Theo phương án vừa được Bộ Tài chính thống nhất đề xuất lên Chính phủ, việc điều chỉnh tăng lương hưu sẽ áp dụng đối với những người nghỉ hưu trước tháng 4-1993. Nếu được Quốc hội thông qua tại kỳ họp này, chính sách mới sẽ áp dụng từ ngày 1/1/2016.
Hai phương án tăng lương hưu, trợ cấp
Trước đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) gửi Bộ Tài chính 2 phương án xử lý lương hưu để tổng hợp, báo cáo Chính phủ.
Cụ thế, phương án 1 điều chỉnh tăng lương hưu thêm 250.000 đồng/tháng với những người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng; điều chỉnh tăng lương hưu thêm 150.000 đồng/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng. Mức lương sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/người/tháng. Với phương án này, sẽ có 433 người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 và 212.556 người mất sức lao động được điều chỉnh tăng thêm với tổng kinh phí điều chỉnh 445,5 tỉ đồng/năm, do ngân sách nhà nước chi trả.
Phương án 2 là điều chỉnh tăng lương hưu thêm 250.000 đồng/tháng đối với người nghỉ hưu cả trước và sau tháng 4/1993 có mức lương dưới 2 triệu đồng/tháng; điều chỉnh tăng thêm 150.000 đồng/tháng đối với người hưởng trợ cấp mất sức lao động và trợ cấp hằng tháng đối với cán bộ xã có mức trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng. Mức hưởng sau điều chỉnh không quá 2 triệu đồng/người/tháng. Với phương án 2, có tổng cộng 319.125 người được điều chỉnh tăng lương, gồm 433 người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 và 96.806 người nghỉ hưu từ tháng 4/1993 đến tháng 12/2015; 212.556 người trợ cấp mất sức lao động và 9.330 cán bộ xã hưởng trợ cấp được điều chỉnh tăng thêm. Tổng kinh phí điều chỉnh 586,6 tỉ đồng/năm.
Theo Bộ LĐ-TB-XH, mức lương hưu bình quân của người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 hiện thấp hơn 11,7% so với mức lương hưu của những người nghỉ hưu sau tháng 4/1993 và thấp hơn 8,5% mức lương hưu bình quân chung. Cả nước đang có 86.426 người hưởng lương hưu và 212.556 người hưởng trợ cấp mất sức lao động ở mức dưới 2 triệu đồng/tháng.
Làm thủ tục nhận lương hưu tại BHXH TP.HCM Ảnh: Hoàng Triều |
Chiều 2/11, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Phạm Minh Huân cho rằng phương án 1 thể hiện sự quan tâm, chính sách đãi ngộ của nhà nước với người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 và phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước. “Đây đều là những đối tượng có quá trình công tác trong giai đoạn đấu tranh bảo vệ Tổ quốc và thời kỳ đầu xây dựng đất nước, khó khăn và thiệt thòi hơn những người làm việc sau này” - ông Huân nói.
Tuy nhiên, theo ông Huân, nếu chọn phương án 1, sẽ tạo sự so sánh đối với những người nghỉ hưu sau tháng 4/1993 có lương hưu thấp. Ngược lại, phương án 2 khắc phục được hạn chế của phương án 1, tức điều chỉnh tăng thêm cho cả người nghỉ hưu trước và sau tháng 4/1993. Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là không bảo đảm nguyên tắc đóng -hưởng, làm mất đi sự tương quan về mức lương hưu của người nghỉ hưu.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, ngân sách nhà nước bảo đảm chi trả lương cho người nghỉ hưu trước ngày 1/1/1995, Quỹ BHXH chỉ chi trả lương cho người nghỉ hưu từ ngày 1/1/1995 trở về sau. Do Luật BHXH năm 2014 không quy định khoản chi từ Quỹ BHXH đối với trường hợp điều chỉnh lương hưu thấp nên nếu chọn phương án 2 và điều chỉnh cả đối tượng nghỉ hưu sau ngày 1/1/1995 thì sẽ gặp nhiều vướng mắc, Chính phủ phải xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới quyết định được.
Đáng chú ý là sau khi Bộ LĐ-TB-XH đưa ra 2 phương án trên, Bộ Tài chính thống nhất chọn phương án 1. Theo quan điểm của bộ này, mức lương khi nghỉ hưu đối với những người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 thấp hơn so mức lương nghỉ hưu của thế hệ sau do có sự điều chỉnh chính sách thăng quân hàm giữa các thời kỳ. Chẳng hạn thời gian điều chỉnh một bậc lương trước đây thường hơn 5 năm, nhiều trường hợp trên 10 năm do chiến tranh, còn từ năm 1993 về sau là 3 năm. Thêm vào đó, giai đoạn sau nhà nước còn ban hành chính sách nâng lương trước hạn; chính sách thi ngạch chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp nên mức lương của cán bộ, công chức tăng nhanh hơn trước đó.
Giải thích lý do không chọn phương án 2, Bộ Tài chính cho rằng nếu chọn phương án này, từ năm 2016, sẽ có nhiều người nghỉ hưu có mức lương hưu thấp hơn 2 triệu đồng/tháng. Như vậy, nếu thực hiện điều chỉnh cho cả người nghỉ hưu sau tháng 4/1993 thì sẽ phải liên tục điều chỉnh đối với những người có mức lương thấp, kể cả đối tượng nghỉ hưu từ năm 2016 trở đi, dẫn đến vượt cân đối ngân sách.
“Đến nay, chưa thể biết phương án nào được chọn bởi phải chờ Quốc hội quyết định” - ông Huân nói. Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua phương án đề xuất của Chính phủ để áp dụng kể từ ngày 1/1/2016.
2.658 người hưởng lương hưu chỉ 804.000 đồng/tháng
Theo Bộ LĐ-TB-XH, hiện cả nước có hơn 2,15 triệu người hưởng lương hưu với mức bình quân 3,92 triệu đồng/tháng. Trong số này có 638.000 người nghỉ hưu trước tháng 4/1993 và 1,512 triệu người nghỉ hưu sau tháng 4-1993. Riêng số hưởng lương hưu và trợ cấp dưới 2 triệu đồng/tháng có 308.312 người, trong đó 2.658 người hưởng lương hưu chỉ 804.000 đồng/người/tháng. Trong giai đoạn 2003-2007, Chính phủ đã 5 lần điều chỉnh lương hưu với mức tăng từ 164,8% đến 228,8% (tùy thuộc vào mức lương khi nghỉ hưu và thời điểm nghỉ hưu) so với mức lương hưu của tháng 12-2002, trong đó người nghỉ hưu trước tháng 9-1985 và trước tháng 4-1993 được điều chỉnh với tỉ lệ cao hơn những người nghỉ hưu ở giai đoạn từ tháng 4-1993 trở về sau. Trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Chính phủ cũng đã 8 lần điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng với mức tăng thêm 178% so với cuối năm 2007. |
Theo NLĐ