 3 ngày trong 1 tuần); đào lò, đào lò giếng; các công việc trong hầm mỏ (trừ dịch vụ y tế - xã hội và các công việc đột xuất theo yêu cầu quản lý điều hành, nhưng phải tuân thủ theo đúng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện hành về an toàn và các quy định về tiêu chuẩn sức khỏe đối với lao động làm việc trong hầm mỏ).

Bên cạnh đó, 39 công việc khác cũng được Bộ Lao động quy định không được sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi bao gồm: các công việc ở môi trường bị ô nhiễm bởi điện từ trường vượt mức quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép (như công việc ở các đài phát sóng tần số radio, đài phát thanh, phát hình và trạm vệ tinh viễn thông); trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất trừ sâu, trừ cỏ, diệt mối mọt, diệt chuột, trừ muỗi có chứa Clo hữu cơ và một số hóa chất có khả năng gây biến đổi gen và ung thư; trực tiếp tiếp xúc với các hóa chất ảnh hưởng xấu tới thai nhi và sữa mẹ.

Các công việc mang vác nặng trên 20kg; công việc phải ngâm mình dưới nước bẩn, dễ bị nhiễm trùng; công việc có tư thế làm việc gò bó, trong không gian chật hẹp có khi phải nằm, cúi, khom... cũng bị cấm sử dụng lao động nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bà Nguyễn Kim Lan, chuyên gia về giới (Văn phòng Tổ chức Lao động Quốc tế tại Việt Nam) cho rằng, một mặt thông tư 26 nhằm bảo vệ sức khỏe của phụ nữ, nhưng mặt khác, văn bản này lại không bình đẳng với nam giới bởi nó không đề cập đến việc bảo vệ sức khỏe sinh sản của nam giới. Đã có bằng chứng cho thấy một bộ phận công nhân nam làm việc vất vả trong những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, như tiếp xúc với hóa chất, đã bị ảnh hưởng về sức khỏe sinh sản, hoặc ảnh hưởng đến sức khỏe của con cái khi họ có con.

"Cách tiếp cận bình đẳng nhất là phải nâng cao vệ sinh an toàn lao động và điều kiện làm việc cho người lao động kể cả nữ và nam. Không nên cấm phụ nữ làm một số ngành nghề trừ khi những công việc đó có ảnh hưởng rõ ràng đến chức năng sinh sản, mang thai và cho con bú", bà Lan đề nghị.

Theo vị chuyên gia về giới, trong thời gian qua, khi một số công nghệ trong một vài ngành nghề (đặc biệt là công nghiệp) ở nước ta còn lạc hậu, những biện pháp này có thể là hữu dụng và cần thiết để bảo vệ sức khỏe sinh sản của nữ lao động và nòi giống tương lai.

Bà Lan cho rằng thông tư 26 có vẻ như chưa tính đến những nhu cầu chiến lược về tăng quyền cho phụ nữ và tiềm năng cải tiến công nghệ để giải quyết các vấn đề về sức khỏe. Trên thực tế, phụ nữ có thể mất đi những cơ hội việc làm do những quy định mới này.

"Nhiều nữ công nhân có sức khỏe tốt, không mang thai hoặc đang không nuôi con nhỏ, mong muốn được làm những công việc này nhưng lại bị từ chối chỉ vì người thuê lao động không muốn vi phạm pháp luật", bà nói.

Bà Lan cho rằng rất nhiều nữ lao động trẻ sống độc thân hoặc là trụ cột kinh tế của gia đình, không thể tìm được việc làm; nhiều phụ nữ trung niên và lớn tuổi hơn một chút nếu không có kỹ năng và bằng cấp, khi không còn bận rộn với con nhỏ và gia đình và vẫn còn đủ sức khỏe làm việc, có thể làm những công việc đơn giản nhưng vất vả với mong muốn có được thu nhập tốt. "Thông tư mới ban hành danh mục công việc không được sử dụng lao động nữ, kết quả là, phụ nữ có ít cơ hội làm việc và tạo thu nhập hơn, và nhiều người trong số họ có thể bị tái nghèo", bà Lan phân tích.

Theo VNE

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích