Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nói bà hoàn toàn đồng ý với quan điểm đón Tết cổ truyền theo dương lịch của Giáo sư Võ Tòng Xuân.
Xét trên góc độ kinh tế, theo bà Chi Lan, về lâu về dài nước ta nên theo cái chung của các nước khác, tức là nghỉ một dịp thôi.
"Dịp đó có thể dài hơn nhưng nghỉ một kỳ. Hiện nay thời gian nghỉ giữa 2 cái Tết đang gây ảnh hưởng ghê gớm tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các công ty", chuyên gia này nói.
Bà Lan cho hay:
Thực tế, sau kỳ Noel tết Tây, gần như tháng 1 Tây nhiều người không làm việc được bao nhiêu bởi các nơi tổng kết sơ kết rồi chuẩn bị cho Tết ta.
Sau Tết ta, lại phải mất hơn 1 tuần, thậm chí là lâu hơn, tức là qua Rằm tháng Giêng thì nhiều nơi mới thực sự quay lại guồng làm việc.
Như vậy, một nước còn nghèo, năng suất lao động còn rất thấp như Việt Nam mà lại nghỉ nhiều hoặc làm việc với một nhịp độ thấp như vậy thì rất khó cho việc phát triển.
Theo tôi, có thể tăng số ngày nghỉ, tiến dần tới việc có nhiều ngày nghỉ thực như các nước vì hiện nay số ngày nghỉ chính thức ở nước ta không nhiều, chỉ có 8 ngày. Trong đó, có 4 ngày nghỉ Tết và 4 ngày nghỉ khác và như thế là ít so với các nước.
Tuy nhiên, trên thực tế, 4 ngày nghỉ Tết ta kéo dài thành mấy chục ngày và là dạng nghỉ không chính thức. Thời gian ấy rất khó làm việc với các nơi vì chưa có không khí làm việc.
Như ở các nước, họ chơi ra chơi làm ra làm, trong khi ở ta, không chơi hẳn, cũng không làm hẳn trong dịp nghỉ hẳn.
Xét dưới góc độ kinh tế thì nhà nước lại vẫn phải trả lương cho 1 nhịp độ làm thấp hơn đáng kể so với bình thường.
Tôi thường làm việc với các tổ chức nước ngoài và họ đều thấy ngại với kỳ nghỉ lễ không chính thức quá dài ở Việt Nam.
- Theo bà, việc sản xuất, kinh doanh hoặc bán hàng của các công ty sẽ có thuận lợi thế nào nếu thực hiện ý tưởng Đón Tết cổ truyền tại Việt Nam theo dương lịch?
Tôi cho là sẽ có nhiều thuận lợi và giảm chi phí cho các doanh nghiệp có những hợp đồng với các đối tác nước ngoài trong dịp đầu năm.
Hiện nay, nếu có đơn hàng với các đối tác nước ngoài trong dịp trong hoặc ngay sau Tết, các doanh nghiệp sẽ phải chịu chi phí cao hơn nhiều so với bình thường, từ chi phí trả làm thêm ngoài giờ cho công nhân tới chi phí cho các cơ quan quản lý cảng, hải quan theo cơ chế ngoài giờ và thời gian chờ đợi cũng lâu hơn.
Tuy nhiên, nếu thực sự thực hiện đươc việc gộp 2 dịp Tết làm một, chúng ta cũng còn vướng ở yếu tố nông nghiệp theo Âm lịch.
Chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng cần sớm có lộ trình gộp Tết âm lịch với Tết dương lịch. Ảnh Bobi
Hiện nay tại Việt Nam vẫn còn 50% lao động nông nghiệp sống ở nông thôn nên ít nhiều có thể có tâm lý không thoải mái khi bỏ Tết ta, nhưng nên tập dần và chuyển dần. Chúng ta vẫn giữ mùa vụ nhưng không nhất thiết là ăn Tết phải theo mùa vụ.
Tôi ủng hộ việc ban hành một lộ trình thay đổi lịch ăn Tết và khuyến cáo các nhà chức trách nên xem lại việc bố trí lịch nghỉ hiện nay.
Còn ở thành phố, việc thay đổi lịch ăn Tết theo cách gộp lại chúng ta có thể sẽ thấy được hiệu quả ngay lập tức. Tôi ủng hộ việc ban hành một lộ trình thay đổi lịch ăn Tết và khuyến cáo các nhà chức trách nên xem lại việc bố trí lịch nghỉ hiện nay.
- Theo bà, việc gộp hai kỳ nghỉ lễ này làm một liệu có dần làm thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng Việt hay không?
Có chứ. Chắc chắn sẽ làm thay đổi rất nhiều.
Hiện nay, người Việt có thói quen mua sắm kiểu dồn dập cuối năm rồi lại kiêng mua sắm đầu năm, điều này gây ảnh hưởng nhiều tới thị trường và các thời kỳ khác trong năm.
Nhiều người đang phải mua sắm theo kiểu gồng lên quá sức trong thời gian Tết.
Điều này khiến người dân mệt mỏi vì vừa phải lo tiền mua sắm, vừa lại gây lãng phí theo kiểu "no dồn đói góp". Điều này theo tôi là không tốt.
Riêng về chuyện ăn uống chẳng hạn, vào dịp Tết ai cũng mua nhiều đồ, ăn không hết vứt đi lãng phí rồi ăn nhiều quá, uống nhiều cũng đều phá sức khỏe, rượu bia vào không kiểm soát được bản thân, đây là nguyên nhân làm tăng tai nạn giao thông.
- Như vậy việc gộp hai dịp nghỉ lễ này làm một nên thực hiện thế nào, theo ý kiến của bà?
Ăn Tết theo lịch Âm là tập quán của người dân Việt nên về phía nhà nước tôi cho rằng, trong trường hợp các cơ quan quản lý muốn thay đổi để hòa nhập với cái chung, vì lợi ích chung của nền kinh tế nước nhà song cũng sẽ khó trong việc thuyết phục ngay người dân.
Chính điều này, nên theo tôi, nên sớm đưa ra lộ trình gộp hai dịp Tết.
Trước tiên, điều cần làm ngay là có thể thông báo hoặc đưa ra thăm dò ý kiến dư luận về việc trong vòng mấy năm tới sẽ thực hiện gộp hai dịp nghỉ Tết để người dân làm quen dần với sự thay đổi và trong thời gian đó tiến hành vận động thuyết phục.
Việc thực hiện những bước đầu của lộ trình cần được đưa ra sớm nhất vì nếu không làm thì sẽ không có được hiệu quả cần thiết.
Về vấn đề đồng thuận, tôi cho rằng, đừng trông chờ sự đồng thuận 100% vì chẳng thể có cái gì đạt được sự đồng thuận tuyệt đối. Tuy nhiên, cái gì đúng, cái gì hay thì phải thuyết phục và thực hiện.