Đại biểu Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên). |
Phát biểu tại hội trường Quốc hội ngày 2/11, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng - Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội - cho biết, những năm trước chúng ta tăng trưởng với tốc độ khá cao 7 - 8%, nhưng lạm phát cũng gần 20% nên người dân có thực sự được hưởng thành quả đó không lại là chuyện khác.
“Năm nay tuy chỉ tăng trưởng 6,5% nhưng giữ được lạm phát ở mức độ khoảng 2%. Tôi cho đây là điều rất có ý nghĩa”- ông Hùng nói.
Ông Hùng đặc biệt quan tâm tới vấn đề năng suất lao động, bởi đây là 1 trong 9 chỉ tiêu kinh tế - xã hội không đạt kế hoạch của giai đoạn 2011 - 2015 (chỉ đạt 22% trên kế hoạch là 29 - 32%) và là yếu tố rất quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững, thực chất của nền kinh tế nói riêng cũng như của đất nước nói chung.
“Vừa rồi, tôi thấy có một số quan điểm hình như đi tìm nguyên nhân từ phía người lao động, nhất là vấn đề tiền lương tối thiểu. Dường như năng suất lao động thấp thì người lao động phải chịu trách nhiệm. Do vậy, mức lương tối thiểu vùng của năm tới không nên quá 10%. Tôi cho rằng không thể đổ lỗi hoàn toàn cho người lao động, vì người Việt Nam có truyền thống cần cù, sáng tạo và rất nhiều phẩm chất tốt đẹp khác”- ông Hùng bày tỏ quan điểm.
Ông dẫn ra ví dụ, gần đây trên truyền hình có phát một phóng sự về một số chợ lao động ở Hà Nội. Cứ mỗi khi có một chiếc xe máy hoặc ôtô dừng lại thì cả nhóm người ùa đến với một hy vọng, khát khao có việc làm.
“Hàng triệu người lao động ở các khu công nghiệp, các doanh nghiệp khác cũng đang cần mẫn làm việc, sẵn sàng làm thêm giờ để tăng thêm thu nhập. Những con người như vậy lẽ nào là nguyên nhân chính của năng suất lao động thấp?”- ông Hùng nêu lý lẽ và khẳng định phải đi tìm nguyên nhân ở những lĩnh vực khác.
Theo ông Hùng, có 3 nguyên nhân chính dẫn tới năng suất lao động thấp: Một là do thiết bị, công nghệ lạc hậu; hai là quản trị doanh nghiệp ở nhiều doanh nghiệp, quản trị xã hội ở nhiều địa phương yếu kém; ba là tỷ lệ lao động được đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ còn thấp, chỉ đạt trên 20% - nguyên nhân này không phải lỗi hoàn toàn từ phía người lao động.
“Người Việt Nam ta có câu “Một người biết lo bằng cả kho người biết làm”, chúng ta còn ít người thực sự giỏi để biết lo. Đây cũng là nguyên nhân tạo nên năng suất lao động thấp”- ông Hùng nói.
Từ những phân tích nêu trên, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên đề nghị phải dứt khoát không nhập khẩu những thiết bị, công nghệ lạc hậu hoặc sắp lạc hậu. Chú trọng đổi mới công nghệ trong nước, nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp, quản trị xã hội. Đồng thời có cơ chế công khai, minh bạch trong tuyển dụng nhân lực để đảm bảo tuyển đúng người, đúng việc; đổi mới, nâng cao chất lượng đào nghề cho người lao động.
Theo Dân Trí