Nhìn lại dòng vốn FDI vào Việt Nam hậu gia nhập WTO

Thứ ba, 24/12/2013, 13:02
Trong năm 2013, theo số liệu công bố bởi Tổng cục Thống kê, vốn FDI giải ngân ước 11,5 tỷ USD, tổng vốn đăng ký ước 21,6 tỷ USD - cao nhất 4 năm qua.

Nhìn lại dòng vốn FDI vào Việt Nam hậu gia nhập WTO

Trong gam màu trầm của nền kinh tế Việt Nam, con số vốn FDI đăng ký vẫn tiếp tục tăng với khoảng 21,6 tỷ USD năm 2013 cho thấy vai trò, vị thế và quy mô ngày càng lớn của dòng vốn FDI trong nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam chuẩn bị gia nhập những tổ chức quốc tế lớn trong và ngoài khu vực như Cộng đồng kinh tế chung ASEAN (AEC), Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TTP)…thì việc nhìn lại dòng vốn FDI ở Việt Nam những năm qua, nhất là từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) càng cần thiết.

Về cơ bản, trong 22 năm qua (từ 1991 đến nay), cả vốn đăng ký và vốn giải ngân FDI đều tăng về quy mô và dần ổn định.

Cụ thể, cùng với quá trình mở cửa của nền kinh tế và hoàn thiện luật pháp về đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, vốn đăng ký và vốn giải ngân FDI trong giai đoạn 1991 - 1996 tăng liên tục qua các năm nhưng quy mô còn nhỏ.

Tuy nhiên, từ 1997 do khủng hoảng tài chính - tiền tệ ở Đông Nam Á, bùng phát đầu tiên tại Thái Lan, vốn đăng ký FDI vào Việt Nam giảm dần với mức giảm thấp nhất là 2,2 tỷ USD vào năm 1999. Sau đó, tăng nhẹ và duy trì khoảng 2 - 3 tỷ USD trong giai đoạn 2000 - 2003.

Số liệu nguồn Tổng cục Thống kê

Nhờ sự phục hồi của nền kinh tế Đông Nam Á và trong xu thế phát triển của kinh tế thế giới, vốn đăng ký FDI tăng dần từ năm 2004 với 4,5 tỷ USD lên nhẹ 6,8 tỷ USD năm 2005.

Trong khi, vốn FDI giải ngân từ 1997 đến 2005 vẫn duy trì ổn định khoảng hơn 2 - 3 tỷ USD mỗi năm, thậm chí có năm vốn giải ngân còn cao hơn vốn đăng ký như năm 1999, vốn đăng ký chỉ đạt 2,2 tỷ USD nhưng vốn FDI đã giải ngân được 2,5 tỷ USD.

Đặc biệt, ảnh hưởng của thông tin Việt Nam gia nhập WTO đã làm vốn đăng ký tăng mạnh với quy mô lớn, khi 2005 chỉ thu hút 6,8 tỷ USD thì đến 2006 tăng gần gấp đôi lên 12 tỷ USD và lần đầu tiên đạt hơn 21 tỷ USD vào năm 2007. Đặc biệt, năm 2008, vốn đăng ký đạt mức kỷ lục từ trước đến nay với 71,7 tỷ USD bất chấp khủng hoảng tài chính toàn cầu từ cuối năm 2007 đến đầu 2008.

Tuy nhiên, do sự lan rộng và ảnh hưởng ngày càng lớn của khủng hoảng kinh tế thế giới nên từ năm 2009 đến 2011, vốn đăng ký FDI giảm dần giảm dần từ 23,1 tỷ USD xuống còn 15,6 tỷ USD, trung bình mỗi năm giảm khoảng 4 tỷ USD. Song quy mô FDI vẫn lớn hơn nhiều so với giai đoạn trước khi gia nhập WTO.

Từ 2012 đến nay, cùng với sự phục hồi của kinh tế thế giới, vốn FDI bắt đầu có xu hướng tăng trở lại, tăng nhẹ lên 16,2 tỷ USD năm 2012 và đặc biệt trong năm 2013, FDI đăng ký đạt 21,6 tỷ USD, vốn giải ngân đạt 11,5 tỷ USD. Trong khi, vốn giải ngân FDI từ 2006 tăng mạnh so với giai đoạn trước đó, từ 4,1 tỷ USD vào năm 2006 tăng gấp đôi lên hơn 8 tỷ USD năm 2007 và duy trì ổn định ở mức 10 - 11 tỷ USD từ 2008 đến nay.

Xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm ưu thế

Nhìn chung, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam chịu ảnh hưởng và tác động mãnh mẽ của các sự kiện kinh tế lớn trong và ngoài nước như khủng hoảng tài chính, tiền tệ hay tham gia các tổ chức thương mại khu vực và thế giới.

Trong đó, việc Việt Nam gia nhập WTO đã có ảnh hưởng lớn đến việc gia tăng nhanh chóng vốn FDI vào Việt Nam với quy mô lớn hơn, từ đó xác lập vị trí và vai trò ngày càng quan trọng hơn của FDI trong nền kinh tế Việt Nam.

Điều này được phản ánh khá rõ không chỉ trong nguồn vốn FDI đăng ký và giải ngân mà còn thể hiện trực tiếp trong tương quan hoạt động xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp FDI với cả nước.

Trước tiên, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI tăng giảm cùng chiều với hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.

Từ 2002 - 2013, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI nói riêng và của cả nước tăng liên tục, chỉ hơi chững lại ở năm 2009 do khủng hoảng kinh tế toàn cầu.

Cả nước xuất khẩu từ 16,7 tỷ USD năm 2002 tăng lên khoảng 7,5 lần, đạt 120,57 tỷ USD trong 11 tháng năm 2013, nhập khẩu từ 19,7 tỷ USD năm 2002 tăng lên 119,81 tỷ USD trong 11 tháng năm 2013. Trong khi, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI tăng từ 4,6 tỷ USD lên 74,19 USD, nhập khẩu tăng từ 6,62 tỷ USD lên 68,07 tỷ USD trong cùng giai đoạn này.

Đồng thời, hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong hoạt động xuất nhập khẩu của cả nước.

Năm 2002, xuất khẩu của doanh nghiệp FDI (4,6 tỷ USD) chỉ chiếm khoảng ¼ trong xuất khẩu của cả nước (16,7 tỷ USD) nhưng từ khi gia nhập WTO đến nay, tỷ trọng xuất khẩu của doanh nghiệp FDI đã dần dần tăng lên, từ khoảng 1/3 vào năm 2007 đến nay đã chiếm gần 2/3 trong hoạt động xuất khẩu của cả nước.

Tỷ trọng nhập khẩu của doanh nghiệp FDI trong nhập khẩu chung của cả nước cũng tăng lên nhanh chóng, từ khoảng 1/3 trong hoạt động nhập khẩu của cả nước, nay đã chiếm ½ trong tổng nhập khẩu của cả nước.

Số liệu từ  2002 - 2012 nguồn Tổng cục Hải quan, 2013 nguồn Tổng cục Thống kê

Mặt khác, qua số liệu xuất - nhập khẩu của doanh nghiệp FDI nói riêng và cả nước nói chung, có thể thấy từ 2002 - 2010, doanh nghiệp FDI và cả nước đều nhập siêu là chủ yếu nhưng tỷ trọng nhập siêu của doanh nghiệp FDI rất thấp và khá ổn định. Từ 2002 - 2011, nhập siêu của doanh nghiệp FDI luôn từ dưới 5 tỷ USD. Trong khi, nhập siêu của cả nước thì lớn hơn và có những năm tăng đột biến như giai đoạn 2007 - 2011.

Đặc biệt, từ 2012 đến nay, Việt Nam đã bắt đầu xuất siêu và việc xuất siêu này chủ yếu nhờ xuất nhập khẩu của khu vực doanh nghiệp FDI khi khu vực này xuất siêu lớn trong khi khu vực doanh nghiệp trong nước vẫn tiếp tục nhập siêu.

Với quy mô xuất nhập khẩu hiện nay và việc Việt Nam đang chuẩn bị gia nhập các tổ chức thương mại lớn trong và ngoài khu vực sắp tới, dự báo dòng vốn FDI và doanh nghiệp FDI còn là một trong những trụ cột lớn của nền kinh tế đất nước.

Theo Bizlive.vn

Các tin cũ hơn