'Người cá' ở Côn Đảo và những lần chết đi sống lại

Thứ ba, 03/11/2015, 09:35
Anh Hiếu được đánh giá là thợ lặn giỏi nhất huyện đảo, có thể lặn sâu 60m. Nhiều hôm anh trầm mình dưới đáy đại dương từ 6 đến 15 tiếng.

Ngô Văn Hiếu, năm nay 41 tuổi, sinh ra và lớn lên ở xứ biển. Cha anh từ Huế vào Sài Gòn rồi ra Bà Rịa - Vũng Tàu lập nghiệp, kết hôn với người phụ nữ Khmer tên Kim Thị Tias và cả hai đến Côn Đảo khi ông được phân công làm nhiệm vụ nơi đảo xa. Tuổi thơ của Hiếu gắn liền với những ngày lặn ngụp dưới đáy đại dương để bắt ốc, tìm ngọc trai. Mưu sinh sớm, Hiếu bỏ học năm lớp 7 để cùng nhóm bạn bám biển.

"Nhiều lần tôi xin được việc cho Hiếu, muốn nó làm công nhân xây dựng công trình giao thông nhưng cậu ấy quá mê đi biển, không chịu lên bờ", chị của Hiếu, 42 tuổi, chia sẻ.

Theo một cán bộ phụ trách thủy sản ở Côn Đảo, anh Hiếu được đánh giá là thợ lặn giỏi nhất huyện đảo. Anh có thể lặn biển sâu 60 m mà không cần mang theo chì để kéo chìm cơ thể. Để thở, anh ngậm ống khí dài hàng chục mét xuống biển, ống khí này nối với bình dưỡng khí đặt trên ghe. Nhiều khi bình dưỡng khí ở trên gặp vấn đề, dây truyền khí xuống cho thợ lặn bị đứt, xoắn... Hiếu sẽ bị mất dưỡng khí, phải tìm cách trồi lên mặt nước ngay, nhưng nếu trồi nhanh quá sẽ bị áp lực ép, rất nguy hiểm.

Khi còn khỏe mạnh, nhiều ngày Hiếu trầm mình dưới đáy đại dương từ 6 đến 15 tiếng. "Trước đây, tôi sống dưới đáy biển hơn nửa ngày là chuyện bình thường. Ban đêm, tôi hay lặn tìm ngọc trai từ 20h đến 4h sáng hôm sau. Những lúc đói, tôi bắt ốc ăn sống dưới đó để có năng lượng", anh Hiếu nói.

Sau những chuyến đi biển, Hiếu mang hải sản ra chợ Côn Đảo bán rồi vào quán ăn mì, hủ tiếu. Tại đây, anh quen một cô gái nhỏ hơn mình 10 tuổi và họ cưới nhau sau 3 năm tìm hiểu. Về nhà chồng năm 2001, một năm sau, thiếu phụ quê Cần Thơ sinh cho anh Hiếu một đứa con trai. Khi có con, chị này nghỉ phụ giúp quán ăn, ở nhà nội trợ và chăm sóc mẹ chồng già yếu.

Anh Tuấn (áo vàng) động viên anh Hiếu cố gắng buông tay ra khỏi hai thanh tre để tập đứng.

Cuối tháng 3/2006, anh Hiếu lặn mò ngọc trai ở độ sâu 62m gần Hòn Đèn (Côn Đảo). Hơn một giờ làm việc, thợ lặn này tìm được 20 con trai được cho là có ngọc. Lúc đó, ống hơi trên tàu dẫn xuống đáy đại dương bị xoắn khiến anh mất dưỡng khí. "Ở độ sâu như tôi lặn lúc đó, muốn trồi lên mặt nước phải mất khoảng 45 phút mới an toàn. Bình thường, cứ nổi lên khoảng 10m thì phải dừng lại 10 phút để cân bằng áp suất. Nhưng lần đó, lúc bị mất dưỡng khí, tôi trồi lên quá nhanh, chỉ khoảng 3 phút nên 'chết điếng', đầu như nổ tung và tai lúc đó ù hết, chỉ toàn nghe tiếng trâu, ngựa", anh Hiếu kể.

Theo bà Tias, lúc được bạn tàu chở về nhà, con trai bà đã tắt thở. Chị gái của Hiếu thương em trai gặp nạn vì mưu sinh, đã vay tiền thuê trực thăng chở em vào Sài Gòn cấp cứu. Sau đó, Hiếu tỉnh lại nhưng liệt nửa người, tai điếc và không nói chuyện được.

"Gia đình càng buồn hơn khi vợ Hiếu bỏ chồng, bồng con 3 tuổi về đất liền chỉ sau một ngày em tôi gặp nạn. Sau này, biết Hiếu điều trị ở TP.HCM, vợ Hiếu có đến thăm một lần và để lại con để gia đình Hiếu đưa về Côn Đảo nuôi", người chị nói.

Nghị lực kiên cường

Lúc Hiếu bị nạn, ở Sài Gòn có một người ra vào Côn Đảo để làm dự án nuôi trai lấy ngọc. Quá trình tìm thợ lặn cho dự án, anh Hồ Thanh Tuấn, Tổng giám đốc một công ty kinh doanh ngọc trai đã biết được hoàn cảnh đáng thương của anh Hiếu. Vậy là doanh nhân trẻ này thường xuyên đến thăm, an ủi, động viên anh thợ lặn nghèo. Đây là cách tiếp thêm nghị lực cho Hiếu vượt qua nghịch cảnh.

“Hiếu có con trai gần bằng tuổi con tôi. Những lúc ra Côn Đảo làm việc, tôi luôn nhớ con ở nhà. Vì vậy, tôi biết được tình cảm cha con của Hiếu, họ không thể xa rời nhau. Tôi đưa tên anh ấy vào bảng lương của công ty để tháng nào Hiếu cũng có tiền ăn uống, điều trị”, anh Tuấn chia sẻ.

Một đêm cuối thu 2009, Hiếu giật mình thức giấc và thấy con trai nằm khóc bên cạnh. Sáng hôm sau, người thợ lặn đang phải bất động này đã cố gắng tìm cách xoay chuyển cơ thể để vượt qua bệnh tật vì nghĩ rằng, cuộc đời này con trai của anh không thể thiếu đi đấng sinh thành. Nhiều tháng liền, ngày nào Hiếu cũng cố gắng nắm thanh giường ngồi dậy nhưng bất thành. Kiên trì tập mỗi ngày hơn chục lần suốt nửa năm, cuối cùng Hiếu nhấc lưng lên khỏi chiếu khoảng 5cm.

"Khi lưng nhấc lên khỏi giường, mặt mày tôi xây xẩm nên buông tay. Nhiều đêm, tôi có suy nghĩ là nếu sống đời thực vật thế này sẽ là gánh nặng cho gia đình. Bằng mọi cách phải cố gắng ngồi dậy", Hiếu chia sẻ.

Từ đó, không chỉ tập ngày mà "người cá" còn tập ngồi ban đêm. Mỗi ngày, anh Hiếu cố gắng gồng tay, nhấc người lên thêm một chút. Đến cuối năm 2010, anh tự ngồi được trong niềm vui vỡ òa của người thân.

Lúc này, bạn bè tặng Hiếu chiếc xe lăn để anh di chuyển trong nhà. Khi chị và mẹ đi vắng, anh tìm cách ra sau vườn để chặt cây, kéo đến trước sân tự dựng hàng rào tập đứng.

"Những ngày đầu, dù cố gắng nắm chặt thanh tre hai bên để tập đứng nhưng không được. Không đầu hàng số phận, ngày nào tôi cũng tập, cố nhúc nhích đôi chân, tìm cách đẩy mông lên. Kiên trì suốt bốn năm liên tục, bây giờ tôi đã đứng được và buông tay khỏi thanh tre để vỗ tay vài cái", anh Hiếu nói.

Nhớ vợ, anh Hiếu đã tự sáng tác hàng trăm bài thơ.

Ngoài việc luyện thể lực, anh Hiếu tập làm thơ tình mỗi khi nhớ vợ. Nhiều tập thơ do anh tự sáng tác với hàng trăm bài đã giúp người đàn ông này động não. Những lúc cầm viết ghi thơ đã giúp tay anh cử động như tập vật lý trị liệu.

"Để tay cử động thường xuyên, tôi ra vườn đào đất mang vào nhà nặn tượng. Tai tôi giờ đã nghe rõ, hai tay đưa được lên khỏi đầu. Từ ngày gặp được vợ chồng anh Tuấn, họ tiếp thêm nghị lực nên tôi đã hết buồn chán, cố gắng tập luyện để có thể đi đứng bình thường trở lại", người thợ lặn chia sẻ.

Theo Ngôi Sao

Các tin cũ hơn