Cứ đến Tết là lo ngay ngáy, không có càng tốt
Đó là lời của chị Nguyễn Thị Hoa (Quê Hưng Yên – bán hàng rong tại khu vực Vincom – Triệu Việt Vương), chị cho biết: “Thu nhập của hai vợ chồng rất bấp bênh, ngày có, ngày không. Thậm chí có hôm còn tiêu âm so với tiền kiếm được mà Tết đến lại có quá nhiều thứ phải lo".
Với chị Hoa, Tết có quá nhiều thứ phải lo nên việc gộp chung Tết Tây - Tết Ta lại cũng được và "nếu không có Tết có khi lại hay hơn" |
Với chị Giang Hương (Nhân viên công ty viễn thông ZTE) cho hay: "Tôi cho rằng đây cũng là một ý kiến khá hay và mới mẻ. Như vậy sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí cho xã hội cũng như người dân. Biết đâu sự thay đổi này lại mang lại những điều bất ngờ và hào hứng cho dân tình".
Với chị Giang Hương, gộp Tết sẽ tiết kiệm được nhiều khoản chi tiêu cho bản thân và xã hội |
Chị Vân Anh cho rằng: Nếu gộp lại sẽ thuận tiện cho các đối tác nước ngoài |
Với chị Vân Anh (GĐ thương hiệu điện máy): “Tôi khá đồng ý với quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân về việc gộp Tết Tây – Tết Ta thành một bởi nước ta hiện đang hội nhập chung với Thế giới. Đơn cử như Valentine, Noel rồi cả Tết Tây Việt Nam cũng tổ chức khá linh đình.
Vậy để hòa nhập hơn nữa thì việc gộp chung hai Tết lại với nhau là khá hợp lý. Hơn thế, việc này sẽ rất thuận lợi đối với người nước ngoài hoặc người Việt làm việc ở nước ngoài”.
Với chị Minh Trang, gộp Tết thì công chức không phải mất đến 2 lần quà cáp cho các sếp |
Chị Minh Trang (Nhân viên KS Movenpic Hà Nội) cũng đồng quan điểm: “Nếu gộp Tết Tây và Tết Ta lại thì sẽ tránh và hạn chế được khá nhiều tệ nạn như: cờ bạc, rượu chè, tai nạn… Còn đối với những người làm công chức sẽ đỡ... mất đến 2 lần quà cáp cho các sếp”.
Đã “ăn vào máu” sao gộp được
Trái với những ý kiến trên, nhiều người lại phản đối hoặc cho rằng không nên gộp chung như thế bởi nét văn hóa từ ngàn đời nay đã “ăn vào máu”, tiềm thức của mỗi người dân.
Trao đổi về điều này, cụ Lê Thị Khuyên – 67 tuổi (Phố Huế – Hai Bà Trưng) cho rằng: “Ngày còn nhỏ, mỗi lần sắp đến Tết là chúng tôi háo hức lắm vì được may quần áo mới, được ông bà dẫn đi chơi, rồi lên Văn Miếu xin chữ… và truyền lại ý nghĩa của ngày Tết.
Bây giờ với tất cả người dân, Tết là dịp để con cháu khắp chốn tụ họp, quây quần bên mâm cơm tất niên, thăm họ hàng gần xa… Nếu gộp chung Tết Ta với Tết Tây thì còn đâu là tinh hoa văn hóa của dân tộc nữa. Tết đã ăn vào máu từng người rồi làm sao mà gộp được”.
Ngay cả những người làm văn phòng như chị Minh Trang cũng tỏ ra hối tiếc nếu việc gộp Tết Tây – Tết Ta thành một. Bởi vấn đề ở đây là nét văn hóa, là nguồn cội đã hằn sâu vào tiềm thức từ những đứa trẻ mới chập chững biết đi đến các cụ già tóc bạc phơ.
Dù đồng tình gộp chung Tết Ta vào Tết Tây, chị Giang Hương cũng phải thừa nhận một thực tế không ai mong muốn: “Nếu gộp Tết Ta vào Tết Tây thì sẽ mất đi truyền thống bao đời”.
Chị Thu Trang một phần đồng tình, một phần cũng tỏ ra hối tiếc |
“Với tôi, việc gộp chung này cũng mang lại nhiều điều mới mẻ và lợi ích nhất định. Nhưng dù khá đồng tình, tôi cũng thấy tiếc một nét truyền thống, văn hóa lâu đời”, đó là chia sẻ của chị Hoàng Thu Trang (Nhân viên công ty Nguồn Lực Việt).
Còn với một người bán hàng rong như chị Hoa, mặc dù thu nhập hạn hẹp, mỗi dịp Tết đến là trăm thứ phải lo nhưng Tết Âm với chị vẫn mang một ý nghĩa vô cùng đặc biệt: “Mặc dù phải chi tiêu nhiều nhưng ai cũng mong đến Tết để được đoàn tụ với gia đình”.
Như vậy, quan điểm của Giáo sư Võ Tòng Xuân cũng không ít người ủng hộ. Vì nếu gộp Tết Tây - Tết Ta thì Việt Nam sẽ hòa chung với xu hướng hội nhập toàn thế giới, giảm gánh nặng, tránh lãng phí, bớt chi tiêu, nhất là trong thời buổi kinh tế khó khăn này.
Nhưng quan điểm này chắc hẳn sẽ còn gây nhiều tranh cãi bởi nét văn hóa ngàn đời của dân tộc đã ăn sâu vào tâm trí, tiềm thức của mỗi người dân, khó lòng thay đổi được.
Theo TTVN