Phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội ngày 3/11 “nóng” lên với vấn đề cân đối thu chi ngân sách nhà nước (NSNN).
Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách cho biết, tình trạng mất cân đối ngân sách kéo dài liên tục ở mức trên 5% GDP/năm. Nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì đều tăng mạnh hàng năm, từ 112.000 tỷ năm 2011 lên 226.000 tỷ đồng năm 2015.
Đó là chưa kể nguồn vốn trái phiếu Chính phủ (TPCP) cho đầu tư để ngoài cân đối ngân sách và giải ngân nguồn vốn ODA. Ví dụ năm 2015, vốn TPCP là 85.000 tỷ đồng, còn vốn ODA giải ngân vượt dự toán là 30.000 tỷ đồng.
Đại biểu Trần Văn (đoàn Cà Mau) – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội |
Do đó, nợ công tăng rất nhanh, bình quân 5 năm khoảng 20%/năm, từ khoảng 1,3 triệu tỷ đồng năm 2011 lên dự kiến 2,7 triệu tỷ đồng năm 2015.
Trong khi đó, từ năm 2013 trở lại đây, Việt Nam không cân đối được đủ nguồn để trả lãi nợ gốc các khoản vay của Chính phủ đến hạn phải trả và phải vay nợ mới để trả nợ cũ, giá trị năm sau cao hơn năm trước. Nếu năm 2013, lần đầu tiên phải vay để đảo nợ với mức 40.000 tỷ đồng thì năm 2014 là 77.000 tỷ đồng, năm 2015 khoảng 125.000 tỷ đồng.
“Khó có thể nói mọi việc đều suôn sẻ khi nợ đến hạn chúng ta không trả được mà phải cơ cấu lại nợ theo hướng kéo dài thời gian”, ông Văn nhận xét.
Vị đại biểu cũng chỉ ra rằng, việc tăng chi đầu tư chủ yếu là vốn vay, chưa phải là tích lũy của nền kinh tế đã dần trở thành gánh nặng của ngân sách nhà nước, trong đó chi thường xuyên không giảm do bộ máy nhà nước cồng kềnh, nặng lực quản lý nhà nước, năng lực cán bộ công chức nhà nước chưa được cải thiện, thủ tục hành chính rườm rà, rắc rối; lễ hội nặng nề, tốn kém.
Theo đại biểu tỉnh Cà Mau, không thể để NSNN lâm vào thế bị động như hiện nay “khi chúng ta phải tìm mọi cách để cân đối, kể cả bán đi tài sản đang sinh lời, vay nợ mới trả nợ cũ, vay nước ngoài trả nợ trong nước và huy động cả cổ tức của doanh nghiệp Nhà nước để đưa vào cân đối NSNN”.
Ông Văn đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét "đóng băng" mức bội chi ngân sách 254.000 tỷ đồng năm 2016 cho 3 năm liên tiếp, thay vì tăng hàng năm theo tỉ lệ phần trăm so với GDP để giảm dần tỉ lệ bội chi/GDP.
Đồng thời, "đóng băng" biên chế nhà nước trong 3 năm để xác định lại vị trí việc làm của cán bộ công chức, tiến tới giảm mạnh trong những năm tiếp theo, song song với lộ trình cải cách hành chính và thực hiện Chính phủ điện tử. Dừng tuyệt đối xây dựng các công trình, dự án không thật cần thiết.
“Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta phải tự giác thắt lưng buộc bụng trước khi buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của các định chế tài chính nước ngoài”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách, tài chính phát biểu.
Cũng tại phiên thảo luận này, đại biểu Phùng Đức Tiến (Hà Nam) đánh giá, trong chi tiêu ngân sách vẫn còn được sử dụng nhiều cho lễ hội, sự kiện, chi cho đi công tác nước ngoài vẫn chiếm tỉ trọng cao.
Trong khi đó, chi cho đầu tư phát triển, nhất là chi cho đầu tư cơ bản, các chương trình mục tiêu quốc gia vẫn còn dàn trải, chưa có trọng tâm trọng điểm nên hiệu quả không cao, thậm chí là lãng phí.
Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (đoàn Thái Nguyên) cho biết, ông không tán thành với đề nghị phương án sử dụng khoảng 10.000 tỷ đồng tiền bán bớt cổ phần Nhà nước tại doanh nghiệp để xử lý hụt thu ngân sách Trung ương.
Bởi theo ông Hùng, “như thế khác gì ăn vào vốn cố định, mục đích bán vốn là để đầu tư vào chỗ có hiệu quả hơn chứ không phải để tiêu”.
Theo Dân Trí