TS Alan Phan
Với kinh nghiệm đầu tư chứng khoán của mình, ông có thể cho biết sự khác biệt giữa “chơi” chứng khoán ở Mỹ và Việt Nam?
TS. Alan Phan: Chứng khoán nào cũng có quy luật chung luôn luôn tùy thuộc vào cảm xúc của nhà đầu tư, trong đó phụ thuộc rất nhiều vào đội lái.
Ngay cả bên Mỹ cũng không khác gì. Họ có thể chạy theo "cá mập", với những phân tích, định giá một cách rõ ràng thì họ đầu tư vào, nó đi đâu thì mình đi theo đó. Thường khi theo đuôi đúng "cá mập", đúng đường cũng có thể ăn, nhưng nó có tin sai thì mất tiền rất dễ.
Còn ở Việt Nam thì phần đầu cũng giống như vậy nhưng phần thứ hai tức nhà đầu tư độc lập muốn có sự định giá rõ ràng, muốn có một nhận định chính xác thì khó, gần như là không có bởi những số liệu đó rất đáng ngờ, không ai biết rõ sự thật ra sao.
Thành ra ngoại trừ mình muốn đầu tư theo kiểu đoán mò thì cứ việc đầu tư, cũng giống như đi ra đường nói ngày hôm nay sẽ xui hay hên chứ cũng không ai biết được trúng hay trật.
Còn đi theo "đội lái" ở Việt Nam mang nhiều yếu tố lắt léo nên đôi khi mình đi lầm đường và nguy hiểm nhiều hơn.
Và quy phạm pháp luật đối với chứng khoán thì cũng khác rất nhiều, thưa ông?
Hiện nay ở Mỹ kể cả những "nhà lái tàu" lớn như các ngân hàng lớn như Citibank, JP Morgan… đều bị phạt rất nặng khi họ bị khám phá ra những vị phạm, do đó "đội lái tàu" của họ có sự nghiêm túc về tuân thủ pháp luật họ không dám đi quá đà.
Ở Việt Nam gần như không có sự kiểm soát đó thành ra ai muốn làm gì thì làm, đây là khác biệt rất lớn và gây ra khó khăn cho các nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Một người đang nắm giữ tiền và hỏi ông nền đầu tư vào đâu, ông sẽ khuyên họ thế nào?
Tôi khuyên nếu họ không biết về bất cứ lĩnh vực gì thì đừng nên vứt tiền vào đó, cũng giống như đi lấy vợ mà khôn g biết cô ấy ra làm sao và đó là việc làm hết sức nguy hiểm. Bởi tôi nghĩ bất cứ người nào cũng có những kỹ năng và kỹ năng nào đối với họ là tốt nhất, có nhiều kinh nghiệm thì nên đào tạo kỹ năng đó.
Muốn kiếm tiền có nhiều cách chứ không chỉ có chứng khoán, bất động sản, đô la ... và họ phải nghĩ sáng tạo hơn. Nhưng tuyệt đối không bao giờ nên đầu tư vào những gì mình không biết!
Ông có thể chia sẻ kinh nghiệm trong đầu tư chứng khoán?
Thực tình thì mỗi thời kỳ mỗi kinh nghiệm nó khác nhau. Khi chứng khoán ở đỉnh hay ở đáy thì đều có những cái phản ứng rất khác biệt, đừng lấy kinh nghiệm khi ở đỉnh đem áp dụng khi ở đáy cái đó là chết. Thành ra chứng khoán là điều rất phức tạp.
Tôi đã đọc nhiều cuốn sách trung bình có khoảng 140-150 yếu tố nó ảnh hưởng đến giá thị trường của một cổ phiếu, một nhà đầu tư nhỏ lẻ không thể nào mà biết hết được. Như tôi nói cái gì mình không biết rõ thì đừng nên chơi với lửa.
Ông có thể nói một chút về cái gọi là thời điểm trong chơi chứng khoán?
Như tôi nói thời kỳ chứng khoán ở đỉnh, ngay như cả ở bên Mỹ cũng vậy, nhắm mắt đầu tư thế nào cũng có lời nhưng khi bắt đầu đi ngang hoặc xuống đáy thì không cẩn thận có thể lỗ nặng. Thành ra đừng có lấy kinh nghiệm lúc kiếm tiền được để áp dụng cho mọi thời điểm, khi thời thế thay đổi đừng nghĩ cũng kiếm tiền như ngày xưa.
Cái đó nó cũng không áp dụng riêng cho chứng khoán, bất động sản, vàng, đô la cũng thế. Tôi đã từng kiếm rất nhiều tiền khi mà vàng lên nhưng khi vàng xuống tôi không nhảy ra kịp thì cũng lỗ một số tiền khá lớn. Thành ra thời điểm vô cùng quan trọng.
Thời điểm mà tôi đầu tư vào thị trường Trung Quốc cũng giống như Việt Nam cách đây mấy năm, tôi kiếm tiền khá nhiều ở thị trường chứng khoán Trung Quốc thế nhưng qua Việt Nam tôi cũng lỗ nặng, đó có thể nói rõ ràng về việc đúng thời điểm hay không.
Xin cảm ơn ông!
Theo Bizlive