“Ai ăn cái của nợ này làm gì”
Ngay đầu con đường đi vào khu công nghiệp (KCN) Cầu Gáo (huyện Đan Phượng, Hà Nội), một cột khói đen xì tỏa ra làn hương liệu ngây ngấy, hăng hắc.“Bim bim Trung Quốc đấy, xưởng ở gần cuối đường. Quản lý, công nhân người Trung Quốc vẫn ra đây uống nước lúc giải lao. Ban đầu, khi xưởng mới về đây, thấy mùi bim bim, người lớn, trẻ con đua nhau hít ngửi nhưng rồi càng ngày càng thấy ngấy, nhất là buổi trưa oi nắng thì đau đầu phải biết”, chị Hoa, chủ quán nước đầu KCN nói.
Theo lời chị Hoa, xưởng bim bim đã có mấy năm nay, dân quanh vùng hễ nông nhàn là lại xin vào làm ở xưởng. “Người ở thì ít, người đi thì nhiều. Cực chẳng đã, không tìm được việc khác mới phải đi làm bim bim”, chị Hoa nói.
Không biển hiệu, cổng đóng kín mít, duy nhất chỉ có số điện thoại liên hệ in trên tấm băng rôn tuyển lao động là cầu nối với xưởng. Không đắn đo, tôi bấm điện thoại xin vào làm việc. Đầu kia, giọng một người phụ nữ: “Đang tuyển lao động làm bim bim, nhưng xưởng này đủ người rồi, chị qua xưởng mới tại KCN thị trấn làm nhé. Không có biển tên gì đâu, cứ đi thẳng vào, nói là cô Thủy giới thiệu”.
Xưởng tại KCN thị trấn Phùng nằm cách xưởng chính khoảng 2km. Trái ngược với bên ngoài có vẻ tạm bợ bằng những miếng tôn ráp lại, xưởng bim bim bên trong có quy mô hoành tráng hàng trăm mét vuông với gần trăm công nhân, đa phần đều là nữ tất bật làm việc.
Đang loay hoay không biết di chuyển như thế nào trên nền nhà ướt nhẹp, dính nhép thì một chị công nhân nói: “Thay dép ra, đi đôi dép màu xanh ấy”. “Vậy là cũng có khâu khử trùng đấy”, ý nghĩ đó vừa lóe lên trong tôi, ngay lập tức bị dập tắt khi cùng lúc hai công nhân vô tư đi đôi dép xanh thẳng ra khu vệ sinh ngay sát cửa xưởng.
Đặt chân vào đôi dép dinh dính nhớp nháp, tôi bước vào khu xưởng chính. Nơi đây được ngăn cách thành hai khu riêng biệt: Bên ngoài là đóng gói dán mác, bên trong là khu máy sản xuất. Ngay đầu xưởng, dãy thùng sản phẩm chất cao đầy một gian nhà. Trên đó ghi tên: Công ty TNHH Vela Việt Nam: Hương Bò Béo.
Bất ngờ, một nhân viên xuất hiện, dò xét: “Gặp ai?”. Khi nghe tôi nói tới xin việc, nhân viên quản lý khá trẻ tên Y. bước ra nhìn tôi chốc lát rồi bảo: “Về đi, sáng mai 6h, chậm nhất là 6h30 đến, sẽ có người giao việc”.
“Làm việc gì?”, tôi hỏi lại.“Đóng gói bim bim”. Nói rồi, Y. chỉ sang bàn bên cạnh: “Đây là hàng dài, mai sẽ làm hàng xiên”.
Khi hỏi có cần giấy tờ gì không, Y. lắc đầu, ghi lại số điện thoại và cho tôi một mã số: “Chị phải nhớ mã số này để tính công hàng ngày”.
Lấy cớ học việc, tôi nán lại bàn bên cạnh với bốn nữ công nhân, bịt khẩu trang kín mít, đang thoăn thoắt xếp những thanh dài nửa gang như chiếc nem chua rán song lại được tẩm ướp màu đỏ bắt mắt. Cầm thử một thanh lên, bóp lại nước mỡ và hương liệu phòi ra, vừa xốp vừa dai, tôi hỏi: “Cái này ăn ngon không các chị?”.
Nghe tôi hỏi, cả bốn người cùng ngước mắt lên nhìn ngạc nhiên: “Ai ăn cái của nợ này làm gì! Nhưng mà thấy bảo bọn trẻ con thích lắm vì nó cay cay ngọt ngọt”, một chị cất tiếng trả lời.
Khi hỏi về thu nhập, một chị nói: “Nhìn thế này thôi nhưng không dễ xơi đâu. Xếp 100 hộp, mỗi hộp 60 thanh mới được 35 nghìn. Mai làm hàng xiên thì tính theo cân que. Mới học việc thì ngày cũng chỉ được vài ba chục thôi. Liệu sức chọn việc khác mà làm cho đỡ phí”.
Chỉ ngửi mùi cũng đã đau đầu
Dù chưa đến 7h tôi đã có mặt song cả xưởng đã ai vào việc nấy, tất bật tranh nhau làm như sợ “mất hàng”. Trên những dãy bàn, hàng đống bim bim cao ngang mặt người ngồi. Thi thoảng, lại có tiếng thúc: “Làm nhanh tay lên”. Được biết, mùa làm bim bim cao điểm từ tháng 9 tới tháng 2 năm sau. Đây cũng là thời điểm xưởng làm hết công suất, liên tục tuyển lao động cho kịp “tiến độ”.
Vừa thấy tôi, Y. tỏ vẻ không hài lòng vì đến muộn. Sau đó, cô gọi nhân viên tên L. ra hướng dẫn tôi. Theo chân L. đi lấy đồ, tôi có dịp quan sát kho chứa đồ. Tất cả nguyên liệu từ bột, hương liệu tới cả những bó tăm xiên đều dán mác chữ Trung Quốc.
Ngày 16/9, Tổ công tác Y8/141 Công an TP Hà Nội phát hiện chiếc xe ôtô tải BKS 29C-305.18 chở 30 thùng carton, bên trong là các hộp nhựa (khoảng 900 hộp) đựng thực phẩm ăn liền (giống nem chua). Toàn bộ các hộp thực phẩm này đều được dán nhãn mác Hương Bò Béo. Tại thời điểm kiểm tra, lái xe Nguyễn Chí Đương (24 tuổi, ở xã Minh Khai, huyện Hoài Đức) không xuất trình được giấy tờ liên quan đến lô hàng. |
Giữa tiếng máy chạy ầm ầm xen hệ thống quạt gió bật hết công suất, cái mùi hương liệu ngây ngấy đậm đặc xộc thẳng vào mũi, khiến tôi có cảm giác ngột ngạt đến tức ngực. Cân đủ 2kg tăm xiên đưa cho tôi, L. nói, hôm nay làm hàng xiên, mỗi kg que xiên sẽ được trả 50 nghìn đồng. Nói là vậy, tính ra mỗi cân có hàng nghìn chiếc.
Thấy tôi tỏ vẻ khó chịu với mùi bim bim, L. động viên: “Em là người mới, phải cố lên, ai cũng phải mất mấy ngày đầu mới quen được. Trước đây chị mới làm buồn nôn, đau đầu, đã tính xin nghỉ rồi nhưng vì không tìm được việc khác đành quay trở lại!”. L. cho biết, hầu hết lao động ở đây đều làm thời vụ theo tháng, rất ít người gắn bó được một năm trở lên.
Hướng dẫn tôi, L nói: “Mỗi xiên phải đúng 7 viên, thừa hay thiếu đều không được tính. Làm nhanh nhưng phải cẩn thận kẻo chọc vào tay, hôm trước có người không may đâm thủng lòng bàn tay, phải đi mổ mất tiền triệu”.
Khi làm việc, tất cả nhân viên được yêu cầu phải đi găng tay. Tuy nhiên, những viên bim bim trơn, que xiên nhọn nên để giảm độ ma sát, mỗi góc bàn lại được “bố trí” búi giẻ lau đen sì nhánh mỡ để công nhân lau chùi... Làm tới gần trưa, găng tay của tôi nát bươm, mỡ, hương liệu ngấm vào da tay gây cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Đầu ngón tay cầm xiên đã bắt đầu tê cứng. Thấy vậy, chị H. ngồi bên cạnh mách nước: “Làm hàng xiên phải biết cách phòng thân, đi thêm găng tay len vải vào, quấn thêm rẻ ở các đầu ngón tay nữa”.
Trong lúc làm, thi thoảng lại có người nhỡ tay đánh rơi bim bim xuống đất, rồi lại nhặt lên xếp ngay ngắn vào giá. Tới lượt mình đánh rơi, tôi toan vứt đi, người làm cùng nhắc: “Đừng vứt bỏ, chủ nói đấy, trừ khi hàng bị cháy, lỗi thì gom vào một chỗ, cuối giờ chiều có người đi thu về để bán lại đấy”.
Đang làm, bỗng có hai thanh niên khiêng xô nguyên liệu lặc lè đi vào khu sản xuất, H. chỉ, người Trung Quốc đấy: “Chỉ có người Trung Quốc, người làm tin cậy mới được vào khu chế biến”. Theo đó, chỉ trừ khi nhập nguyên liệu, chuyên gia Trung Quốc rất ít khi lộ mặt ra ngoài.
Giờ nghỉ, lấy cớ uống nước, tôi tiến vào khu máy sản xuất thì có tiếng gọi thất thanh: “Làm gì đấy, công nhân thường không được vào khu này, bị phạt đấy”. Vậy là kế hoạch thâm nhập khâu sản xuất của tôi dường như thất bại.
Theo Báo Giao Thông