Mỹ Linh: Ăn Tết ta theo dương lịch ư? - Thảm họa

Thứ ba, 08/01/2013, 07:18
Trước luận điểm cho rằng, việc ăn Tết ta theo dương lịch sẽ tăng thêm cơ hội làm giàu, mạnh mẽ hội nhập với thế giới và giảm thiểu tệ nạn, ca sĩ Mỹ Linh kịch liệt phản đối.

Mỹ Linh cho rằng, Tết cổ truyền theo cách tổ chức bao đời nay là hồn vía dân tộc, thay đổi sẽ là một mối nguy cho tương lai.

Trong nhiều ngày nay, người ta tranh luận rất nhiều về ý kiến của GS Võ Trọng Xuân về việc nên tổ chức ăn Tết cổ truyền theo dương lịch. Trong đó, có cả những ý kiến đồng tình và rất nhiều ý kiến phản đối. Nhiều người cho rằng, luận điểm của GS Võ Tòng Xuân là xác đáng khi lấy một ví dụ là Nhật Bản ra để cho thấy sự thay đổi này là hợp lý.

Tuy nhiên, cũng có quá nhiều ý kiến cho rằng, việc thay đổi này sẽ lợi bất cập hại. Chúng ta sẽ dần mất đi cái gọi là văn hóa dân tộc trong cách hội nhập này.

Ca sĩ Mỹ Linh nói, sẽ là thảm họa nếu sau này, con cháu mình không biết mình là ai, mình từ đâu đến vì bỏ ăn Tết theo lịch âm.

Ca sĩ Mỹ Linh phản đối quan điểm nên tổ chức ăn Tết Nguyên đán theo dương lịch.
Mỹ Linh: Ăn Tết ta theo dương lịch ư? - Thảm họa Tết cổ truyền cùng với cách tổ chức như xưa nay vẫn làm cùng tính thời điểm của nó mới là cái hồn vía dân tộc. Mỹ Linh: Ăn Tết ta theo dương lịch ư? - Thảm họa

 - Đối với chị, Tết Nguyên đán theo cách tổ chức của cha ông bao đời này có ý nghĩa thế nào?

Đối với tôi, Tết Nguyên đán theo cách tổ chức bao nhiêu đời này là những giây phút thiêng liêng cho sự khởi đầu một năm mới.

Cảm giác này, được tích tụ trong những tầng cảm xúc được kết nối thế hệ, sự giao thoa của nét cổ truyền với cuộc sống hiện tại, nhớ về cội nguồn, tổ tiên và ước vọng được đặt lên bản thân và thế hệ sau, con cái của mình cho năm mới.

Điều đặc biệt, cảm giác này khác hẳn với việc đón nhận một cái Tết dương lịch.

Ngày bé, Tết càng thiêng liêng bởi vì sự mong đợi của cả năm. Giờ đây khi trở thành người mẹ, tôi càng trân trọng những ngày Tết sum vầy.

- Chị  có cho rằng, Tết Nguyên đán, là một căn cước về mặt văn hóa để nhận ra bản sắc Việt Nam trong thời kỳ hội nhập?


Điều này hoàn toàn đúng. Giữa cuộc sống hối hả, bộn bề nhiều lo toan và sự du nhập của hàng loạt các giá trị văn hóa phương Đông và phương Tây, tôi biết đã rất nhiều người lo ngại về việc thế hệ trẻ sính ngoại, cuồng nhiệt với những giá trị văn hóa ngoại lai mà quên mất những nét đẹp trong văn hóa tinh thần của dân tộc, của người Việt từ bao đời nay.

Sẽ không thật xác đáng nhưng tôi lấy ví dụ thế này, có rất nhiều lần, người ta lo lắng khi lớp trẻ không hiểu về lịch sử nước nhà bằng lịch sử Trung Quốc khi phim dã sử Trung Quốc chiếu nhiều trên truyền hình hơn phim Việt, người ta cũng từng lo ngại khi trào lưu Hàn hóa dâng lên mạnh mẽ trong giới trẻ.

Việc đón Tết, chuẩn bị cho một cái Tết nguyên đán là một trong những yếu tố để giữ gìn nét đẹp dân tộc ấy.

- Gần đây trên các diễn đàn, người ta bàn luận rất nhiều về ý kiến của GS Võ Tòng Xuân về việc gộp tết Nguyên Đán vào tết Tây để hòa nhập với thế giới, tranh thủ làm giàu và không làm mất đi tết Cổ truyền. Chị là một trong những người phản đối ý kiến này. Lý do là gì thưa chị?

Tôi thấy không nên làm như vậy. Hoà nhập vào một sẽ không còn cái cổ truyền nữa. Tết cổ truyền cùng với cách tổ chức như xưa nay vẫn làm cùng tính thời điểm của nó mới là cái hồn vía dân tộc.

- Chị có cho rằng, việc nghỉ đến hàng chục ngày tết Âm lịch/năm là đánh mất đi rất nhiều cơ hội để làm ăn, hợp tác và đưa kinh tế đất nước đi lên?

Tôi thấy dân tộc nào có văn hoá dân tộc ấy. Dân ta nghỉ Tết nhưng giáng sinh ta vẫn đi làm. Đấy chỉ là nguỵ biện thôi.

- Cũng ý kiến của GS Võ Tòng Xuân, quyết tâm ăn tết Ta theo dương lịch sẽ giảm thiểu tệ nạn xã hội, nhậu nhẹt, chè chén và cờ bạc, tiêu tốn sức khỏe. Ý kiến này, theo chị có xác đáng?

Tôi thấy người ta nhậu mỗi ngày mỗi tối, đâu cứ đợi đến Tết mới nhậu. Chuyện nhậu nhẹt hay cờ bạc là do ý thức của từng người. Ai nhậu nhiều thì không cần phải chờ đến dịp được nghỉ tết mới thực hiện hành vi đó, kể cả cờ bạc cũng vậy.

Số người lợi dụng Tết để cho rằng đó là dịp chính đáng để nhậu nhẹt, cờ bạc mà không phải suy nghĩ gì rất ít. Và cũng phải xem, họ là những người như thế nào. Không thể vì số cá nhân nhỏ như vậy mà quy kết được. Trên thực tế, Tết là dịp người ta thực hiện nhiều hành vi tốt đẹp đấy chứ ạ.

- Chị có nghĩ, nếu không nghỉ kéo dài như tết âm lịch hiện tại, con cháu chúng ta sẽ học tốt hơn?


Tôi không nghĩ như vậy. Học tập là một quá trình dài hơi và phải tự học nữa. Mặt khác, các cháu nhỏ ngoài học ở trường thì ngày Tết các cháu cũng học được thêm về văn hoá gia đình và văn hóa dân tộc, hiểu về tình thân, tôn ti trật tự, biết hơn về nguồn cội của mình. Điều này là cái lợi rất lớn, bản thân tôi nghĩ, ai cũng nhận ra điều này.

Hãy tưởng tượng một ngày chúng ta không ăn tết Nguyên đán theo lịch âm, lịch tính theo hệ mặt trăng của cư dân nông nghiệp, kéo theo hàng loạt những thay đổi tập tục, lối suy nghĩ, đặc biệt là lớp trẻ.

- Chị có lo, nếu chuyện mà chị lo lắng xảy ra, thế hệ sau này, sẽ vẫy vùng trong cái gọi là hội nhập mà không có câu trả lời khi tự đặt câu hỏi, mình là ai và từ đâu đến?


Đúng là như vậy. Cái đó mới là thảm họa. Đối với tôi, chúng ta có nhiều cách để làm giàu, để tránh tệ nạn xã hội. Và việc giữ nét văn hóa dân tộc cho thế hệ sau cũng phải xem như là một trách nhiệm.

-  Xin cảm ơn chị!

Theo VTCNews 

Các tin cũ hơn