Nhìn lại nền kinh tế cách đây 9 năm khi Việt Nam gia nhập WTO, Đại biểu Trần Khắc Tâm cho biết đã có nhiều kỳ vọng lạc quan rằng kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 8 - 9%.
Tuy nhiên, trên thực tế những tác động của hội nhập cùng những yếu kém bên trong đã khiến cho nền kinh tế Việt Nam “nhiều phen lao đao”. Vị đại biểu cũng là lãnh đạo DN tại tỉnh Sóc Trăng thẳng thắn chỉ ra: Chúng ta nhận ra có nhiều khoảng trống lớn về thể chế pháp luật cần sửa đổi bổ sung.
“Chúng ta cũng nhận ra đội quân hội nhập nòng cốt là DN còn quá non nớt về thương mại quốc tế và thương mại toàn cầu. Có những lĩnh vực thế mạnh như sản xuất nông nghiệp cũng gặp thăng trầm, nghe nhiều điệp khúc “được mùa rớt giá”. Trong khi con tôm, cá tra bị áp đặt hàng rào thuế quan, hàng rào kỹ thuật bất bình đẳng, quá trình tích tụ đất đai khiến người dân mất đất, công nghiệp chưa đủ lớn để đón lao động của nông thôn” – Đại biểu Trần Khắc Tâm chỉ ra thực tế.
Từ góc nhìn của một lãnh đạo DN, Đại biểu Trần Khắc Tâm cho rằng dường như câu chuyện hội nhập và đàm phán các hiệp định thương mại tự do hiện nay chỉ như là việc của riêng Chính phủ mà chưa phải của DN, người dân và đặc biệt là phần lớn bộ máy công chức.
Dẫn chứng, theo điều tra gần đây, DN là đội ngũ tiên phong trong hội nhập nhưng có tới 76% không biết gì về Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và 60% nói AEC không ảnh hưởng gì.
Do đó, Đại biểu Trần Khắc Tâm cho rằng, để hội nhập thành công thì cần có thể chế và con người hội nhập. Hiện nay Quốc hội và Chỉnh phủ đã quyết tâm và quyết liệt cải cách thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở thông qua các luật quan trọng.
Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất là chúng ta chưa có con người hội nhập. Theo đại biểu Trần Khắc Tâm, quy định của pháp luật có tiến bộ đến đâu, nhưng nếu bị ảnh hưởng bởi hàng tá lệ làng, thói quen và sự quan liệu cửa quyền, sự thờ ơ vô cảm thì cơ hội của hội nhập cũng mất đi.
“Cái lắc đầu của vị chủ tịch ủy ban tỉnh, cái xua tay của ông giám đốc sở, sự chậm trễ, sách nhiễu của những cán bộ hành chính bình thường cũng có thể cướp đoạt đi cơ hội làm ăn của doanh nghiệp và người dân” – Đại biểu Trần Khắc Tâm nói.
Đồng thời, vị lãnh đạo DN Trần Liên Hưng cũng thẳng thắn nhìn nhận: “Chúng ta không thể hội nhập thành công nếu 63 tỉnh thành là 63 khu vực cát cứ mà không có sự phân công, liên kết. Trước đây các đại biểu đề cập tình trạng đề nghị sử dụng cát xi măng tỉnh, thì giờ còn có văn bản hành chính “uống bia tỉnh nhà”.
Trong bối cảnh “sức nóng” của TPP đang lan tỏa, Đại biểu Trần Khắc Tâm cho rằng nếu không nhận thức đẩy đủ cơ hội và thách thức, không cải thiện sức khỏe của DN và nền kinh tế VN, thì nền kinh tế Việt Nam vốn yếu nhất trong 12 nền kinh tế trong TPP, có thể hoàn toàn bị đánh chiếm và DN Việt Nam chỉ là người làm thuê trên chính sân nhà.
Trước những chia sẻ thẳng thắn và tâm huyết về việc tận dụng cơ hội khi Việt Nam hội nhập và tham gia TPP, bên hành lang Quốc hội chúng tôi đã có trao đổi với Đại biểu Trần Khắc Tâm để có cái nhìn đầy đủ hơn về vấn đề này.
Thưa ông, trong bài phát biểu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, ông có bày tỏ lo ngại về việc chúng ta chưa có con người hội nhập? Xin ông chia sẻ rõ hơn về điều này?
Hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Nhà nước đã cơ bản tương đối đầy đủ, nhưng cái chính là nội lực, con người, đặc biệt là cộng đồng DN, công chức. Cần phải có đột phá thì mới hội nhập tốt được.
Rút kinh nghiệm WTO trước đây, 9 năm trước ai cũng nói gia nhập WTO ta được lợi, nhưng ta không có sự chuẩn bị để hội nhập nên đã đánh mất cơ hội.
Do đó, cộng đồng DN phải chuẩn bị từ lúc này, Chính phủ và các bộ ngành có nhiều chính sách động viên thêm, thì mới giúp ta phát triển nếu không sẽ bị thua trên sân nhà.
Ông có nói đến vấn đề liên kết giữa các tỉnh thành hiện nay đang rất yếu kém. Điều này ảnh hưởng thế nào đến sức cạnh tranh của DN khi hội nhập?
Vấn đề liên kết rất quan trọng, không chỉ là liên kết giữa tập đoàn doanh nghiệp, mà các địa phương cũng phải liên kết thành hệ thống thật chặt. Chứ hiện nay, mỗi địa phương vẫn làm khác nhau, cuối cùng không mang lại hiệu quả.
Ủy ban tỉnh, các ủy ban phải quan tâm đến cộng đồng, làm tham mưu giúp địa phương. Thời gian vừa qua có một số hiệp hội bị bỏ rơi, thành lập ra nhưng Chính quyền không quan tâm, lắng nghe ý kiến hiệp hội, đối thoại với DN. Điều này sẽ làm ảnh hưởng lớn rất lớn phát triển kinh tế địa phương. Địa phương càng quan tâm hiệp hội thì liên kết DN mới mạnh và tạo hiệu quả.
Điều đáng lo ngại là các nhà lãnh đạo tỏ rõ quyết tâm, hăng say trên bàn đàm phán thì người dân, DN thờ ơ và bộ máy công chức vô cảm. Tôi thực sự cảm thấy xót xa nếu như những nỗ lực đàm phán, trong các chuyến thăm nước ngoài các lãnh đạo phải tranh thủ từng chút cơ hội để giành lợi thế về cho mình. Thế nhưng, cơ hội đó lại bị bỏ phí và không được chuyển hóa để tạo ra hợp đồng cho DN hay việc làm cho người lao động.
Từ góc độ DN ông có khuyến nghị gì với các nhà làm chính sách và chính quyền địa phương?
Chúng ta có mục tiêu phát triển, chính sách có tốt đẹp nhưng con người không đẹp thì không mang lại hiệu quả. Do đó, lãnh đạo nếu không xem DN là xương sống, không hiểu và chia sẻ với DN, tạo điều kiện và khắc phục khó khăn cho DN thì không bao giờ phát triển được.
Giải pháp đột phá là con người, đồng lòng từ trên xuống dưới, và cần cù của người dân, nhẫn nại và sáng tạo DN, tận tụy của từng công chức thì ta mới vượt qua khó khăn trong hội nhập. Việc đầu tiên cần làm ngay trong năm 2016 là cần loại bỏ bằng được công chức nhũng nhiễu, yếu kém trong bộ máy.
Theo Tri Thức Trẻ