Đó là trăn trở của nhiều đại biểu tại hội nghị sơ kết 5 năm triển khai Nghị quyết T.Ư 7, khóa 10 về nông nghiệp, nông thôn và nông dân, diễn ra tại Hà Nội ngày 25.12, do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Trưởng ban chỉ đạo sơ kết 5 năm về thực hiện Nghị quyết T.Ư 7 chủ trì.
Trình bày kết quả sau 5 năm đưa nghị quyết vào cuộc sống, Bộ trưởng NN-PTNN Cao Đức Phát dẫn chứng nhiều chỉ số lạc quan. Giai đoạn 2009-2013, GDP nông lâm thủy sản tăng bình quân 2,9%/năm, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,2%, dự kiến năm 2013 ước đạt khoảng 27,5 tỉ USD.
Thu nhập bình quân của nông dân năm 2013 khoảng 19,97 triệu đồng/năm, gấp 2,18 lần so với năm 2008...
Nông dân chịu quá nhiều thua thiệt khi phải tự bơi từ tổ chức sản xuất cho đến tìm cách tiêu thụ nông sản - Ảnh: Diệp Đức Minh |
42.785 hộ bỏ không đất canh tác
Làm ruộng là nghề gia truyền, ruộng đất là nguồn sống của nông dân từ bao đời nay nhưng nông dân đang chán ruộng, bỏ ruộng ồ ạt là vấn đề báo động |
Ông Nguyễn Quốc Cường, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam |
Ông Cao Đức Phát nhìn nhận, dù thu nhập có tăng nhưng đời sống của dân cư nông thôn còn thấp, khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị, giữa miền xuôi và miền núi, giữa các vùng miền có xu hướng gia tăng; việc đảm bảo an sinh xã hội cho dân cư nông thôn còn nhiều bất cập; nông dân phải tự gánh chịu nhiều rủi ro, do thu hồi đất đai đền bù không thỏa đáng, thủy điện xả lũ không đúng quy trình, huy động đóng góp quá mức... làm tăng thêm khó khăn đời sống nông dân.
Nông dân bỏ ruộng, chán ruộng là vấn đề đáng báo động. Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, trong năm 2012 - 2013, cả nước đã có 42.785 hộ bỏ không đất canh tác với trên 6.882 ha, có trên 3.407 hộ trả ruộng.
Chủ tịch Hội Nông dân VN ông Nguyễn Quốc Cường nhận định vấn đề nông dân bỏ không đất canh tác, đòi trả ruộng diễn ra ở nhiều địa phương có liên quan đến thu nhập, hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đặt dấu hỏi lớn cho những nhà hoạch định chính sách. Nếu so sánh theo cơ cấu cây trồng, đời sống người nông dân trồng lúa đang khổ nhất, có thu nhập thấp nhất.
Qua khảo sát, trong điều kiện mưa thuận gió hòa, một sào ruộng (360 m2) trồng lúa cho thu khoảng 1,3 triệu đồng/vụ, chi phí đầu tư đã mất trên dưới 1 triệu, tính ra mỗi vụ kéo dài khoảng 3 tháng, nông dân chỉ lãi từ 100.000 - 200.000 đồng. “Nếu chuyển qua chạy xe ôm, lên thành phố làm ô sin, phụ hồ một ngày đã được kiếm được ngần ấy tiền.
Thu nhập làm ruộng cả năm thua cả lương ô sin 1 tháng, hiệu quả và giá trị lao động thấp như thế thì bỏ ruộng, trả ruộng là điều bình thường. Nhưng bất bình thường ở chỗ làm ruộng là nghề gia truyền, ruộng đất là nguồn sống của nông dân từ bao đời nay nhưng nông dân đang chán ruộng, bỏ ruộng ồ ạt là vấn đề báo động”, ông Cường nói.
“Tiếng nói của nông dân phải được nâng cao hơn” Trao đổi với PV Thanh Niên, GS-TS Võ Tòng Xuân, quyền Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ, nhận định: “Nông dân được hưởng lợi ít nhất trong chuỗi sản xuất - phân phối và kể cả trong mối liên kết nông dân - doanh nghiệp (DN) là một sự bất công. Người nông dân đầu tư tiền bạc, một nắng hai sương, bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, chăm bẵm đồng ruộng lẽ ra phải được trả công xứng đáng thì trên thực tế lại đang bị thua thiệt trong khi phần lợi lớn nhất lại thuộc về các DN, thương lái, giá nông sản đội lên thì đổ hết lên đầu người tiêu dùng”. Ông cho rằng, tiếng nói của người nông dân phải được nâng cao hơn trong chuỗi sản xuất - phân phối, trong liên kết nông dân - DN đồng thời tạo ra liên kết bền chặt giữa nông dân và DN trên cơ sở chia sẻ lợi ích một cách hài hòa, thông qua những chính sách rất cụ thể. “Nghị quyết 26 T.Ư về Tam nông với nhiều điểm đột phá, cần được đi vào cuộc sống một cách mạnh mẽ và sâu sắc hơn sẽ là lời giải cho bài toán này”, ông khẳng định. |
Đầu tư tăng nhưng hiệu quả thấp
Ông Cường khẳng định, thu nhập đa số người nông dân hiện rất thấp có nguyên nhân từ tổ chức khâu tiêu thụ nông sản. Hiện tại, nông sản và các loại hàng hóa đến người tiêu dùng trải qua quá nhiều khâu trung gian. Giá trị sản phẩm đều gia tăng ở mỗi khâu nhưng nông dân được hưởng rất ít.
Nguyên Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Huy Ngọ cho rằng: “Nông dân chỉ có thu nhập cao và trở nên giàu có khi ngành nông nghiệp tổ chức được nền sản xuất hàng hóa có quy mô lớn. Sản phẩm đáp ứng nhu cầu và có sức cạnh tranh đủ mạnh trên thị trường.
Nếu sản xuất vẫn manh mún, nhỏ lẻ, cứ loay hoay với các giải pháp như hiện nay, hàm lượng khoa học công nghệ ứng dụng vào nông nghiệp còn ít sẽ rất khó tìm lời giải cho bài toán nâng cao thu nhập”.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ NN-PTNT, trong giai đoạn 2009-2013, tổng số vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn đạt 520.441 tỉ đồng, bằng 51,67% tổng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách và trái phiếu Chính phủ, tăng 2,62 lần so với 5 năm trước.
Tuy nhiên, đầu tư cho nghiên cứu và chuyển giao công nghệ còn dàn trải, ít có sự đột phá, tạo sự chuyển biến trên diện rộng về năng suất, chất lượng. Nông nghiệp dựa vào nhiều nguồn từ nước ngoài để có thêm tiến bộ kỹ thuật và máy móc thiết bị công nghệ mới.
Trên 90% máy kéo 4 bánh và máy công tác kèm theo, máy gặt đập liên hợp phải nhập khẩu. Hiện tượng tranh chấp, khiếu kiện của nhân dân nổi lên với mức độ ngày càng phức tạp hơn. Năm 2013, cả nước đã có 60.900 vụ khiếu kiện về đất đai, chủ yếu từ nông thôn.
Nên dành nguồn lực thúc đẩy sản xuất
Tại hội nghị, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu cho rằng xây dựng nông thôn mới với mục tiêu là nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân thì nên dành nguồn lực đầu tư thúc đẩy sản xuất, gia tăng chất lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ.
“Đời sống vật chất có no đủ khấm khá thì nhu cầu văn hóa tinh thần sẽ được nâng lên. Trong khi nông dân đang còn nghèo đói mà đầu tư xây dựng nhiều nhà văn hóa thì họ múa hát sao được”, ông Hậu nói.
Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Đặng Viết Thuần, thực tế đang có tình trạng, chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới theo mệnh lệnh hành chính, chưa căn cứ vào tình hình thực tế tại địa phương và có biểu hiện lạm dụng, lãng phí nguồn lực. Khi biết tiêu chí nào đầu tư nhiều tiền thì các đơn vị lao vào và thậm chí là tranh giành nhau để được làm còn các tiêu chí ít tiền hơn thì không ai muốn nhận.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phong trào xây dựng nông thôn mới ở các địa phương đang có những biểu hiện chạy theo hình thức. Để xây dựng nông thôn mới thành công, đưa ra nghị quyết là quan trọng, nhưng các địa phương tránh thực hiện giáo điều, vận dụng triển khai theo điều kiện phù hợp ở từng nơi, có như thế nội dung của nghị quyết mới thực sự đi vào cuộc sống.
Theo Chủ tịch Quốc hội, triển khai xây dựng nông thôn mới trong những năm tới cần tăng cường đầu tư ứng dụng khoa học, công nghệ vào nông nghiệp, nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận và làm chủ khoa học kỹ thuật cho nông dân.
“Phải để nông dân nắm đằng cán” Về tình trạng đã có rất nhiều chính sách hỗ trợ nông dân được triển khai trong thời gian qua nhưng hiệu quả hầu như không đáng kể, nguyên Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hồ Xuân Hùng lý giải: “Có nhiều chính sách đưa ra mà tính khả thi thì không rõ, cho nên đến tận bây giờ, đầu ra cũng như đầu vào của sản xuất nông nghiệp là chưa ổn định, chưa kiểm soát được, ảnh hưởng đến giá thành của nông sản. Thêm vào đó, trên thực tế, nhiều sản phẩm, các DN kinh doanh đạt hiệu quả rất lớn, như gạo chẳng hạn, lúc nào các tổng công ty lương thực cũng lãi lớn nhưng đầu tư trở lại cho nông dân, gắn trực tiếp với chuỗi sản phẩm lại gần như là lỏng lẻo, thậm chí là buông, là không có gì”. Để có thể giữ người nông dân tiếp tục gắn bó với đồng ruộng, ông Hùng cho rằng các chính sách đề ra phải hướng tới việc để nông dân nắm đằng cán, đừng để nông dân nắm đằng lưỡi. Cơ quan quản lý nhà nước cũng hoàn toàn có thể đưa ra những chính sách để “cột” DN trong việc liên kết và phân chia lợi ích một cách công bằng và hài hòa với người nông dân, kể cả đối với DN tư nhân”. |
Theo Thanh Niên