UBND TP.HCM vừa phê duyệt dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu cổ đại (thuộc Khu công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc, quận 9) theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao) với tổng vốn đầu tư hơn 936 tỷ đồng. Dự án sẽ được khởi công trong tháng 12 và dự kiến hoàn thành sau 3 năm xây dựng.
Theo đó, có hơn 25ha được san nền; xây mới hơn 8km đường bêtông nhựa nóng, lòng đường rộng 6-64m; xây đường đi bộ; bãi đậu xe; cây xanh vỉa hè, cây xanh công viên, hệ thống tưới nước, chiếu sáng; cầu bêtông cốt thép (qua rạch Đồng Tròn); nạo vét rạch, bờ kè hồ và bờ kè rạch...
Công viên Lịch sử văn hóa các dân tộc - công trình văn hóa lớn của TP.HCM. |
Về phương thức thu hồi vốn, sau khi xây dựng hoàn thành công trình, nhà đầu tư chuyển giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý, khai thác và được thanh toán bằng quỹ đất để thực hiện dự án khác (dự án Xây dựng Khu Du lịch sinh thái tại Khu đất Cù lao Bà Sang).
Dự án Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc được Ban thường vụ Thành ủy TP.HCM lên ý tưởng từ năm 1992, nhằm tái hiện những cột mốc lịch sử - văn hóa của dân tộc làm điểm tựa cho công tác giáo dục lý tưởng, phát huy truyền thống dân tộc trong thế hệ trẻ và tạo điều kiện giới thiệu giao lưu văn hóa Việt Nam với nước ngoài.
5 năm sau, dự án được Thủ tướng phê duyệt năm 1997 với tổng diện tích đất xây dựng 408ha (381ha thuộc phường Long Bình, quận 9, TP.HCM) diện tích còn lại thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An (Bình Dương) và được khởi công vào năm 1998.
Công viên gồm các công trình giới thiệu những sự kiện lịch sử và những công trình văn hóa tiêu biểu của dân tộc từ thời các vua Hùng dựng nước đến thời đại Hồ Chí Minh. Đồng thời xây dựng các công trình sinh hoạt văn hóa, vui chơi giải trí và cảnh quan. Kèm theo việc xây dựng mỗi khu vực là hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật đồng bộ và các công trình có quy mô thích hợp.
Theo quy hoạch công viên có 4 khu chức năng gồm: Khu cổ đại rộng 80ha; Khu Trung đại 33ha; Khu Cận hiện đại 30ha và Khu sinh hoạt văn hóa 265ha, bao gồm Cù Lao Bà Sang (40ha). Khu Tưởng niệm các vua Hùng (giai đoạn 1) đã được khánh thành hồi tháng 4/2009 là nơi tổ chức các lễ hội, các chương trình biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt văn hóa, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc của các thế hệ, đặc biệt là nơi tôn nghiêm tổ chức lễ Giỗ Tổ hàng năm tại TP.HCM.
Theo Dân Trí