Hai người trong vụ Vinalines chống án

Thứ bảy, 28/12/2013, 10:34
Trong khi ông Trần Hải Sơn xin giảm nhẹ hình phạt và bồi thường dân sự, thì cựu đăng kiểm viên Lê Văn Dương gửi đơn lên cấp phúc thẩm vì cho rằng quy kết của TAND Hà Nội là không thỏa đáng.

Trong lá đơn đề ngày 17/12, một hôm sau khi lĩnh 22 năm tù về tội Tham ô, Cố ý làm trái, nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines Trần Hải Sơn viết: "Trong quá trình xét xử đã nhận thức được hành vi là đúng người, đúng tội. Bị cáo mong muốn được sửa chữa những sai lầm và khắc phục hậu quả".

Ông Sơn đề nghị TAND Tối cao xem xét cá thể hóa trách nhiệm hình sự của bị cáo trong các tội danh Tham ô tài sản và Cố ý làm trái để được giảm nhẹ hình phạt. Ông này cho rằng, bố mình từng là sĩ quan tham gia chiến trường Lào, được tặng thưởng nhiều huân huy chương; bản thân bị cáo có nhiều đóng góp cho ngành hàng hải Việt Nam, được tặng thưởng nhiều bằng khen, danh hiệu thi đua.

Riêng về trách nhiệm dân sự, ông Sơn cho rằng, tòa tuyên phải bồi thường 39 tỷ đồng là quá lớn nên xin cấp phúc thẩm giảm bớt.

son-9670-1386915425-8777-1388141865.jpg

Trần Hải Sơn tại phiên tòa sơ thẩm. Ảnh: Việt Dũng.

Cùng có đơn chống án là Lê Văn Dương, nguyên cán bộ Chi cục Đăng kiểm số 6, người bị TAND Hà Nội tuyên phạt 7 năm tù tội Cố ý làm trái. Bị cáo cho rằng, quy kết của TAND Hà Nội là không thỏa đáng khi nói mình có vai trò đồng phạm vì đã lập, ký biên bản kiểm tra giám định đánh giá tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M không đúng thực tế, hướng dẫn của Cục đăng kiểm Việt Nam, giúp Vinalines hợp thức hồ sơ khảo sát, lựa chọn nhà thầu, ký hợp đồng mua ụ nổi.

Lý do được Dương đưa ra là, khi được cử đi khảo sát tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại Nga cho Vinalines, trong danh mục tài liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam chưa có hướng dẫn để thực hiện công việc này và cũng không có quy định nào bắt buộc phải giám định ụ nổi theo dướng dẫn B10.

Dương cho rằng đã vận dụng kiến thức học được cùng kinh nghiệm thực tế và tham khảo các tài liệu của Cục Đăng kiểm để thực hiện nhiệm vụ. Khi về Việt Nam, Dương đã lập biên bản kiểm tra giám định và được lãnh đạo Chi cục Đăng kiểm số 6 soát xét, phê duyệt. Phòng tàu biển và lãnh đạo Cục chấp nhận để làm căn cứ lập chứng thư giám định, có chữ ký của Cục trưởng Nguyễn Văn Ban. Dương cho rằng đã làm đúng hướng dẫn B10.

Rồi Dương khẳng định biên bản trên đã phản ánh đúng tình trạng kỹ thuật ụ nổi 83M tại thời điểm kiểm tra về độ tuổi, cũng như những việc ụ nổi này không thỏa mãn quy phạm của Đăng kiểm Nga.

Về trách nhiệm dân sự, Dương đề nghị cấp phúc thẩm xem xét mức bồi thường 15 tỷ đồng: "Các bị cáo ở Chi Cục hải quan Vân Phong nhận án tù cao hơn nhưng trách nhiệm lại thấp hơn”.

Ngày 12, 13, 14 và 16/12, ông Dương Chí Dũng cùng 9 người bị đưa ra xét xử tại TAND Hà Nội về các tội Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và Tham ô tài sản.

Với cáo buộc làm thất thoát hơn 366 tỷ đồng của Nhà nước trong thương vụ mua ụ nổi 83M, ông Dũng bị tuyên 18 năm tù về tội Cố ý làm trái; và mức án tử hình ở tội Tham ô do bị quy kết nhận "lại quả" 10 tỷ đồng từ Công ty AP Singapore. Tổng hợp hình phạt là tử hình.

Ông Mai Văn Phúc, nguyên Tổng giám đốc Vinalines, nhận cùng mức án như ông Dũng với hai tội danh. Bị cáo Trần Hữu Chiều (nguyên Phó tổng giám đốc Vinalines) bị kết án 10 năm tù về tội Tham ô, 9 năm tù do Cố ý làm trái; tổng hợp là 19 năm. Trần Hải Sơn (nguyên Tổng giám đốc Công ty TNHH sửa chữa tàu biển Vinalines) lĩnh 22 năm tù.

Các bị cáo Phúc, Chiều, Sơn bị xác định đã tham gia ăn chia vụ "lại quả" 1,666 triệu USD (hơn 28 tỷ đồng) trong thương vụ mua ụ nổi 83M với giá cao gấp nhiều lần thực tế. Sau nhiều năm mang về Việt Nam, do quá cũ phải tốn nhiều tiền sửa chữa, hiện ụ vẫn chưa sử dụng được.

Theo VnExpress

Các tin cũ hơn