Một nghiên cứu của trường Đại học Princeton chỉ ra rằng: Tiền có thể mua được hạnh phúc nhưng chỉ ở giới hạn nhất định. Sau khi bạn đã kiếm được 75.000 USD mỗi năm, thu nhập có tăng thêm thì bạn cũng sẽ chẳng cảm thấy "hạnh phúc" hơn nữa.
Evan Spiegel, CEO 23 tuổi của Snapchat là một ví dụ. Vừa qua, giới công nghệ ai cũng biết đến tin Spiegel từ chối lời đề nghị mua lại trị giá 3 tỷ USD của Facebook, nhiều người nghĩ anh này chắc "có vấn đề".
Nhưng Spiegel xuất thân từ một gia đình giàu có, cha anh sống tại một trong những khu xa hoa nhất của Los Angeles. Chỉ cần bán vài cổ phiếu, vị CEO trẻ tuổi sẽ có ngay vài triệu đô. Thật ra, khi từ chối 3 tỷ USD kia, Spiegel đâu hề "nói không" với giàu có bởi bản thân anh vốn đã giàu gấp đôi như thế.
Vậy khoản tài sản khổng lồ đã "mua" cho cha con anh những gì? Đáp án: một cơ hội gần như không rủi ro để dành cả đời điều hành một công ty công nghệ toàn cầu. Tiền mua cho anh thứ để theo đuổi.
Nhiều người tôn trọng quyết định của Spiegel nhưng cũng có người nhận xét rằng vị CEO này khá "dại".
Rõ ràng chủ đề về tiền bạc và mối liên quan tới hạnh phúc cực kỳ phức tạp và dễ bị phê phán. Trang Quora đã đặt ra câu hỏi "Bạn cảm thấy thế nào khi giàu có về mặt tài chính?" và nhận được khá nhiều câu trả lời của các doanh nhân thành công, thú vị có, đáng suy nghĩ có và thực tế đến phũ phàng cũng có.
Thứ khiến bạn hạnh phúc hơn không phải tiền, mà là mối quan hệ
"Tôi không mấy tin tưởng vào lập luận: Càng giàu, bạn càng cần nhiều tiền để duy trì cảm giác hạnh phúc ở một mức độ nào đó. Bởi mối quan hệ mới là thứ ảnh hưởng lên hạnh phúc chứ không phải tiền". - J.C. Hewitt, nhà báo tự do.
Càng có nhiều tiền, càng muốn có thêm
"Tôi nghĩ thế này, nếu tôi đã có khả năng kiếm được 10 triệu đô, hẳn đó phải là việc dễ dàng. Nếu dễ, người khác sẽ kiếm được 11 triệu đô. Tôi lại thấy mình nghèo hơn họ và phải kiếm được 100 triệu đô thì mới thấy hạnh phúc." - James Altucher, doanh nhân sáng lập mạng StockPickr, giám đốc một loạt quỹ đầu tư, tác giả của nhiều bài báo trên The Financial Times,TheStreet.com...
Khi cuộc sống đang dần tàn lụi, người giàu ít tự hào về những vật chất mình đang có hơn trước.
"Sau khi đã đạt được mọi thành công trong cuộc sống, mẹ tôi phát hiện ra mình mắc bệnh ung thu giai đoạn 4. Kể từ đó, ngày nào bà cũng hối hận vì những lựa chọn trước đây và tự giày vò chính mình.
Một trong những bài viết cuối cùng của mẹ tôi thể hiện bà chẳng còn trân trọng những thứ mình đang có trong tay nữa và muộn màng nhận ra rằng hạnh phúc không nằm trong những thứ vật chất kia." - Noma Nomura, giám đốc marketing MySpace.
Người giàu cũng có nỗi buồn như người thường, nhưng không cảm thấy đau đớn lắm vì dù sao họ cũng vẫn giàu.
"Người giàu cũng có hỉ nộ ái ố như người thường mà thôi. Nhiều lúc tiền cũng là nguyên nhân gây ra căng thẳng và mệt mỏi cho họ. Tuy nhiên "buồn, nhưng mà giàu" sẽ khác với "đã buồn lại còn nghèo". Tiền có thể mua cho chúng ta sự thoải mái mà." - Steven Kane, doanh nhân, nhà đầu tư, nhà thơ haiku.
Giàu rồi, vẫn chẳng thấy gì khác
"Trở nên giàu có rồi, sau vài tháng bạn sẽ dần thấy quen và cảm thấy mọi thứ rất bình thường" - Balraj Chana, nhà thiết kế website tại Brain Fights.
Bạn được tôn trọng dù không xứng
"Cuộc sống là cố gắng phấn đấu để trở nên giàu có. Khi giàu rồi, 99% thế giới sẽ vây quanh và kính trọng bạn dù bạn không xứng. Kể cả những kẻ lắm tiền nhưng ngu dốt và mù chữ nhất vẫn tha hồ đắm mình trong lời tung hô khen ngợi đó thôi." - Khuyến danh
Giàu có khiến cuộc sống bớt rủi ro
"Cuộc đời tôi ít rủi ro hơn bao giờ hết. Ốm, có bác sĩ giỏi nhất; lỗ khi đầu tư nhà đất, vẫn chẳng ảnh hưởng tới cuộc sống đời thường. Tôi có thể nuôi năm đứa con và vẫn đảm bảo được đứa nào cũng được học đại học. - Josh Kerr, giám đốc sản phẩm của Macheen Inc, Hightail (Yousendit.com cũ), doanh nhân, nhà đầu tư.
Giàu rồi, bạn vẫn tự hỏi: "Thế này đã được chưa?"
"Sau khi đã hoàn thành mọi mục tiêu vật chất, bạn sẽ bắt đầu tự vấn "Thế này đã được chưa?" Nếu là một người tham vọng, bạn sẽ còn băn khoăn với những câu "Làm gì tiếp theo đây? Làm thế nào để thay đổi thế giới?" - Khuyết danh.
Theo Trí Thức Trẻ/BusinessInsider